Trong hồ sơ IPO gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), Facebook đã tiết lộ những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Đáng chú ý nguy cơ đầu tiên chính là lo sợ người sáng lập có quá nhiều quyền lực.
1. Mark Zuckerberg “lộng quyền”
Một điều hết sức ngạc nhiên là nỗi sợ hãi lớn nhất của Facebook xuất phát chính từ nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Mark Zuckerberg.
Hiện tại, Zuckerberg chiếm 58% cổ phiếu của Facebook và có quyền quyết định cao hơn tất cả các cổ đông. Ngoài ra, ở cương vị một cổ đông nắm quyền kiểm soát (controlling shareholder), anh ta có quyền bỏ phiếu cổ phần của chính mình. Ban điều hành Facebook lo sợ rằng, trong một số trường hợp, Zuckerberg sẽ đưa ra những quyết định đem lại nhiều lợi ích cho anh ta hơn là lợi ích của các cổ đông và toàn công ty nói chung.
2. Người dùng rời bỏ Facebook
Báo cáo của Facebook có đoạn viết: “Nếu chúng tôi không thể giữ chân những thành viên sẵn có và thu hút thêm thành viên mới, hoặc nếu người dùng giảm lượng truy cập Facebook, doanh thu của chúng tôi sẽ bị tổn hại đáng kể.”
Đây là một kết cục đáng buồn đã từng xảy ra với mạng xã hội My Space: Sau khi người dùng ra đi, xuống lượng doanh thu từ quảng cáo sẽ tụt một cách thê thảm (trong năm 2011, 85% doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo).
3. Giới truyền thông “ném đá”
“Những bình luận không tích cực từ giới truyền thông có thể tác động xấu tới công việc kinh doanh của chúng tôi”
Facebook phải thừa nhận điều này sau khi xuất hiện nhiều bài báo cảnh báo về sự vi phạm quyền riêng tư của người dùng Facebook, cũng như những nhận xét không mấy thiện cảm về một loạt tính năng và thiết kế mới của mạng xã hội này.
4. Bị đối thủ đánh bại
Facebook đã thừa nhận “mảng kinh doanh của chúng tôi có tính cạnh tranh cao”. Sau khi đánh bại MySpace và Friendster, Facebook hiểu rõ hơn ai hết là luôn có những đối thủ nhăm nhe lật đổ họ.
Báo cáo có đoạn viết như sau: “Chúng tôi phải cạnh tranh với nhiều dịch vụ xã hội của Google, bao gồm cả Google+, cũng như các mạng xã hội phổ biến ở một số nước như Cyworld tại Korea, Mixi tại Nhật Bản, Orkut (của Google) tại Brazil và Ấn Độ và vKontakte tại Nga.”
5. Người dùng đăng nhập Facebook trên smartphone
Vì không hiển thị quảng cáo trên phiên bản di động, Facebook không thu được tiền từ ứng dụng Facebook dành cho iPhone và iPad. Số lượng người đăng nhập Facebook trên smartphone hoặc máy tính bảng thay cho máy tính cá nhân càng đông, doanh thu của Facebook càng giảm.
6. Người dùng “chê” thiết kế mới
Nhiều ý kiến trái chiều về những thiết kế mới, ví dụ như Timeline, đã khiến Facebook lo ngại hơn về hiệu quả của những thiết kế mới.
Báo cáo có đoạn viết: “Nếu các sản phẩm mới không thể thuyết phục người dùng, các nhà phát triển và đối tác quảng cáo, chúng tôi sẽ không thể thu hút và giữ chân người dùng, cũng như không thể thu được doanh thu đáng kể. Công việc kinh doanh của chúng sẽ sẽ bị ảnh hưởng xấu.”
7. Mối đe dọa đến từ Zynga
Zynga là hãng cung cấp những loại game phổ biến nhất trên Facebook như Farmville, Cityville, Castleville..
Năm 2011, mối hợp tác với Zynga đem về xấp xỉ 12% doanh thu của Facebook, bao gồm số tiền thu từ việc bán vật phẩm ảo trong game hoặc lệ phí quảng cáo mà Zynga trả cho Facebook. Ngoài ra, các ứng dụng của Zynga còn đem lại không gian cho Facebook treo quảng cáo của các đối tác khác.
Nếu số lượng người chơi game Zynga qua Facebook giảm, hoặc nếu Zynga đưa game của họ lên các nền tảng khác, 12% doanh thu này của Facebook sẽ bị đe dọa.
Theo Nhuongquyenvietnam