Nỗi sợ nào đang cản trở sự nghiệp của bạn?

Đôi khi bản thân chính là “kẻ thù” tệ hại nhất trong sự nghiệp của bạn, nhất là khi bạn không vượt qua được những nỗi sợ hãi thường thấy của dân công sở. Làm sao để có thể phát huy hết năng lực mà không bị bất cứ trở ngại nào ngáng đường?
Dưới đây là một số nỗi sợ “tiêu cực” có thể gây ảnh hưởng không tốt đến bước đường thăng tiến của bạn và cách loại bỏ chúng:
Sợ thất bại
Theo chuyên gia tư vấn Jessica Hernandez, Chủ tịch công ty Great Résumés Fast: “Nhiều nhân viên thường quá lo lắng về các hệ lụy của thất bại, và vì thế từ chối tiếp nhận thêm dự án, nói không với thách thức mới hay vị trí mới. Họ sợ mắc phải sai lầm, ảnh hưởng danh tiếng và tốt nhất là đứng tại chỗ.”
Để tăng thêm tự tin, Hernandez khuyên các nhân viên hay bị ám ảnh bởi thất bại cần “khởi đầu với các công việc nhỏ, từ từ tiếp nhận các nhiệm vụ mới, không mang tính quá thách thức hay liều lĩnh để nâng dần lòng tự tin, chuẩn bị cho các cơ hội đột phá sau này.”
Sợ bị từ chối
Cho dù bạn chuẩn bị bước vào vòng phỏng vấn xin việc hay chuẩn bị mặt đối mặt với sếp đề xuất yêu cầu được tăng lương thì nỗi sợ muôn thuở mà bạn phải đối mặt là câu trả lời “Không”. Các ứng viên đi xin việc thường đặc biệt nhạy cảm và e ngại cảm giác bị từ chối.
“Đối với ứng viên, bị nhà tuyển dụng đánh rớt là một nỗi ê chề cho dù công ty hoặc vị trí đó chưa chắc là những gì bạn thật sự mong muốn”, theo Anthony Morrison, Phó chủ tịch công ty cung cấp giải pháp tuyển dụng Cachinko. Vì thế, dù ở vị trí nào trong công việc, hãy xem việc bị từ chối là điều đôi khi không thể tránh khỏi và bạn cần rút kinh nghiệm sau mỗi lần như thế.
Sợ thay đổi
Nếu phương châm tiếp cận công việc của bạn là “không di dịch những cái có sẵn” thì có thể bạn đang đánh mất nhiều cơ hội quý giá trong công việc bởi thái độ tiêu cực đối với những thay đổi cần thiết.
Theo chuyên gia Hernandez, nỗi sợ phải thay đổi thường “khiến nhân viên dậm chân tại chỗ vì họ không bao giờ dám mạnh dạn thay đổi các tiền lệ, và bỏ qua nhiều cơ hội tốt trong công ty hoặc tiếp cận môi trường làm việc khác. Điều này khiến tiềm năng phát triển của nhân viên đó bị mai một và không thể phát huy.”
Sợ luân chuyển
Kinh tế phát triển và xu hướng toàn cầu hóa khiến nỗi sợ phải đi làm xa, luân chuyển công việc trở nên thông dụng, nhất là với các nhân viên mang gánh nặng gia đình.
Nếu bạn đang cân nhắc có nên chấp nhận luân chuyển đến chi nhánh của công ty ở một tỉnh khác hay chuyển đến công ty mẹ đặt ở quốc gia khác, thì đừng bao giờ để nỗi sợ hãi xâm chiếm và cướp mất cơ hội ngàn vàng của bạn. Có thể đến lúc đó bạn sẽ thích môi trường làm việc mới.
Theo nhà sáng lập chương trình quản trị xã hội WorkSimple, Morgan Norman, “Nếu bạn thấy thoải mái với việc phỏng vấn qua Skype thì cũng nên có thái độ như thế nếu công ty yêu cầu bạn đi làm xa trong ngắn hoặc dài hạn. Công ty hẳn đã cân nhắc kỹ trước khi đưa ra đề nghị này với bạn.”
Sợ làm sếp
Yên phận làm việc tại góc riêng của mình đôi khi “an toàn” hơn nhiều so với việc phải đương đầu với “sóng to gió lớn” khi ở vị trí quản lý – đó là lý do khiến bạn e ngại tiếp nhận quyết định thăng chức, nhất là khi quyền lợi tăng thêm không nhiều. Tuy nhiên, ở khía cạnh phát triển dài hạn, bạn cần tập tiếp nhận những trách nhiệm mới trong công việc, dù “khó nuốt”, để rèn luyện bản thân và chuẩn bị cho con đường thăng tiến lâu dài.
Sợ không cân bằng được công việc và cuộc sống
Đối với một số dân công sở, chức cao quyền trọng đồng nghĩa với việc thời gian cho gia đình sẽ bi thu hẹp lại, trong khi công việc thì làm mãi cứ còn hoài.
Thay vì lúc nào cũng bật rađa tính toán thiệt hơn giữa công việc và cuộc sống, hãy nghĩ về những điều tích cực như lương thưởng, kỹ năng, danh tiếng… Mạnh dạn tiếp nhận vị trí mới không đồng nghĩa với việc bạn phải chăm chăm vào công việc liền tù tì 24 tiếng đồng hồ, ngược lại, bạn cần học cách phân việc hiệu quả cho cấp dưới, thương lượng với sếp về các điều khoản làm việc…
Sợ đổi ngành
Đổi ngành có thể là nỗi sợ hãi thường thấy của các nhân viên đã quá gắn bó với một công việc nào đó. Tuy nhiên, bạn hãy mạnh dạn đổi ngành nếu muốn, dựa trên việc suy xét các kỹ năng bạn đang sở hữu có phù hợp với công việc mới hay không. Kiến thức về ngành mới có thể nhanh chóng được tích lũy theo thời gian và với kinh nghiệm của mình, bạn có thể thực hiện điều đó nhanh chóng và thuận lợi.

Theo Dân trí