Một khi các công ty thắt chặt nhân sự, đương nhiên, lượng công việc đổ lên đầu mỗi người sẽ tăng lên. Thế nhưng, mọi cái đều phải có giới hạn, đừng tự biến mình thành một kẻ làm việc không công chỉ vì sợ thất nghiệp.
Nền kinh tế khó khăn, nhiều công ty sa thải nhân sự, và bạn cảm thấy áp lực nhiều hơn. Bạn cảm thấy mình phải làm tốt hơn mọi việc, phải vượt trội hơn so với các nhân viên khác để không đánh mất vị trí của mình vào tay kẻ khác, không bị trở thành một kẻ thất nghiệp lang thang tìm việc.
Thế nhưng, dù làm gì đi nữa thì bạn cũng nên thiết lập giới hạn cho mình, nếu không, nhiều khi thiện chí lại trở thành rắc rối, khiến các ông chủ có cơ hội tận dụng sức lao động của bạn mà thôi.
Một khi các công ty thắt chặt nhân sự, đương nhiên, lượng công việc đổ lên đầu mỗi người sẽ tăng lên. Thế nhưng, mọi cái đều phải có giới hạn, đừng tự biến mình thành một kẻ làm việc không công chỉ vì sợ thất nghiệp. Đôi khi, bạn cũng phải biết cách nói lời từ chối với khối lượng công việc đồ sộ sắp chĩa vào bạn.
Để giúp bạn giữ được cân bằng trong công việc mà không khiến cấp trên “phật ý”, đây là 5 cách giúp bạn biết nói lời từ chối cần thiết thật khéo léo:
– Bạn không muốn tôi bỏ bê nhiệm vụ chính của mình đấy chứ
Nếu lý do để từ chối nhận thêm việc là vì bạn đã quá nhiều việc phải làm thì đừng ngần ngại. Hãy nói rõ để sếp biết rằng, nếu thêm những việc này thì bạn sẽ quá tải, và đương nhiên sẽ lơ là những công việc chính bạn vẫn phụ trách từ trước đến nay. Tất nhiên, bạn phải thể hiện thái độ hợp tác nhưng rất tiếc là công việc không cho phép, chứ không phải cứ lắc đầu nguầy nguậy mà không có lý do chính đáng. Sếp sẽ hiểu được vì sao bạn lại từ chối và vui vẻ giao những công việc đó cho người khác.
– Tôi không phải là người thích hợp nhất với công việc này
Đừng sợ rằng, nếu nhận mình không thích hợp với việc đó là thừa nhận những hạn chế, yếu kém của bản thân và tổn hại đến uy tín, danh dự của bạn ở công ty. Trái lại, việc nhận ra những gì là tốt nhất cho việc này, ai phù hợp hơn với công việc kia nhiều khi lại giúp cho công ty có được hiệu quả tối ưu. Vì thế, khi bạn cảm thấy không phù hợp, bạn hãy nói thẳng với sếp và nếu có thể, hãy giới thiệu một đồng nghiệp thích hợp với những việc sếp đang cần. Nếu có ý tưởng gì, bạn nên tham gia tư vấn cho họ, tất nhiên chỉ là trên danh nghĩa góp ý thôi.
Tất nhiên, bạn không thể lúc nào cũng lạm dụng lý do này để từ chối không việc bởi như thế, đương nhiên sếp sẽ biết rằng bạn rất ngại việc và lười biếng. Vì thế, muốn sếp hiểu rõ và nhìn nhận đúng năng lực, tinh thần trách nhiệm của bạn, tốt nhất là nên chia sẻ một cách thoải mái.
– Tôi chỉ có thể làm việc này vào ngày mai, ngày kia thôi
Nếu chỉ là vấn đề thời gian, bạn cứ nói rõ cho sếp biết là hiện tại bạn đang bận, nhưng khi đã hoàn thành xong việc này, ngày mai hoặc ngày kia thôi, bạn có thể đảm nhận những việc sếp giao. Đừng lo lắng sếp sẽ nghĩ rằng bạn lấy thời gian làm cái cớ để thoái thác công việc, cũng đừng cố tìm cách nói dối sếp làm gì bởi nếu bị phát hiện, bạn sẽ mất uy tín. Cứ nói rõ mọi việc bạn đang làm để sếp hiểu rằng, lý do của bạn là chính đáng và vui vẻ giao việc đó cho người khác vì không muốn phải đợi đến ngày hôm sau.
– Tôi không thoải mái với công việc này
Nếu sếp định giao một dự án, một công việc mới mà bạn cảm thấy công việc đó là vô ích, có làm cũng không đi đến đâu thì đừng cố mà làm. Bạn có thể chia sẻ với sếp những suy nghĩ của bạn về dự án đó, rằng bạn không nhìn thấy tương lai tốt đẹp của nó nên nếu bạn có nhận cũng chỉ là miễn cưỡng chứ không hề thoải mái.
Chắc chắn, sếp sẽ xem xét lại hoặc sẽ tìm một người khác để triển khai dự án đó chứ không phải là bạn. Nên nhớ, cách tốt nhất để không bị quá tải với công việc là tạo cho mình tâm thế vững vàng, chủ động về công việc và thời gian.
– Tôi có thể làm việc khác được không?
Đây là trường hợp bạn có thời gian và đủ năng lực để nhận thêm công việc nhưng bạn cảm thấy không hề hứng thú với công việc mới đó, nếu có làm cũng chỉ làm cố mà thôi. Vậy thì, hãy nói rõ với sếp là bạn muốn làm thêm những công việc gì, mong muốn đóng góp cho công ty ở lĩnh vực nào. Sự chủ động và có trách nhiệm với công ty cũng là một cách gây ấn tượng tốt với sếp.
Dù có thể phải gánh vác thêm công việc, chịu trách nhiệm cao hơn với mức lương như cũ, bạn cũng nên bình tĩnh chia sẻ với công ty trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc gì bạn cũng nhận dù biết rằng không thể thực hiện được. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ mình, quản lý được công việc mình phụ trách để chắc chắn không lơ là việc cũ khi có thêm việc mới và chủ động chia sẻ với sếp những suy nghĩ, vướng mắc của mình trong công việc.
Theo Zing