Những người khổng lồ và cuộc chiến hệ điều hành

Mười năm trước, với lợi thế là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, Nokia đã tung ra hệ điều hành Symbian dành cho những chiếc điện thoại thông minh vì họ đã nhìn thấy được tiềm năng của dòng sản phẩm này qua việc hỗ trợ người sử dụng tương tự như những chiếc máy vi tính thu nhỏ.
Cũng trong thời gian đó, Microsoft với vị thế là ông vua về hệ điều hành cũng cho thấy mình là người thấy được thời cuộc nên đã đưa ra phiên bản đơn giản của Windows dành cho điện thoại di động có tên là Windows Mobile.

Cuộc đổi ngôi

Trong suốt bảy năm (từ năm 2000 đến 2007), gần như Symbian và Windows Mobile là hai hệ điều hành thống trị trên thị trường điện thoại thông minh. Cùng thời điểm đó, còn có các hệ điều hành BlackBerry OS sử dụng cho các dòng máy BlackBerry, hay Linux được ứng dụng trên một số mẫu hãn hữu. Tuy nhiên, không thể so sánh về mức độ phổ biến như hai hệ điều hành ra đời sớm hơn cả là Symbian và Windows Mobile

Khi đó, Windows Mobile gần như chỉ được các dòng điện thoại di động dạng Pocket PC (PPC Mobile) hưởng ứng. Ngược lại, sản phẩm của Nokia và các hãng khác có nhiều chọn lựa hơn vì giao diện của Symbian đa dạng và có thể dùng cả cho nhiều loại, từ thông thường đến phiên bản UI cho màn hình cảm ứng.

Còn hệ điều hành của Windows Mobile chỉ phù hợp với các loại màn hình cảm ứng lớn, chứ thao tác trên bàn phím không thuộc dạng QWERTY khá khó khăn. Trong hai hệ điều hành cùng phát triển song song này, Symbian có phần vượt trội với nhiều năm liền có thị phần trên 60%.

Tuy nhiên, cục diện nói trên đã thay đổi khi gần đây các dòng máy BlackBerry của RIM ngày càng tăng thị phần tại Bắc Mỹ và bắt đầu xâm nhập các thị trường khác của thế giới.

iPhone ra đời và nhanh chóng đạt được thành công ấn tượng đã trở thành một thế lực đáng gờm trên thị trường điện thoại thông minh. Trong đó, hệ điều hành của iPhone được Apple đặt luôn tên là iPhone, có thể xem là một phiên bản thu nhỏ từ hệ điều hành Mac danh tiếng của hãng này.

Khi iPhone được tiêu thụ nhanh và chiếm thị phần ngày càng cao hơn trong dòng máy điện thoại thông minh thì hệ điều hành iPhone theo đó cũng chiếm vị trí đáng kể trong chiếc bánh thị phần.

Tiếp đến, HTC cùng với Google lại khiến cả thế giới phải chú ý với chiếc điện thoại thông minh HTC G1 trang bị hệ điều hành mã nguồn mở Android được phát triển bởi Google.

Chẳng bao lâu sau, Google nhanh chóng chứng minh họ biết cách làm thế nào để thành công. HTC sau khi trở thành đối tác của Google đã nhanh chóng chuyển dần các dòng máy sử dụng hệ điều hành truyền thống là Windows Mobile sang Android.

Các hãng khác như Samsung, Sony Ericsson bắt đầu tìm đến hệ điều hành Android. Theo đó, Windows Mobile đã không còn được các hãng chọn lựa cho các dòng máy màn hình cảm ứng. Chính vì thế, cuộc đổi ngôi đã nhanh chóng xảy ra.

Thị phần của cả Symbian lẫn Windows Mobile đã giảm xuống, nhưng Symbian vẫn chiếm thị phần lớn nhất nhờ duy trì một lượng sản phẩm đồ sộ ở nhiều phân khúc khác nhau (xem biểu đồ).

Theo dự báo thì hệ điều hành Android sẽ tiếp tục tăng nhanh thị phần trong thời gian tới. Hơn thế, Android còn bắt đầu lấn sân sang các dòng máy tính cá nhân dạng nhỏ (netbook) và các dòng máy tính bảng (table-book).

Và cuộc chiến phía trước

Chưa dừng lại ở đó, sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn khi trên thị trường bắt đầu xuất hiện thêm những cái tên mới. Nokia dù rất mạnh với Symbian nhưng vẫn tiếp tục cho ra hệ điều hành mới mang tên Maemo để đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng khác nhau.

Hệ điều hành Maemo của Nokia được giới thiệu sẽ tập trung nhiều hơn nữa cho giao diện và chạy các flash cũng như hỗ trợ công việc mạnh mẽ hơn. Intel cũng nhảy vào cuộc bằng cách kết hợp hệ điều hành Moblin của mình với Maemo để cho ra Meego dành cho các dòng máy tính bảng table-book.

Dường như, hệ điều hành dành cho máy tính bảng và điện thoại di động ngày càng tiếp cận nhau hơn. Nếu như thế, thị trường hệ điều hành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ còn sôi động hơn khi đây là hai dòng sản phẩm đang có xu hướng tăng nhanh.

Mới đây, Samsung cũng không chịu đứng ngoài cuộc khi chính thức cho ra mắt hệ điều hành Bada và Samsung S8500 Wave trở thành mẫu điện thoại di động đầu tiên tích hợp hệ điều hành này. Nhà sản xuất này quảng bá rằng Bada được phát triển từ nền tảng giao diện TouchWiz, tập trung phát triển khả năng thể hiện các giao diện một cách mượt mà.

Theo dự tính của Samsung thì họ sẽ nâng thị phần điện thoại thông minh trong hệ thống sản phẩm của mình lên đến 50% trong các năm tới. Vì lý do đó, họ phát triển hệ điều hành này và kỳ vọng nó sẽ nhanh chóng có được một vị trí đáng kể. Nhưng có lẽ, sẽ còn nhiều hơn nữa các hệ điều hành dành cho các dòng máy điện thoại thông minh xuất hiện trong thời gian tới góp phần làm cho thị trường này ngày càng sôi động hơn nữa.

Theo kienthuckinhte