Doanh nghiệp chấp nhận sự ra đi

Lời toà soạn: Đang có nhiều khuyến nghị mở rộng đối tượng doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ để giảm bớt số DN phá sản, ngừng hoạt động.

Song, đi cùng với đó, không chỉ là lo ngại cứu nhầm DN, mà còn là nỗi lo mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế không tìm được hướng ra, khi chính sách chỉ tập trung khai thác nguồn cung dư thừa, nâng đỡ DN với cơ cấu và năng lực hiện tại vẫn chiếm ưu thế.

Tiếp tục mất – còn
Không còn là các thông số khô cứng, kiểu như tháng 8/2012 có 5.141 DN giải thể và dừng hoạt động, danh tính các DN ngắc ngoải đang hiện dần trên các phương tiện truyền thông khi các báo cáo soát xét tài chính bán niên vừa được công bố.
Thay vì những tên tuổi nhỏ lẻ thường thấy trong các danh sách báo lỗ, nhiều đại gia đang thế chân, thậm chí đứng đầu với những khoản lỗ, khoản nợ vay kỷ lục. Đó là, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam với mức lỗ 6 tháng lên tới 757 tỷ đồng, nợ vay ngất ngưởng mức 5.048 tỷ đồng, xấp xỉ với vốn chủ sở hữu 5.243 tỷ đồng. Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí cũng được nhắc tới khi Công ty mẹ bất ngờ báo lỗ 293 tỷ đồng. Trong ngành chế biến hàng xuất khẩu, tên tuổi không nhỏ Công ty cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) cũng điêu đứng khi 6 tháng đầu năm 2012 ghi nhận khoản lỗ 124,6 tỷ đồng…
Cộng với đó, hàng loạt tên tuổi đình đám như Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội, Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vinaconex rơi vào diện cảnh báo khi tổng số nợ vượt quá tổng tài sản của DN…
Tất nhiên, không ít DN đang tìm cách lách qua khó khăn, tìm cửa hẹp để tồn tại. 2.000 DN được Tổng cục Thuế thông báo đã quay trở lại sau thời gian tạm ngưng. Chưa bao giờ, thông tin về việc thay thế giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh lại rầm rộ như vài tháng qua. Gần đây nhất, thị trường bất động sản “sóng sánh” khi thông tin giảm giá lớn chính thức được một số chủ đầu tư công bố.
Song, nhìn tổng thể, bức tranh DN Việt Nam 3 quý năm 2012 tiếp tục chứa đựng nhiều màu xám. Ba nguyên nhân chính được các DN nhắc tới, đó là cầu trong nước giảm, khó tiếp cận vốn và khó mua nguyên liệu đầu vào với tỷ lệ DN lựa chọn đều trên 50%.
Vòng xoáy giải pháp
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, các nguyên nhân trên được các chuyên gia kinh tế phân tích đều có hệ lụy, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, từ các giải pháp điều hành.
Tạm không bàn tới những tác động bất lợi của thị trường thế giới, theo ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, khó khăn của DN hiện nay một phần là do chính sách vĩ mô những năm qua biến động khó lường. Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2011/NQ-CP (tháng 2/2011) về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, những khó khăn của DN cũng đã được dự liệu.
Được đánh giá là thành công khi chặn đứng đà lạm phát đã lên tới 23% vào tháng 8/2011, song tác động phụ từ chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ, tín dụng, tăng lãi suất, khống chế vốn tín dụng cho các ngành nhạy cảm, phi sản xuất… đã vô hình trung đưa một lớp DN vào vòng xoáy khó khăn mà họ đang bị quấn vào khi lạm phát tăng cao.
Tình hình dường như đang lặp lại khi những dấu hiệu cho thấy nới lỏng tiền tệ, đầu tư khi tốc độ lạm phát giảm quá mức kỳ vọng. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu lo ngại về khả năng tái lập các điều kiện để lạm phát quay trở lại.
Đây chính là mấu chốt khi mà hầu hết các giải pháp hỗ trợ DN đang được thực hiện đều nhằm vào giải quyết những nguyên nhân được cho là mang tính bề mặt này. Có thể thấy rất rõ nếu nhìn lại hàng loạt giải pháp được đưa ra trong vài năm qua.
Tháng 12/2008, sau cú phanh đột ngột vào hồi đầu năm để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, Nghị quyết 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội được đưa ra với quan điểm rất rõ là kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Ngay lập tức, DN được giảm, giãn thời gian nộp thuế, tăng cơ hội tiếp cận vốn. Hàng loạt trong số gần 3.000 các dự án đầu tư công bị đình hoãn trước đó do không cần thiết, không hiệu quả… theo yêu cầu được nối lại… Tổng giá trị các khoản hỗ trợ này của Chính phủ được công bố lên tới khoảng 9 tỷ USD, bao gồm cả hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, chi kích cầu, vốn đầu tư công ứng trước…
“Phải nói thẳng, đây chính là một phần nguyên nhân của việc phải ra đời Nghị quyết 11/2011/NQ-CP. Tư duy thả lỏng trong đầu tư, trong tăng trưởng tín dụng đã tạo nên bong bóng thị trường do cầu ảo quá mức thu nhập và trình độ của nền kinh tế. Thực tế này cũng tạo ra sự xuất hiện của nguồn cung ảo”, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích khi nhắc tới sự sai lệnh về quy mô, chủng loại, giá cả giữa cung và cầu, thể hiện rõ nhất trong thị trường bất động sản.
Vào lúc này, nền kinh tế đang đứng trước những lựa chọn vô cùng khó khăn khi tỷ lệ DN phá sản, đình đốn sẽ tiếp tục tăng do cầu thị trường đổi chiều. Một lần nữa, các giải pháp miễn, giảm thuế cho DN, tăng chi tiêu công, nhất là đầu tư công, mở rộng tín dụng, thậm chí hạ tiêu chuẩn cho vay với cả sản xuất và tiêu dùng, giãn nợ, khoanh nợ… lại được áp dụng.
Khác với những lần trước, sự cẩn trọng và cơ chế kiểm soát được đặt ra nghiêm khắc, với những giới hạn và quan điểm rất rõ là hỗ trợ chứ không cứu DN. Song, báo cáo vừa được công bố của Trung tâm thông tin Kinh tế Bizlink (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lại cho rằng, chính sách thuế đang được triển khai hiện nay chưa giải quyết căn bản tình trạng khó khăn của DN. Việc giảm thuế thu nhập DN chưa đạt được hiệu quả do chỉ hướng tới các DN có doanh thu, trong khi một lượng lớn DN đang thua lỗ, có nguy cơ phá sản lại không được hỗ trợ. Có nghĩa là, hy vọng được cứu trợ của các DN khó khăn vẫn chủ yếu trông vào các giải pháp miễn, giảm thuế…

Tới hạn giải pháp truyền thống
Đang có khuyến nghị tăng thêm giải pháp để giảm bớt sự ra đi của các DN, nhất là giải quyết được các khó khăn về tiếp cận vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ… Ông Cung cũng thừa nhận, các giải pháp mang tính truyền thống này nếu được thực hiện ở mức thấp như hiện tại, thì tác dụng rất nhỏ, thậm chí không có nhiều tác dụng. “Nhưng nếu đẩy mạnh hơn nữa, có thể DN sẽ dễ thở hơn trong thời gian ngắn, song nguy cơ lạm phát quay trở lại gần như hiển hiện, khi mà phần lớn các giải pháp nhằm hỗ trợ duy trì hiện trạng”, ông Cung nói và cho rằng, khi đó, một vài DN sống lại cũng không thể cứu cả nền kinh tế đang rơi vào bất ổn.
Mục tiêu duy trì hiện trạng đang khiến giới chuyên gia kinh tế lo lắng, bởi nhiều DN, dự án đầu tư đang được gây dựng trên cơ sở phân bổ nguồn lực chưa phù hợp, kém hiệu quả mà nền kinh tế đòi hỏi phải thay đổi. Ngay trong buổi làm việc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ DN vào tuần trước tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, vẫn tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ đối với DN thép đình trệ sản xuất. Tuy nhiên, phải đặt đề xuất này vào tình trạng công xuất sản xuất thép đã vượt 2 lần so với nhu cầu trong nước (số liệu của Công ty Chứng khoán Vietcombank) để thấy rõ tư duy duy trì hiện trạng đang lấn át như thế nào.
Ông Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế (Tổng cục Thống kê) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, thực sự lo ngại về cách thức thiếu tập trung, không rõ ràng trong định vị cơ cấu ngành nghề khi phân bổ nguồn lực. “Khó khăn của nền kinh tế bắt nguồn từ cơ cấu sản xuất, thì giải pháp tháo gỡ phải bắt đầu từ cơ cấu sản xuất, từ đó mới tính đến phân bổ nguồn lực. Mục tiêu là, lựa chọn các ngành lan toả kinh tế cao, nhập khẩu thấp, lan toả năng lượng thấp… Theo quan điểm của tôi, kinh tế thủy hải sản và kinh tế phát triển xuất khẩu cần được hỗ trợ để phát triển”, ông Trinh nói.
Có thể, việc lựa chọn ngành nghề để nhận dòng vốn đang được phân bổ lại cần phải nghiên cứu thêm, song chỉ với cách này, mong muốn hỗ trợ đúng đối tượng đúng mục tiêu, đặc biệt là tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế mới có thể đạt được.

Theo Bảo Duy