Bên cạnh vô vàn những áp lực công việc như tiền lương thấp, gặp phải đối tác khó chịu, thì việc mặt đối mặt hàng ngày với các quái nhân trong cùng cơ quan cũng phần nào là nguyên nhân làm giảm hiệu suất công việc.
Khi quái nhân thích buôn chuyện
Suốt cả tuần nay, ngày nào đến văn phòng Vân cũng nhận được những cái liếc xéo, những tiếng xì xầm khi cô quay lưng đi, thậm chí có đồng nghiệp còn chạy đến tận bàn thẽ thọt hỏi “thủ tục li hôn làm đến đâu rồi?” khiến Vân tá hỏa bởi cô mới lấy chồng chưa đầy một năm…
Mọi chuyện bắt đầu từ những tin nhắn Vân lưu trong điện thoại mà một lần anh bạn đồng nghiệp hỏi mượn khi di động của anh ta hết pin.
Cuối tuần, cả phòng Vân tranh thủ thuê xe đi đền Bà Chúa Kho cầu lộc. Trên đường về, một cậu đồng nghiệp (kém Vân hai tuổi và chưa có gia đình) hỏi mượn cô cái máy di động để nhắn tin vì máy của cậu ta hết pin. Và thế là, cậu chàng hay chuyện đã “tranh thủ” vào kiểm tra hết tất tật các tin nhắn “đi”, “đến” mà bà chị đồng nghiệp lưu trong máy. Thôi thì đủ cả, như chuyện Vân cãi nhau với chồng bị chồng bạt tai do trót xưng mày – tao (vợ chồng Vân bằng tuổi).
Chuyện cô tâm sự với bạn gái về chồng trong lúc buồn bực, giận dữ, rằng không hiểu sao lấy chồng lại khổ thế, “đến bỏ chồng mất”, rồi tin nhắn của chồng báo đi nhậu về muộn, không ăn cơm ở nhà, tin Vân nhắn lại “thích đi đâu thì đi, không thiết”… Đây là những tin nhắn từ hồi mới cưới và Vân lưu lại để thỉnh thoảng hai vợ chồng lôi ra cười trêu nhau. Ấy thế mà, qua miệng cậu bạn, Vân trở thành một người vợ “hỗn hào, bắt nạt chồng, bị chồng đuổi khỏi nhà nhiều lần và hiện đang bị chồng ruồng rẫy”…
Đầu tuần đi làm, Vân không khỏi ngạc nhiên khi nghe những lời xì xào như kể “chuyện của ai ai đó” và những cái nhìn đầy ngụ ý. Chuyện đã lan ra khắp cơ quan… Và điều khiến Vân phẫn nộ là không một ai đến hỏi thẳng cô xem chuyện gì đã xảy ra. Dù đã được chồng an ủi “không chấp kẻ tiểu nhân” nhưng Vân còn phải khóc sướt mướt với chồng thêm mấy đêm nữa mới hết ức chế. “Mình tức gã quái nhân ấy một phần thì tức lây những đồng nghiệp đã không biết suy xét lại còn thích lội bì bõm vào đời tư người khác gấp mười lần”, Vân ấm ức.
Thâm niên trong cơ quan đã ba năm nhưng chưa lần nào Vân gặp phải một cú sốc tương tự. Điều này khiến cô cảnh giác cân nhắc hơn với các đồng nghiệp lâu nay vẫn hàng ngày tíu tít rủ nhau đi ăn trưa, tranh thủ shopping khi sếp công tác và đồng lõa với nhau trong vô số… tội khác.
“Buôn dưa lê” với lũ bạn cũng đang làm việc cả ở cơ quan nhà nước lẫn văn phòng của Tây, Vân mới thấy chuyện”tai bay vạ gió” của mình còn chưa thấm vào đâu với các chiêu chơi xấu sau lưng của những quái nhân khác.
Khi quái nhân giỏi chọc gậy bánh xe
Là lính mới mà ngày đầu đi làm đã được chị đồng nghiệp xinh đẹp cùng bộ phận tươi cười đón tiếp, ngọt ngào “hợp tác” và nhiệt tình chỉ việc, Hà rất lấy làm yên tâm. Cô cười khẩy với những lời “cảnh báo” về các bệnh văn phòng như xét nét, kèn cựa, đố kỵ, nói xấu sau lưng… Hoan hỉ chưa đầy một tuần thì sang đến tuần thứ hai, cô bị sếp gọi ngay lên văn phòng, nghiêm khắc nhắc nhở về một số sơ suất ngay trong tuần đầu làm việc, khiến Hà “mắt chữ O mồm chữ A” vì toàn lỗi “trời ơi” cô chưa từng nghe đến. May mà sếp không nhắc lại thêm lần nào.
Truy ra Hà mới biết mọi thông tin xuất phát từ một email trong nội bộ công ty gửi đến cho sếp. Tác giả của email “xì đểu” đó là ai, chỉ nửa ngày sau Hà đã biết. Và cô uất ức khi thấy ngày ngày, “quái nhân” xinh đẹp cùng bộ phận vẫn tay bắt mặt mừng, tíu tít hỏi thăm chuyện con cái, mặt mũi tỉnh queo cứ như cái email nặc danh kia là để xỉ vả một “kẻ thù” nào đó. Hà cũng hối tiếc vì những lời gan ruột mà cô đã dốc bầu tâm sự cùng “quái nhân” khi gặp oan ức.
Giờ thì, đã quen với các chiêu gửi thư nặc danh, đòi chuyển chỗ làm nếu sếp không tin tưởng, rồi khóc lóc, kêu oan với sếp của “quái nhân” thì cô lại có dịp chứng kiến sự ngỡ ngàng, sửng sốt của các đồng nghiệp mới. Đặc biệt, càng những đồng nghiệp thông minh, xinh đẹp và được việc lại càng phải gánh chịu nhiều “tai bay vạ gió” từ phía “quái nhân”.
Văn phòng của Hà khá đông, người chuyển đến, người ra đi cũng nhiều và ai cũng có chung nhận xét rằng quái nhân chỗ Hà là số một, chưa từng thấy. Bởi, “quái nhân” thông minh, xinh đẹp, nhanh nhẹn và được việc thì không ai bằng, nếu chỉ tập trung vào chuyên môn mà không “xía” vào chuyện của người khác. Và dĩ nhiên, “có bao nhiêu tật xấu trên đời cũng rơi hết vào nhân vật số một này cả”.
Với kinh nghiệm của vài ba lần “nhảy việc”, Hà cho biết, trong văn phòng, giữa các đồng nghiệp cùng bộ phận, cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích sẽ luôn luôn diễn ra sự ganh đua ngầm. Cô sẵn sàng chấp nhận cuộc đua này, nhưng dĩ nhiên phải là cạnh tranh lành mạnh, dựa trên yếu tố cơ bản là năng lực thực sự của từng người. Còn làm việc mà cứ nơm nớp, căng thẳng lo đối phó với các mánh khóe của đồng nghiệp thì sẽ gây ức chế, ảnh hưởng đến công việc. “Không ngại công việc khó mà chỉ sợ môi trường khiến ta cảm thấy công việc ấy quá nặng nề”, Hà đúc kết. Rồi vui miệng kể về những quái nhân văn phòng khác mà bạn bè cô gặp phải.
Mai, bạn của Hà, làm thư ký cho một văn phòng đại diện, để giữ chỗ, trong thời gian nghỉ sinh đã nhờ cậy bạn bè tìm hộ một nữ thư ký cũng đang thất nghiệp đến làm thay… Hai bên đã thỏa thuận tương đối chặt chẽ và văn phòng của Mai cũng đang có nhu cầu mở rộng, tuyển thêm người. Thế nhưng sau bốn tháng quay lại, cô ngã ngửa trước thái độ “phớt lờ” của thư ký mới. Thì ra, trong thời gian bốn tháng, cô thư ký trẻ trung đã kịp kết thân với một chàng chuyên viên cứng tuổi trong văn phòng và “âm mưu” đẩy bật Mai khỏi chỗ làm.
Thế là, trước mặt sếp, cô luôn tỏ ra bận rộn, tìm mọi cơ hội báo cáo trực tiếp công việc với sếp (kể cả những chuyện vô thưởng vô phạt có thể tự xử lý). Chưa hết, tận dụng sắc vóc “người mẫu”, cô cố tình cười to, nói nhiều và đi đứng, ăn mặc… kiểu người mẫu, mắt đong đưa. Đặc biệt, khi xử lý công việc lại luôn luôn tìm cớ để chứng minh “chị thư ký cũ vừa đẻ xong, hay quên, làm sai việc, bận con mọn”…. Trong khi đó, sếp “Tây” đã từng nhiều lần tuyên bố không ai có thể thay được Mai ở văn phòng và từng đưa ra rất nhiều ưu đãi nhằm giữ chân cô. Bởi thế, chẳng khó khăn gì để Mai đẩy bật “cô gái lắm chiêu” kia ra khỏi văn phòng, tất nhiên điều này cũng lấy đi của cô khá nhiều tâm sức và những ức chế không cần thiết.
“Nếu em ấy cư xử biết điều và không giở trò cướp cơm của người khác thì mình sẵn sàng tạo điều kiện cùng làm… Chứ định cạnh tranh không lành mạnh là cho out ngay”, Mai tâm sự. Cô cũng tỏ ra vui mừng vì có dịp thử thách để nhận diện “bộ mặt thật” của anh chàng chuyên viên háo sắc vốn cũng là đồng sự gây dựng cái văn phòng đại diện này từ ngày đầu.
Làm việc kiểu sớm nắng chiều mưa
Không phải lên dây cót lo đối phó với các cộng sự “lắm chiêu” chỉ chăm chăm “thọc gậy bánh xe” nhưng bao nỗi khó chịu, bực dọc mà Hương “chuốc” lấy khi đến văn phòng lại xuất phát từ thói hạch sách, gây khó dễ của một quái nhân kế toán vốn là người nhà của sếp.
Làm kế toán thì phải chi tiết, cẩn thận, tỉ mỉ nhưng quái nhân trong cơ quan Hương lại đểnh đoảng, hay quên và chẳng bao giờ chịu nhận lỗi vì bất cứ sai lầm nào của mình. Giấy tờ sổ sách các phòng ban đưa lên, nếu sếp không giục thì quái nhân cứ thư thả để đấy, rồi thất lạc lúc nào không biết. Khi sếp “sờ” đến, quái nhân bắt đầu mồm miệng lu loa chạy xuống các phòng ban khác đổ tiệt là “chưa thấy ai đưa hợp đồng lên để xuất tiền”… Nếu trót bị sếp mắng, bao giờ “quái nhân” cũng đưa ra được lý do x, y, z rằng là hợp đồng phải bổ sung khoản này, khoản nọ… và rằng kế toán đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không thấy ai bổ sung gì”.
“Thà rằng chị ấy chỉ cần nói một câu là trót đánh mất bản hợp đồng, cho chị xin thêm bản khác thì mọi người hồ hởi ngay. Đằng này…”. Hương cũng nói thêm, mọi người tuy uất ức nhưng lúc nào cũng lo nơm nớp và phải sẵn sàng có mặt để thanh minh với sếp vì không biết khi vắng mặt sẽ bị kế toán đổ cho những tội gỉ tội gì.
“Nhưng lại có những kiểu đồng nghiệp sớm nắng chiều mưa, không biết phải đối phó thế nào”, Lan, kiểm toán viên ở một ngân hàng than thở về nỗi bức xúc của mình.
Công ty cô áp dụng chấm công bằng thẻ từ. Có lần, cuối tháng nhận lương vào tài khoản, Lan thấy mình bị trừ nghiến đi mấy ngày lương. Hỏi hành chính thì “nhân sự” chuyên phụ trách phòng Lan giải thích “do Lan nghỉ mấy ngày nên máy không hiện lên dập thẻ”. Trong khi tháng đó, Lan đi làm không sót một ngày nào và cẩn thận dập đi dập lại thẻ cũng không sót ngày nào. Các đồng nghiệp trong phòng Lan, hầu như ai cũng bị một vài tháng mất tiền oan như vậy. Khiếu nại lên xuống vẫn nhận được câu trả lời tỉnh queo “máy không hiện dập thẻ”. Nguyên nhân sâu xa, thì theo lời đồn thổi trong phòng, là do tư thù của quái nhân trên phòng hành chính với anh trưởng phòng của Lan… Và tư thù vẫn chưa được hóa giải nên nhân viên trong phòng còn ngậm đắng nuốt cay dài.
Bên cạnh vô vàn những áp lực công việc như tiền lương thấp, gặp phải đối tác khó chịu, thì việc mặt đối mặt hàng ngày với các quái nhân trong cùng cơ quan cũng phần nào là nguyên nhân làm giảm hiệu suất công việc, làm tổn hao lòng nhiệt tình cống hiến. Tuy nhiên, không ít người chia sẻ, trong phòng mà có quái nhân nhưng gặp được sếp “tỉnh táo, công bằng” thì không sao, nhưng khi sếp lại chính là quái nhân thì “chạy đâu cho thoát”?
Ra đi hay sống chung với lũ?
Chính vì thế, để đối phó với các đồng nghiệp lắm chiêu lẫn các sếp ưa hạch sách, hầu hết đều chọn giải pháp “sống chung với lũ” biến tất cả thành chuyện hài hước để giảm stress. Hà tâm sự, từ khi vào làm việc với quái nhân thông minh, xinh đẹp trong cơ quan, cô thấy mình được tôi luyện và trưởng thành. Bởi với Hà “làm việc được với nhân vật số một cũng có nghĩa là đã được rèn giũa để sẽ làm việc được với các kiểu đồng nghiệp khác”. Thừa hiểu có chuyển chỗ này, chỗ khác cũng luôn có cái được cái mất nên Hà kiên quyết tỏ rõ thái độ, minh bạch trong phân chia trách nhiệm lẫn quyền lợi. Khi làm việc phải độc lập tác chiến, mỗi người tự chịu trách nhiệm trước công ty về phần việc của mình. Thế là hết “ra đụng vào chạm”.
Còn với Vân, gạt đi chuyện phải làm quen với thói ngồi lê đôi mách của đồng nghiệp thì cô chẳng có gì phải phiền muộn với công việc hiện tại bởi xác định “phải nghĩ về mái nhà chung của cơ quan”. Ở đây, Vân có được mức lương phù hợp và được làm đúng chuyên môn, sở trường.
Tất nhiên, để giải tỏa ngay những bi quan, ức chế với chuyện cơ quan, đồng nghiệp cũng chẳng dễ. Giải pháp hữu hiệu nhất là xả stress về cho gia đình, bạn bè… để lấy lại “dũng khí” đối phó với các “chiêu” mới. Còn ai đó cảm thấy những niềm vui mà công việc mang lại không tương xứng với những ức chế và căng thẳng mà môi trường tập thể gây ra thì chọn ngay giải pháp “nhảy việc”. Hương cho biết, ở cơ quan cô, nhiều người xuất sắc đã đi sau khi không thể làm gì được. Một số người trở nên bất cần “không thèm làm gì nữa” và làm việc một cách đối phó, hễ bị giục, bị nhắc nhở mới làm. Còn nếu không, đẩy ngay việc sang cho những người đang còn “nhiệt tình cống hiến”.
Hương cho biết, đã có người đánh tiếng mời cô về làm. Nếu gật đầu, thì đây là lần nhảy việc thứ ba trong hai năm gần đây.
Theo Vietnamnet