Bí quyết để team-work luôn vui vẻ

Một nhóm làm việc không nên quá 9 người, bởi càng đông, bạn sẽ càng khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân với nhau.
Dù là trong cùng một nhóm, nhưng mỗi nhân viên luôn có sự nỗ lực với khả năng riêng của mình, sự cạnh tranh lẫn nhau nhiều khi không thể tránh khỏi. Chính những điều tưởng như bình thường ấy lại khiến các thành viên trong nhóm có thể xung đột, mâu thuẫn hoặc ít nhất cũng là không khí căng thẳng, làm việc kém hiệu quả.
Vì vậy, điều quan trọng khi làm việc trong một nhóm là phải tạo được không khí vui vẻ, tạo cơ hội cho tất cả mọi người và cùng san sẻ công việc, đưa cả nhóm phát triển đi lên.
Sau đây là một số bí quyết giúp tạo lập không khí vui vẻ, hào hứng khi làm việc theo nhóm:
– Liên hoan nhỏ
Giữa đồng nghiệp với nhau, không gì đưa các bạn lại gần nhau, hiểu nhau hơn bằng những buổi liên hoan nhỏ để mọi người có thời gian chuyện trò cùng nhau. Vẫn biết là hằng ngày bạn vẫn gặp đồng nghiệp ở công ty, vẫn trao đổi với nhau dăm câu ba điều nhưng chừng đó chưa đủ để có những mối quan hệ gắn bó, thân thiết, đó là chưa kể mọi người đều bận rộn với công việc hay những chuyến công tác xa. Vì thế, buổi liên hoan nhỏ là thời gian thích hợp để các thành viên hòa đồng, xích lại gần nhau.
– Số lượng vừa phải
Một nhóm làm việc không nên quá 9 người, bởi càng đông, bạn sẽ càng khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ thân thiết giữa cá nhân với nhau. Hơn thế, khi phân công công việc, nếu quá nhiều người, không thể ai cũng nắm những phần việc chủ chốt được, lại người nọ chịu sự quản lý, giám sát của người kia hoặc có người chỉ được giao những phần việc không quan trọng. Điều đó nhiều khi cũng dẫn đến sự ấm ức, khó chịu. Bởi vậy, đừng tạo lập những nhóm quá đông người nếu không muốn gặp rắc rối thường xuyên.
– Đoàn kết
Đã là nhóm, dù làm bất kỳ việc gì cũng nên có đầy đủ các thành viên, tuyệt đối không giấu diếm thông tin với bất kỳ thành viên nào và cũng không vì kỳ thị với một ai đó mà đẩy họ ra ngoài nhóm. Cố gắng tạo sự hòa thuận, đoàn kết giữa các thành viên, cùng chia sẻ công việc, khó khăn để không ai bị quá tải cũng chẳng người nào quá rỗi việc. Sự hòa thuận này khiến các thành viên cảm thấy an tâm, được tôn trọng hơn.
– Khuyến khích chia sẻ
Khi có bất kỳ cuộc trao đổi nào, bạn cũng nên thu hút sự tham gia, chia sẻ ý tưởng của từng thành viên trong nhóm. Nếu chỉ có mình bạn nói, hoặc vài nhân vật chủ chốt phát biểu mà không cần biết suy nghĩ, ý kiến của mọi người thì chỉ khiến các thành viên chán nản, kém phần hứng thú với công việc. Hãy để cả nhóm cùng đóng góp ý kiến, chọn ra phương án phù hợp nhất để giải quyết công việc.
Thông qua những buổi trao đổi thế này, các thành viên sẽ tin tưởng vào nhóm mình hơn, cảm thấy hứng thú hơn với công việc vì ý kiến của họ được chú ý.

Theo Zing