Sự ổn định của tỷ giá có thể giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và chủ động trong vay tín dụng ngoại tệ, nhưng điều này cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt.
Tính đến thời điểm hiện nay, những dự báo của các chuyên gia kể từ đầu năm 2012, về sự ổn định của tỷ giá ngoại tệ (chủ yếu là cặp ngoại tệ VND/USD) và việc nắm giữ tiền đồng sẽ có lợi hơn so với ngoại tệ, xem ra đã có kết quả đúng. Tuy nhiên, 3 tháng còn lại của năm 2012, doanh nghiệp có trông đợi tỉ giá đứng yên?
Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước, trong khoảng 3 tuần kể từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường ngoại hối đã có diễn biến khá ổn định.
Thanh khoản toàn hệ thống được cải thiện, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống ở mức dương nhẹ. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tiếp tục trong xu hướng giảm và tỉ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh khoảng 20.830/ 20.860 đồng/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, xu hướng giao dịch xoay quanh các kỳ hạn ngắn và gần như không phát sinh các kỳ hạn từ 9 tháng trở lên. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong nhiều tuần ổn định ở mốc 20.828 VND/ USD, cao hơn so với mốc đã thiết lập và xoay ở gần nửa năm trước khoảng 8 đồng. Tỷ giá tham khảo ở Sở Giao dịch Ngân hàng nhà nước cũng chỉ cách biệt khoảng 25 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra.
Sự tăng vọt bất ngờ của ngoại tệ tự do trong mấy ngày cuối tháng 8 đã không có tác động nhiều tới tâm lý của các doanh nghiệp. Nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết họ đã có sự chuẩn bị trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm, trong đó có phương án cho sự điều chỉnh tỷ giá khoảng 3% – biên độ điều chỉnh nếu có xảy ra cho cả năm mà Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã cam kết ngay từ đầu năm. “Sở dĩ chúng tôi tin vào mức 3%, biên độ mà Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã đưa ra và không lo ngại việc điều chỉnh tỷ giá nếu có, sẽ vượt quá biên độ đó. Bởi vì năm 2011, khi kinh tế vẫn còn rất biến động và thách thức lạm phát là vô cùng nặng nề, Ngân hàng nhà nước đã giữ vững được cam kết đến phút chót.
Hơn nữa, phải nói rằng năm nay nhu cầu sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp để trả hàng nhập nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh theo chúng tôi là không cao như các năm trước, nên chắc chắn tỷ giá sẽ dễ thở hơn”, doanh nhân Nguyễn Hùng Anh – đại diện một đơn vị chuyên nhập khẩu trang thiết bị vật liệu y tế, dược phẩm tại TP HCM cho biết.
Có thể nói, phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã và đang khá chủ động với đồng tiền ngoại tệ đi vay, đặc biệt trong bối cảnh các Ngân hàng thương mại vẫn tỏ ra rộng cửa cho doanh nghiệp vay tín dụng ngoại tệ. Do tăng trưởng tín dụng tiền đồng trong những tháng đầu năm thấp thậm chí âm, vì lãi suất còn ở mức cao trên 15%, nhiều doanh nghiệp đã chọn vay tín dụng ngoại tệ để hưởng lãi chênh lệch lãi suất.
Nhưng điều này không có nghĩa là căng thẳng ngoại tệ có thể sẽ xảy ra trong thời gian, và sẽ nóng bỏng như những năm trước đây, vào thời điểm các doanh nghiệp phải lo đáo hạn các khoản vay ngoại tệ.
Trên thực tế thì mặc dù doanh nghiệp đã tăng vay tín dụng ngoại tệ thay cho tín dụng VND, nhưng cầu ngoại tệ ảo không thể tăng do đối tượng được vay ngoại tệ đã Ngân hàng nhà nước siết chặt. Mặt khác, tính đến tháng 8, căn cứ trên số liệu xuất khẩu và nhập khẩu tạm ước, có thể thấy sau hai tháng xuất siêu, cán cân thương mại dù đã nghiêng về nhập siêu với giá trị nhập kim ngạch ước đạt khoảng 9,95 tỷ USD, tăng tương ứng 3,5% và giảm 1,2% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất trong nước. Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu giảm gần 7%; khí hóa lỏng 21,4%; phân bón 2,6%; xơ sợi dệt 13,6%; thép 4,4%… (nguồn Tổng cục Thống kê). Rõ ràng các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự sẵn sàng để chuẩn bị nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh khi bước vào niên vụ cuối năm. Theo đó, nhu cầu sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa thực sự tăng mạnh.
Nói cách khác, tâm lý đình trệ và chững lại các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là yếu tố đóng góp không nhỏ cho sự… ổn định của tỷ giá thời gian qua. Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam từng nói, việc dự đoán tỷ giá ở Việt Nam khó hơn ở các nước khác vì phụ thuộc rất lớn vào chính sách. Ông Hải cho rằng ở các nước khác, chỉ cần nhìn vào mô hình kinh tế vĩ mô là có thể dự đoán được xu hướng lãi suất và tỷ giá.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng phải thừa nhận Ngân hàng nhà nước đã ghi dấu ấn thành công trong các chính sách điều hành tỷ giá hơn nửa năm qua, và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh của cả năm cũng như ổn định cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, không tính đến các câu chuyện tiền tệ mở rộng như tín dụng, lãi suất còn nhiều vướng mắc, xét ở thời điểm hiện tại, việc “neo” tỉ giá cố định trong thời gian quá dài trong khi thị trường quốc tế và kinh tế trong nước đều không ngừng chuyển động, vô hình chung cũng đang khiến một bộ phận doanh nghiệp chịu thiệt, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố vào tháng 6 cho biết, tỷ giá cần được điều hành linh hoạt và không nên “neo” vào một biên độ quá hẹp (ví dụ như tăng không quá 3%) vì điều này sẽ thu hẹp dư địa của chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến xuất khẩu và có thể kích hoạt luồng tiền nóng từ bên ngoài vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất và tận dụng bảo hiểm tỷ giá “miễn phí”. Trên thực tế, khối doanh nghiệp xuất khẩu đã hiện đang chịu “thiệt thòi” một phần cho chủ trương neo tỉ giá của Ngân hàng nhà nước, trong khi lãi vay ngoại tệ đang trở nên đắt đỏ hơn so với tín dụng cho vay VND (5-8%/năm cho lãi vay USD so với 10-12% lãi vay VND dành cho khối doanh nghiệp xuất khẩu).
Doanh nghiệp không còn được hưởng chênh lệch tỷ giá như trước đây, trong khi nếu cộng trừ biên độ điều chỉnh – biên độ rủi ro khi vay ngoại tệ, có thể doanh nghiệp lại chịu thiệt một lần nữa, điều đó khiến sức cạnh tranh trong giá vốn hàng bán và giá cả hàng hóa của doanh nghiệp nói chung ngày càng yếu đi.
Xem ra, một sự ổn định ngoại tệ là điều mà trước nay nền kinh tế luôn mong đợi, ở mặt nào đó lại vẫn có thể là “con dao hai lưỡi”. Về tích cực, sự ổn định đã đã ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong vay tín dụng ngoại tệ, nhưng lại cũng có thể trở thành sự tiêu cực đối với doanh nghiệp. Vào lúc này, một sự linh động trong điều hành tỷ giá của cơ quan quản lý sao cho có lợi cho doanh nghiệp, và có lợi cho sức cạnh tranh của hàng hóa và hoạt động xuất khẩu Việt Nam, là điều thiết nghĩ cũng nên được cơ quan quản lý xem xét và đặt lên hàng đầu.
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Đỗ Hà Nam – Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Intimex, cho biết lãi suất và tỷ giá là 2 vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang mong chờ sự điều chỉnh của Ngân hàng nhà nước theo hướng đi lên để doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo có lợi nhuận. Nếu Ngân hàng nhà nước neo tỉ giá như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu bị nước ngoài ép giá và sẽ phải quay lại ép giá nông dân. Nếu tỷ giá vẫn tiếp tục neo ở biên độ “cứng”, hàng Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục mất cạnh tranh so với các nước khác.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh TP HCM cho biết về việc các doanh nghiệp tập trung vay ngoại tệ và các ngân hàng mạnh dạn chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để cho vay, điều đó dĩ nhiên có thể có áp lực ngược trở lại khi doanh nghiệp phải mua ngoại tệ để trả các khoản vay với các ngân hàng tập trung vào thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, các ngân hàng bây giờ cũng cùng với doanh nghiệp tháo gỡ để không gây tình trạng căng thẳng ngoại tệ. Nói chung là trạng thái ngoại tệ hiện tại của các ngân hàng rất tốt và mọi sự vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng nhà nước.
Theo Kinhtetapdoan