Sự ra đi của Google như vậy không nằm ngoài dự liệu từ lâu của chính phủ Trung Quốc trong chiến lược tiến tới một “mô hình Internet mang đặc điểm Trung Quốc” mà giới công nghệ gọi là “Chinternet” (China+internet) và đó là điều các doanh nghiệp khác nên lưu ý.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu khuyến cáo các doanh nghiệp chuẩn bị phương án hoạt động khi Google rút đi và người sử dụng internet nên chuyển sang các trang web tìm kiếm nội địa.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Lý Nghị Trung (Li Yizhong) nói rằng, kế hoạch của tập đoàn này ngừng kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm là hành vi “vô trách nhiệm” và họ phải ”gánh chịu hậu quả”. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Diêu Kiên (Yao Jian) thì cho rằng, dù rút đi hay không, Google cũng phải tuân thủ quy định, kể cả quy định về chấm dứt hoạt động và giải quyết hậu quả. Trong lúc đó, phát ngôn viên của Google tại California (Mỹ) chỉ nhắc lại, Google rất cứng rắn trong lập trường của mình và “sẽ không tiếp tục tự kiểm duyệt kết quả tìm kiếm”.
Một trải nghiệm cay đắng
Google bắt đầu thâm nhập mạnh thị trường Trung Quốc năm 2006 bằng việc mở trang web tìm kiếm bằng tiếng Hoa Google.cn và cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến khác cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, chẳng hạn bản đồ Google Map cho điện thoại di động, AdWorks và AdSense cho các doanh nghiệp quảng cáo ra thị trường thế giới… Nhưng, theo luật lệ Trung Quốc, Google phải tự kiểm duyệt kết quả tìm kiếm thông tin, loại bỏ những thông tin mà chính quyền không cho phép, chẳng hạn những địa chỉ web khiêu dâm hoặc những đề tài chính trị, nhân quyền… Chính sách tự kiểm duyệt của Google đã gây phản ứng mạnh trong các tổ chức nhân quyền, các chính phủ phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ, nơi Google đặt đại bản doanh.
Tuy vậy, Google còn gặp khó khăn khi nhà cầm quyền liên tục gây sức ép. Năm ngoái, đã có vài lần trang web Google.cn bị ngừng hoạt động vì bị cáo buộc truyền bá phim ảnh khiêu dâm; các trang mạng xã hội mà Google làm chủ hoặc có cổ phần như YouTube, Facebook, Twitter đều bị cấm ở Trung Quốc. Giọt nước làm tràn ly là vụ các tin tặc xuất phát từ Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống máy tính của Google và nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn tại Mỹ, đánh cắp mã nguồn và dữ liệu cá nhân từ hộp thư Gmail của những người đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc. Ngày 12/1 vừa qua, Google tuyên bố sẽ không tiếp tục kiểm duyệt nội dung tìm kiếm của trang web Google.cn nữa; nếu chính quyền không chấp nhận điều đó thì Google sẽ xem xét đóng cửa trang web này.
Tuyên bố của Google gây sửng sốt cho cộng đồng internet trong và ngoài Trung Quốc. Sau đó Google cho biết họ đang thương lượng với nhà cầm quyền để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy cuộc thương lượng đã hoàn toàn bế tắc và việc Google rời khỏi Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thị trường lớn nhưng khó
Google không phải là doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài duy nhất gặp khó tại Trung Quốc. Theo Analysys International, Amazon.com chỉ chiếm được 8% thị trường bán lẻ trực tuyến; Elong Inc. – công ty con của Expedia Inc, chuyên bán tour du lịch trực tuyến – chiếm được khoảng 10%; dịch vụ nhắn tin MSN Messenger của Microsoft, triển khai qua liên doanh với một công ty địa phương, chiếm được 4% v.v… Xét về thị phần, có lẽ Google là công ty công nghệ nước ngoài thành công nhất.
Những công ty nước ngoài gặp phải hai trở ngại chính: sự cạnh tranh của các công ty Trung Quốc và chính sách của nhà cầm quyền. Các đối thủ Trung Quốc tỏ ra rất tinh nhanh trong việc nắm bắt công nghệ và điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng địa phương. Tập đoàn đấu giá trực tuyến EBay Inc. chẳng hạn đã phải ngậm ngùi rút ra khỏi Trung Quốc năm 2006 sau khi mất hẳn thị trường vào tay Taobao.com, trang web thuộc tập đoàn Alibaba Trung Quốc. Ngay đến Yahoo Inc., một trong những tập đoàn internet nước ngoài có mặt sớm nhất ở Trung Quốc từ năm 1999, cũng đã phải chuyển nhượng toàn bộ hoạt động kèm 1 tỉ đô la Mỹ cho tập đoàn Alibaba vào năm 2005 để đổi lấy 40% cổ phần của tập đoàn này.
Chính quyền Trung Quốc cũng luôn gây áp lực lên các công ty internet nước ngoài. Trung Quốc không cấp giấy phép cho công ty nước ngoài cung cấp nội dung trên internet (ICP) mà buộc họ phải liên doanh với công ty trong nước; trong nhiều trường hợp, để nhận được chính sách ưu đãi, công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương, phải thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ngay tại Trung Quốc…
Ảo tưởng của Google
Google ảo tưởng rằng, hành động “dũng cảm” của họ sẽ được các tập đoàn đa quốc gia làm ăn tại Trung Quốc hưởng ứng. Nhưng, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) tuyên bố: “[Hành động đó] không xói mòn được môi trường đầu tư của Trung Quốc, cũng không xói mòn được hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Mỹ, tại Trung Quốc”. Giáo sư John Palfrey chuyên nghiên cứu về internet thuộc Trường Luật Đại học Harvard, cũng đồng ý như vậy: “Vì [thị trường Trung Quốc] là thị trường internet lớn nhất thế giới nên các công ty công nghệ lớn không thể bỏ qua”. Chủ tịch tập đoàn Microsoft, ông Steve Ballmer, ngay từ đầu đã cho biết Microsoft sẽ không đi theo con đường mà Google đã chọn.
Theo một số nhà quan sát, khi quyết định đóng cửa Google.cn, Google hy vọng vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến cho người dân nước này thông qua phiên bản tiếng Hoa của trang web quốc tế Google.com cũng như tiếp tục cung cấp dịch vụ thư điện tử Gmail thông qua máy chủ đặt ở ngoài Trung Quốc. Tuy vậy, đây cũng là một ảo tưởng vì Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng tường lửa để ngăn chặn mọi nỗ lực truy cập vào các trang web của Google, hay ít ra là làm cho chúng chập chờn để người sử dụng phải chán nản. Tham vọng của Google đòi chính quyền Trung Quốc phải thay đổi chính sách, cho phép Google ngừng kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm, càng tỏ ra là một ảo vọng. Việc kiểm soát những gì người dân được và không được phép biết là “viên đá tảng” duy trì sự ổn định của chế độ chính trị hiện hành ở Trung Quốc, và do đó họ sẽ không từ bỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Và cuối cùng, có thể thấy Trung Quốc rất tinh vi trong chiến lược nâng đỡ các công ty công nghệ trong nước của Trung Quốc có thể thâu tóm thị trường internet. Điều đó giúp nhà nước Trung Quốc vừa dễ dàng kiểm soát thông tin, vừa không phải lo đối phó với các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Trường hợp của bộ bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia là một minh chứng. Đã mấy năm rồi, bản tiếng Anh của Wikipedia rất khó truy cập từ Trung Quốc trong khi bản tiếng Hoa thì bị chặn hoàn toàn. Kết quả là bản tiếng Hoa của Wikipedia chỉ có khoảng 300.000 mục từ, rất ít so với khoảng 3,2 triệu mục từ của bảng tiếng Anh. Trong khi đó, bộ bách khoa toàn thư do người sử dụng biên soạn bằng tiếng Hoa do Baidu Inc. khởi xướng năm 2006 đã có đến 2,1 triệu mục từ.
Theo kienthuckinhte