Doanh nghiệp Việt cần phải có những thay đổi căn bản, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh Inovation – đổi mới sáng tạo.
“Tăng trưởng Việt Nam dựa vào vốn chứ không vào Năng suất lao động”
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và tổ chức INSEAD (The Bussiness School for the World) vừa công bố Việt Nam xếp thứ 76 về chỉ số sáng tạo toàn cầu, tụt 25 bậc so với năm ngoái.
Sự chững lại của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua, theo TS Đinh Thế Phong – viện chiến lược và chính sách KHCN – Bộ KHCN, tăng trưởng Việt Nam những năm qua chỉ dựa vào vốn chứ không phải là năng suất lao động.
“Trong số các chỉ tiêu được WIPO đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 106, thấp hơn tổng là 76, điều này cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có những vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại”, TS Phong cho biết.
Ông cũng chỉ ra một vấn đề đáng quan tâm. “Việt Nam vừa vượt Thái Lan trong xuất khẩu gạo, vươn lên thứ 1 thế giới, đứng thứ hai trong xuất khẩu cà phê, nhưng chúng ta có nên cảm thấy tự hào, khi thứ hạng trong chuỗi giá trị vẫn dậm chân tại chỗ, và thiếu đi một cơ sở để phát triển lâu dài?
Doanh nghiệp Việt cần phải có những thay đổi căn bản, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh Inovation – đổi mới sáng tạo”, ông Phong nhận định.
Ông Nguyễn Cảnh Bình – chủ tịch Alpha Books cho rằng “Xã hội đang cần những doanh nhân góp phần quan trọng vào những cuộc cách mạng “thúc đẩy sáng tạo” để biến điều không thể thành có thể.”
Theo ông, trong các doanh nghiệp, phát triển KHCN cũng được coi là những đổi mới-sáng tạo giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động đổi mới-sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế và họ cũng ngại đầu tư vào mảng này. Đây là một vấn đề lớn trong một thị trường cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Đại diện cho Doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, ông Nguyễn Hồng Lam, giám đốc Công ty ô mai Hồng Lam nhận định, cần phải cải tiến trong 3 lính vực: cách tác nghiệp, công nghệ, và sản phẩm để tạo ra những sản phẩm mới, phá vỡ thị trường cũ.
“Tăng doanh thu lên 20% mới đem lại lợi nhuận 2 – 3%, còn nếu cải tiến quy trình sản xuất, công nghệ thì việc tăng vài % lợi nhuận lại đơn giản. Vì thế theo tôi doanh nghiệp nên tập trung vào công nghệ”, ông Lam chia sẻ
Bà Phạm Thị Thanh Long, Quản lý dự án Chính Phủ của IBM Việt Nam thì cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần có thêm những bài học thực tiễn và giải pháp cho sự đổi mới sáng tạo của mình, nâng cao năng suất lao động, đồng thời giúp Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn mới.
Theo Quốc Dũng