Kiến thức quản trị Đô thị hóa : Màu hồng, màu đen

Đô thị hóa : Màu hồng, màu đen

24
Cùng với sự bùng nổ dân số thì trên thế giới hiện nay đang diễn ra tiến trình đô thị hóa (urbanization) mạnh mẽ. Điều này mang lại nhiều lợi thế nhưng cũng gây ra lắm hiểm họa.
Đô thị hóa là tiến trình kinh tế-xã hội thể hiện bằng việc tăng dân thành thị, tập trung một số lượng lớn con người tại các thành phố, đặc biệt là tại những siêu đô thị, bằng việc phổ biến lối sống thành thị tới toàn bộ hệ thống dân cư của cà một vùng rộng lớn.

Siêu đô thị hóa (super-urbanization) là việc tăng dân thành thị một cách không thể kiểm soát và dẫn đến quá tải cho môi trường thiên nhiên, phá vỡ sự cân bằng sinh thái.
Đô thị hóa giả tạo (false urbanization) là tình trạng điển hình tại các nước đang phát triển. Trong bối cảnh này sự đô thị hóa vừa không gắn với việc phát triển các chức năng thành phố, vừa liên quan tới việc “lôi” người dân ra khỏi vùng nông thôn, dẫn đến việc phân bố lại một cách tương đối cư dân nông nghiệp.
Siêu đô thị hóa đặc trưng cho các nước phát triển còn sự đô thị hóa giả tạo đặc trưng cho các nước đang phát triển. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng đô thị hóa giả tạo và đô thị hóa theo chiều rộng chứ không theo chiều sâu.
Ưu thế của đô thị hóa
Tiến trình đô thị hóa thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Trong thập niên 50 của thế kỷ 20 cư dân thành thị của Trái đất chiếm 29%, thập niên 70 – 37% và thập niên 90 – 42%. Hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên của tiến trình đô thị hóa và chuyển dần sang giai đoạn giữa và nước ta có 34% dân số đang sống tại các thành phố. Khoảng 20-30 năm nữa, tỷ lệ dân cư sống ở thành thị sẽ tăng lên 50%.
Xu hướng đô thị hóa hay đô thị hóa vùng ngoại ô (suburbanization) trên thế giới thể hiện mong muốn của người dân được sống trong thành phố hay các vùng phụ cận. Sống ở đô thị có mặt mạnh là sự tiện lợi của các dịch vụ xã hội, giải trí, thu nhập cao, nhiều việc làm, đường xá tốt…
Mặt trái
Trong những năm gần đây số dân thành thị tăng rất mạnh. Việc đô thị hóa đi kèm với sự hình thành các siêu thành phố lên đến nhiều triệu dân, gây ô nhiễm môi trường xung quanh tại các trung tâm công nghiệp, làm suy giảm điều kiện sống trong khu vực.
Cuộc sống ở thành thị bị tách khỏi thiên nhiên, con người phải đi làm xa nơi ở, giá cả đắt đỏ, chi phí thuê nhà cao, tắc nghẽn giao thông… Trái lại ở nông thôn có vẻ đẹp của thiên nhiên, không khí trong lành, con người không phải đi xa để làm việc. Tuy nhiên cuộc sống ở đó phần nào biệt lập, có nhiều công việc nặng nhọc, ít trò giải trí. Trong thời gian gần đây ở các nước phát triển đã hình thành xu hướng “trở về nông thôn” (counter urbanization) – nhiều người muốn được hưởng không khí trong lành và hòa mình vào thiên nhiên.
Tại Việt Nam
Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện, cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm của dân số đô thị là 3,4% – nhanh nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai thành phố này cũng tập trung các ngành công nghiệp chính và quyết định nhịp độ phát triển kinh tế của cả nước.
Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích và không nước nào có thể đạt mức thu nhập cao mà trước đó không phải đô thị hóa. Trên thực tế hầu hết cá quôc gia đều phải đô thị hóa ít nhất 50% trước khi đạt mức thu nhập trung bình. Tại Việt Nam quá trình đổi mới tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, tiến trình đô thị hóa cũng củng cố tăng trưởng kinh tế nhưng lại đặt ra nhiều thách thức về môi trường, dịch vụ xã hội và giao thông. Nhiệm vụ đặt ra trước các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các chuyên gia là làm thế nào hạn chế những mặt hạn chế và tăng cường các ưu thế của việc đô thị hóa.

Theo Trần Quang Vinh