Họa sĩ, doanh nhân Bùi Chí Công không chỉ được xem là người đặt nền móng cho ngành thủy tinh nghệ thuật của VN, mà còn là một ông chủ “đứng riêng một hàng” – bí quyết để ở vị trí số 1 với thương hiệu Artgalass.
Dường như con đường đi đến thành công của anh cũng chính là cuộc hành trình tìm tòi và khám phá của một người nghệ sĩ.
Thoát lối mòn tư duy
Anh nhớ lại : “Khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp ngành Trang trí nội thất, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1982, tôi giống như một con sâu cuộn mình trong ổ kén, tù túng, bức bách và mất định hướng”. Mà dẫu cố thoát ra thì sẽ đi đâu, làm gì để sống khi thế hệ các anh được đào tạo lấy cơ quan nhà nước làm chủ thể ? Nỗi bức bí ong ong trong đầu cho đến khi Bùi Chí Công có một bước ngoặt trong đời mình.
Đó là buổi lễ khai trương Khách sạn Caesar tại Trung tâm Thương mại An Đông, (quận 5 – TP HCM) năm 1990. Những sản phẩm kính trang trí trong nội thất khách sạn này khiến anh sững sờ – một sự cuốn hút thật bản năng. Thủy tinh khiến anh liên tưởng đến nước, môi trường mà con người gắn bó khi còn là một bào thai. Ham muốn sáng tạo trỗi dậy, “vỏ kén” nứt toang, nhưng sâu vẫn chưa thể thoát thai thành bướm.
Không thầy, không kỹ thuật, không tài liệu, không nghiên cứu thị trường… anh khởi nghiệp bằng một con số không tròn trĩnh. “Không thành công cũng thành nhân”, câu nói của người xưa trở thành liều “doping” tinh thần để anh mạnh dạn lao vào nghiên cứu, đầu tiên là tính cơ lý hóa của vật liệu. Kính có thể nung chảy, uốn, đúc… được không ? Kính chịu được sự ăn mòn của tất cả các loại muối, axít (trừ axit clohydric). Độ cứng của kính tương đương với đá granít và đặc biệt, nó là loại vật liệu rắn duy nhất mà ánh sáng có thể xuyên qua. Những bài học vỡ lòng anh tự vỡ vạc bằng thực nghiệm.
Đã có lúc tưởng như rơi vào vô vọng. “Tại sao chỉ cần một nét vạch rất mảnh, mắt thường không nhìn thấy nhưng vẫn có thể bẻ gãy được cả tấm kính ?”. Tất cả những người phụ trách kỹ thuật tại các tiệm kính mà anh tới đều không cho anh câu trả lời. Ra Hà Nội, gõ cửa Viện Quang học, nhưng thông tin anh nhận được cũng chỉ là những khái niệm chung chung về kính quang học. Chạy sang Nhà máy Thủy tinh Hà Nội – nơi chuyên thổi chai lọ và bình hoa – ông giám đốc từ chối tiếp khi biết anh tìm đến không phải để mua hàng. Quay lại Sài Gòn, anh vớ được một cuốn tạp chí của Hong kong, trong đó có chụp một tấm hình khắc trên kính tương tự như ở Khách sạn Caesar. Thủy tinh dày mười ly nhưng qua bàn tay của các nghệ nhân, không gian hiện lên sâu thăm thẳm. Trở lại Khách sạn Ceasar, chạm vào những hình khắc, anh suy đoán những sản phẩm này không thể dùng phương pháp đúc hay đổ khuôn vì kính vốn cứng và giòn. Những nét khắc bay bổng, mềm mại, nông sâu ngẫu hứng là dấu hiệu cho thấy sự tự do và phóng khoáng của nghệ nhân trong quá trình sáng tạo. “Nhưng họ làm thế nào thì chịu !” – anh nhớ lại.
Tình cờ, trong một cuốn sách của Liên Xô mà anh tìm được có một mục nhỏ dạy mấy mẹo vặt như cắt thủy tinh bằng nước, mài thủy tinh bằng cát… Cuốn sách đó như một chút ánh sáng le lói dẫn lối cho người lạc bước trong hầm tối. Sau sáu tháng thử nghiệm, anh khắc thành công hình một trái táo lên vuông kính cỡ lòng bàn tay. Nét khắc thô cứng, vụng về nhưng có can hệ gì. Điều quan trọng là anh đã tìm thấy chiếc la bàn cho cuộc đời mình. Năm 1994, anh có khách hàng đầu tiên là Khách sạn Mondiand trên đường Đồng Khởi, Q 1 với tác phẩm kính điêu khắc Hồ Sen, Lan Xuân, mở đầu cho sự tiến bước của Artglass trên con đường kinh doanh nghệ thuật.
Đến giờ, Artglass đã khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành hàng thủy tinh nghệ thuật mà thành công và mỗi tác phẩm đều gắn liền với tên tuổi và tâm huyết của “ông chủ” Bùi Chí Công. Trên dọc chiều dài đất nước, hầu hết khách sạn lớn như Majestic, Rex, Park Hyatt… cho đến sân golf Long Thành, Bảo tàng dân tộc Thái Nguyên đến các công trình quan trọng nhất của đất nước như Trụ sở trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng… Artglass đều tham gia và để lại những tác phẩm “để đời”.
Mỗi một dự án, tác phẩm, công trình có thể ví như một bước tiến của Artglass trong hành trình đưa công nghệ thủy tinh Việt từ vùng tối bước ra ánh sáng, từ chỗ không mấy ai biết về công nghệ này của VN đến việc đưa một DN VN tự tin bước vào sân chơi toàn cầu. Để có được điều đó, người họa sĩ, doanh nhân làm chủ cũng đã phải có một hành trình thoát thai bước ra khỏi hồi ức và những lối mòn kỹ năng của một thuở DN nhà nước, để tự mình vận động tìm ra con đường riêng – Con đường mà anh ví là “mất 10 năm để ra khỏi ổ kén” và cựa mình thức tỉnh.
Mùa trái ngọt
Artglass là thành viện Việt Nam duy nhất tại Hiệp hội Kính Nghệ thuật Hoa Kỳ – SGAA (stained glass America Association)
Muốn hiểu phải tìm tận gốc, với tâm niệm ấy, Bùi Chí Công tìm sang châu Âu, cái nôi của thủy tinh nghệ thuật thế giới. Đi nhưng cũng là cách để nhìn lại mình, để biết mình đang đứng ở đâu và nên bắt đầu như thế nào. Sau khi tham quan khá nhiều xưởng theo chỉ dẫn của bạn bè, anh ghi danh theo học khóa ngắn hạn tại xưởng của ông Svacka – viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật Tiệp Khắc cũ – ở vùng Novy Bor, Cộng hòa Czech. Ba lần tới xưởng, ông thầy người Czech mới đồng ý cho anh dự thính, hiểu được đến đâu thì hiểu. “Có lẽ ông ấy mủi lòng vì sự kiên trì của tôi, một người đến từ đất nước xa xôi chưa có tên trên bản đồ thủy tinh nghệ thuật thế giới” – anh kể.
Suốt bốn hè đi đi về về, cùng với tài liệu của ông thầy người Czech, bao nhiêu tiền kiếm được anh ném hết vào thử nghiệm, tắc ở khâu nào thì lại sang học hỏi. Anh cho biết : Tôi đã tự ái ghê gớm khi thấy bức tứ bình bằng sơn mài – quà tặng của tôi – được ông treo trên cánh cửa toilet mà chỉ khi vào trong, đóng cửa lại mới nhìn thấy. Thấy tôi phản ứng, ông ấy trả lời vì trân trọng tôi nên mới treo ở đó. Bởi, chỉ khi ngồi trong toilet, ông ấy mới có đủ thời gian để thảnh thơi ngắm nhìn”.
Một dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp kinh doanh nghệ thuật của Bùi Chí Công, là năm 1997, có hai DN Đài Loan vào VN kinh doanh kính nghệ thuật. Kinh nghiệm nhiều hơn, vốn nhiều hơn nhưng sau một thời gian, một DN nhượng lại cho Arrglass, DN còn lại thì chuyển qua Campuchia. “Vấn đề cốt lõi ở đây là văn hoá thì không thể nhập khẩu được. Người ta có thể khiến một người VN mặc quần jeans, ăn hotdog nhưng không thể thay đổi cái đầu của anh ấy, thói quen ứng xử của anh ấy như một người nước ngoài. Sở dĩ hai DN Đài Loan không thành công được ở đây là vì họ không thấu hiểu được “sự rung cảm của những nhu cầu” của người tiêu dùng VN cho dù chúng ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa”. Chiến thắng ngay trên sân nhà đã giúp Bùi Chí Công có thêm nhiều nghị lực để 10 năm sau, anh hoàn toàn khẳng định vai trò dẫn đầu trong thị trường công nghệ kính hiện đại.
Những tâm sự của anh cũng là niềm tin của một doanh nhân thấm nhuần văn hóa và lòng tự hào của người Việt – bí quyết đã giúp họa sĩ Bùi Chí Công từ một người học việc về thủy tinh trở thành Phó tổng thư ký Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam – Vieglass và làm nên những dự án nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nước nhà, những kinh nghiệm và bí quyết để gặt hái trái ngọt đó hôm nay anh chia sẻ với những thế hệ những nhà sáng tạo kế tiếp thông qua các chương trình giảng dạy của anh tại các trường đại học tại Hà Nội và TP HCM.
Theo Hỏa Vân – Lê Mỹ