Báo cáo xu hướng việc làm do Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ LĐ-TB-XH) công bố trong năm nay cho thấy, cơ cấu thị việc làm ở trường trong nước đã có những thay đổi khá mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo, từ năm 2011, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bắt đầu có chiều hướng giảm. Từ 23 triệu lao động xuống còn 22,5 triệu vào năm 2015 và sẽ ở mức 21,1 triệu vào năm 2020.
Còn những ngành hiện đang có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng tới năm 2015 sẽ có xu hướng giảm, gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Trong đó, ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là khai khoáng từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015.
Cũng theo báo cáo các ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ… Tiếp đến là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác… Tuy nhiên, về dài hạn, những ngành này lại giảm mạnh, khoảng 50% việc làm vào năm 2020. Trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm từ 1,2% lên 2,3%.
Còn dự báo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM mỗi năm cần khoảng 265.000 lao động. Nhưng tại địa bàn này, tổng số sinh viên các trường ĐH-CĐ tốt nghiệp ra trường hằng năm từ 55.000-60.000 người, trong đó các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, quản lý – nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.
Theo Dantri