Bạn đã làm tốt công việc của mình một thời gian và một ngày đẹp trời, sếp bất ngờ thông báo với cả phòng rằng bạn đã được thăng chức. Bạn cảm thấy hạnh phúc nhưng cũng rất lo lắng vì chưa có chuẩn bị gì. Phải làm gì tiếp theo đây?
Bất ngờ trở thành người quản lí ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Và bạn sẽ dễ thất bại trong vai trò mới nếu không biết mình đang làm gì. Ann Latham, chủ tịch của công ty tư vấn Uncommon Clarity, Inc., cho biết: “ Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải nều bất ngờ trở thành sếp là thuyết phục bản thân rằng chuyện đó không là gì cả. Thông minh và thông thạo mọi việc chưa chắc khiến bạn trở thành một người sếp tốt bởi chỉ cần một sai lầm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng đối với bạn, đồng nghiệp, cấp dưới và cả công ty”.
Nhưng chỉ ra chính xác điều bạn đang làm có thể là phần khó nhất trong quá trình chuyển đổi, Carol Stewart, tiến sĩ, phó giáo sư về quản lí của trường Đại học Southern Connecticut State và Đại học Quinnipiac, nhận định. “ Tôi đã từng làm việc với những nhà quản lí xuất sắc và cả những người không được như vậy. Điều khác biệt cơ bản giữa họ là gì? Đó là cách họ được đối đãi và tôn trọng. Nếu một người quản lí đánh giá năng lực của chúng ta, tôn trọng ý kiến của chúng ta và biết cách tốt nhất để làm việc một cách hợp tác cũng như thoải mái – cơ hội thành công sẽ cao hơn.”
Dưới đây là 12 lời khuyên của các chuyên gia nghề nghiệp dành cho những người bất ngờ trở thành sếp:
1. Tìm một hình mẫu lí tưởng
Darcy Eikenberg, chủ tịch công ty Coach Darcy, chia sẻ lời khuyên: “ Có thể trong công ty có người bạn chắc rằng là người quản lí tuyệt vời cho dù bạn chưa từng làm việc với anh/ cô ấy. Hãy xác định ai là nhân vật được mọi người tin tưởng đặt câu hỏi, ai là người được nhân viên yêu quý. Đó có thể là hình mẫu của bạn, hãy mời họ uống cà phê hay ăn trưa để chia sẻ kinh nghiệm. Chú ý tới điều họ nói, cách hành động và cả những điều họ không làm.”
2. Thư giãn
“ Đừng quá căng thẳng về vai trò mới. Hãy xem việc mạo hiểm này như một cơ hội để phát triển. Bạn có thể làm ngạc nhiên chính bản thân mình và những người xung quanh”, Victoria Ashford, một người hướng dẫn lãnh đạo, nói.
3. Tìm hiểu về vai trò quản lí
Latham gợi ý: “ Nếu bạn không có khái niệm rõ ràng về vai trò quản lí, hãy tìm hiểu nó. Nó không đơn giản chỉ là chức danh. Cũng phải chỉ kí giấy tờ và kiểm soát mọi người. Còn hơn như vậy, nếu mắc sai lầm, bạn phải thừa nhận nó trước mọi người và nhanh chóng rút ra bài học để làm việc tốt hơn.”
4. Tận dụng sức mạnh cá nhân trong nhóm
Don Current, chủ nhân của blog chia sẻ về quản lí tiền bạc, nói: “ Hãy đặt nhân viên ở vị trí mà họ có thể thành công và đổi lại, bạn cũng sẽ thành công. Công việc của người quản lí không chỉ là làm việc cho bản thân hay bắt người khác làm theo cách của mình. Công việc của bạn là truyền cảm hứng để nhóm mình đạt được nhiệm vụ đã đề ra. Bạn cũng không được hưởng công trạng một mình. Luôn luôn xây dựng thành công cho nhóm và các cá nhân. Rốt cuộc, là một người quản lí, thành công của bạn không đến từ những gì bạn đạt được mà nó dựa trên những gì nhóm của bạn đạt được.”
5. Xóa bỏ mặc cảm về bản thân
Đừng suy nghĩ một cách nông cạn rằng “ Những người lãnh đạo được sinh ra chứ không phải được xây dựng nên”. Có thể một số người sinh ra đã có khuynh hướng và phẩm chất lãnh đạo nhưng bạn cũng có thể và sẽ học được nó.
6. Nói chuyện với nhóm của mình
“ Trung thực thường là công cụ quản lí tốt nhất. Hãy chia sẻ với nhóm của mình rằng bạn muốn trở thành một người quản lí tốt và rằng bạn vẫn đang trong quá trình học hỏi. Nếu họ hiểu rằng bạn không dễ bị đánh bại hay khiến họ tổn thương, khi đó họ sẽ giúp đỡ bạn”, Eikenberg cho biết như vậy.
7. Giao tiếp một cách hiệu quả
“Bạn có thể làm được việc này bằng cách nói ít hơn và lắng nghe những người báo cáo với bạn hàng ngày. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì nghe được và những ý tưởng tuyệt vời của họ nếu sẵn sàng gác lại niềm kiều hãnh “ Mình là sếp của họ” sang một bên và lắng nghe những gì họ nói”, Patrick Madsen, tiến sĩ, giám đốc các chương trình và giáo dục, dịch vụ nghề nghiệp của trường Kinh doanh Johns Hopkins Carey, nói. “ Bằng cách lắng nghe, bạn sẽ nhận ra điều gì thúc đẩy nhân viên cũng như những điều họ cần từ một người quản lí.”
8. Chứng tỏ với nhân viên tấm lòng của bạn
Khi mọi người biết rằng, mục đích của bạn là làm những gì tốt nhất có thể dành cho nhân viên của mình, nhóm sẽ giúp đỡ bạn. Hãy đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là “ Anh/ chị nghĩ sao?” Nói cám ơn hàng ngày. Cách lãnh đạo chuyên quyền, cứng nhắc không còn thích hợp và giờ là cách lãnh đạo của riêng bạn.
9. Đề nghị cơ hội học tập
“ Hãy chứng tỏ với cấp trên rằng bạn nghiêm túc trong việc tiến tới thành công và hỏi nếu bạn có thể tham gia khóa học ngắn hạn hay đi thực tế tại công xưởng”, Ashford nói.
10. Học cách giao việc
Kathryn Ullrich, tác giả cuốn sách “ Đạt tới đỉnh cao: Những chiến lược để thành công trong sự nghiệp”, đưa ra lời khuyên: “ Bạn cần bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt và giao chúng cho nhan viên. Những người bất ngờ trở thành sếp khi đã quen lăn xả vào những việc nhỏ nhưng hãy nhớ giờ bạn là người quản lí chứ không phải người thực hiện.”
11. Dành thời gian giúp nhân viên đạt được mục tiêu nghề nghiệp của họ
“ Nhiều người quản lí có suy nghĩ rằng công việc của họ là đảm bảo nhân viên làm đúng những gì được giao cho. Nếu cũng có suy nghĩ như vậy, bạn cần loại bỏ chúng. Hãy đổi thành người quản lí khuyến khích nhân viên làm việc nhưng cũng cung cấp cho họ cơ hội để phát triển. Hãy dành thời gian để tìm hiểu điều nhân viên muốn từ công việc của mình cũng như tương lai của họ vài năm tới. Sử dụng điều đó làm lợi thể cho mình để tạo ra phương pháp mới giải quyết các vấn đề của công ty và đặt mọi người vào vai trò cho phép họ phát huy tối đa sức mạnh của mình”, Tiến sĩ Madsen đưa ra lời khuyên.
12. Tạo ảnh hưởng tích cực
“ Bạn không thể học hết mọi thứ qua một đêm nhưng bạn sẽ dần khám phá sâu hơn về quản lí và nhận ra rằng vai trò, chức vụ mới của mình thực sự là về lãnh đạo. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo ra ảnh hưởng tích cực của mình tới người khác”, Ashford nói.
Theo Dân Trí