Nghề quản lý nhân sự (QLNS) đang “hot” và thời thượng trong mắt các bạn trẻ. Khi doanh nghiệp (DN) coi con người là nguồn lực quan trọng thì chuyên viên QLNS trở thành người nắm giữ chìa khoá cho DN.
“Người bạn tri kỷ”
Trước đây, trong nhiều DN, đặc biệt là các DNNN, QLNS thường thuộc biên chế phòng hành chính hay tổ chức. Vai trò của họ chưa được đánh giá đúng mức, DN chỉ sử dụng những chức năng cơ bản của QLNS như tuyển dụng, làm bảng lương, xét thưởng, phạt. Hiện nay, sự ra đi của một cán bộ QLNS cấp cao có thể dẫn đến sự xáo trộn nghiêm trọng về đội ngũ nhân sự. Tầm ảnh hưởng của người đảm nhận QLNS rộng cả trong công việc lẫn tâm tư tình cảm của NLĐ.
Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc nhân sự Vietnamnet với kinh nghiệm hàng chục năm làm QLNS cho biết: “Cán bộ QLNS phải là người bạn tri kỷ của các thành viên trong DN; Phải hiểu công việc của từng bộ phận, hiểu tâm tư nguyện vọng của từng nhân viên, dù ở cấp nhỏ nhất”. Theo kinh nghiệm của ông, hàng tuần cần đến từng phân xưởng, phòng ban để gặp gỡ, trao đổi với nhân viên, QLNS làm cầu nối giữa NLĐ và bộ phận quản lý, tuyển dụng đúng người, đúng việc và tư vấn chiến lược về nhân lực cho DN.
Ông Lương nhận xét việc phát huy tố chất lãnh đạo của người khác là yếu tố quan trọng nhất. Trả lương cao không phải là biện pháp lâu dài để giữ chân nhân viên. Họ sẵn sàng đến nơi có thu nhập cao hơn. Ai cũng có nhu cầu phát triển năng lực bản thân, khẳng định mình tại môi trường làm việc, hãy tạo điều kiện cho họ được “lãnh đạo” việc họ làm.
Cửa rộng
Dạo qua một số website tuyển dụng lớn của VN, nhiều DN đang khát vị trí cán bộ QLNS từ cấp trưởng phòng trở lên, trong đó có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thông báo tuyển dụng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ đặc biệt nhưng tìm được ứng viên mong muốn thì rất khó.
Cty Tư vấn giáo dục EduViet – một địa chỉ đào tạo cán bộ QLNS cho biết: Chương trình đang được khởi động đã có hàng trăm DN vừa và nhỏ xếp hàng đăng ký đầu ra cho học viên với mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/tháng. Còn đối với các DN lớn, mức lương là 400-500 USD. Bộ môn “Quản trị nhân lực” đã đưa vào giảng dạy ở các trường đại học (ĐH). Một số trường ĐH đã có chuyên ngành đào tạo QLNS nhưng khô cứng, lý thuyết. Vì vậy, phần lớn cán bộ QLNS đều phải tự học các kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.
Cánh cửa của nghề QLNS đang mở rộng cơ hội cho nhiều bạn trẻ năng động, thích giao tiếp. Ông Trần Ngọc Lương khẳng định các bạn sinh viên mới ra trường hoàn toàn đảm nhận công việc QLNS chỉ cần chữ “nhẫn”: Trau dồi kỹ năng và nhẫn nhịn trong công việc.
Theo Laodong