Sức khỏe hiện tại của một công ty được đo lường qua ba chân kiềng: hoạt động kinh doanh, hệ thống và nguồn lực. Trong khi đó triển vọng phát triển lớn mạnh của công ty lại phụ thuộc chủ yếu vào chiến lược.
Chiến lược là một đề tài rất rộng lớn, và phạm vi bài viết này chỉ bàn đến chiến lược kinh doanh của một công ty.
Cần một chiến lược
Công ty hoạt động mà không có chiến lược ví như một người đi trên đường mà không xác định mình đi đâu, về đâu, cứ mặc cho đám đông (thị trường và đối thủ) đẩy theo hướng nào thì dịch chuyển theo hướng đấy.
Một nhà lãnh đạo có bản lĩnh sẽ không chịu phó mặc tương lai của doanh nghiệp như thế. Muốn vậy, người lãnh đạo phải chủ động vạch ra một hướng đi cho mình và thậm chí cố gắng tác động để dẫn dắt cả thị trường đi theo hướng này. Trong bất kỳ một cuộc đối đầu nào, đối thủ nào áp đặt được lối chơi của mình lên đối phương, sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn.
Như vậy, chiến lược rõ ràng là một yêu cầu bắt buộc đối với những công ty có tham vọng dẫn đầu. Vậy những người không có tham vọng chiếm giữ vị trí dẫn đầu liệu có cần chiến lược? Câu trả lời khẳng định là có. Bạn vẫn cần phải có chiến lược nếu không muốn bị những người khác trong đàn chèn ép và cuối cùng bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong thực tế, có những công ty tuy không có chiến lược nhưng vẫn có thể phát triển. Chẳng hạn, công ty hoàn toàn có thể phát triển trong giai đoạn đầu, khi chưa có nhiều đối thủ, nhờ khả năng phát hiện và nắm bắt cơ hội thị trường mà không cần phải có một chiến lược.
Hoặc công ty có thể phát triển nhờ vào một điều kiện thị trường đặc thù, một hoặc nhiều lợi thế mà các công ty khác không có (doanh nghiệp nhà nước).
Có trường hợp tuy không có một chiến lược cụ thể, nhưng người lãnh đạo công ty lại có định hướng chiến lược trong tư duy của mình. Người lãnh đạo biết rõ mình cần làm gì để cạnh tranh thành công (có chiến lược nhưng dưới dạng đơn giản).
Chiến lược là một xâu chuỗi, một loạt những hoạt động được thiết kế nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài so với các đối thủ. Trong môi trường hoạt động của một công ty, bao gồm cả thị trường và đối thủ, có chiến lược sẽ giúp công ty có một cách ứng xử nhất quán.
Chiến lược thể hiện một sự chọn lựa, một sự đánh đổi của công ty mà giới chuyên môn thường gọi là định vị chiến lược.
Dẫu vậy, số phận của công ty sẽ như thế nào nếu một lúc nào đó trên thị trường bỗng xuất hiện sự cạnh tranh, hay công ty bị mất đi những lợi thế đặc thù?
Trường hợp công ty phát triển nhờ vào tư duy chiến lược của một cá nhân, nhưng đến một quy mô mà bản thân người ấy không thể tự mình trực tiếp triển khai mọi công việc (như khi công ty còn nhỏ), thì tư duy chiến lược của một cá nhân không còn phát huy hiệu quả. Cuộc chơi đã chuyển từ một cuộc chơi cá nhân sang cuộc chơi đồng đội. Trong tất cả các tình huống trên, công ty cần phải thích nghi với môi trường mới và phải có chiến lược phù hợp.
Thuyết tiến hóa của Darwin cũng có thể áp dụng trong kinh doanh. Để tồn tại và phát triển, các công ty cần phải biết thích nghi với sự thay đổi của chính mình và của môi trường kinh doanh.
Xây dựng chiến lược: dễ hay khó?
Sở dĩ chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc hoạch định chiến lược vì phải đối mặt với một số thách thức. Chẳng hạn phải dự báo được tốc độ phát triển kinh tế trong nước, thế giới (nếu chiến lược có liên quan đến thị trường quốc tế); xu hướng của thị trường; dự đoán chiến lược của các đối thủ; phải tính chuyện mở rộng kinh doanh đến những ngành nghề mà công ty hiện chưa làm; phát triển thị trường đến những nơi mà công ty chưa bao giờ hiện diện; rồi phải tính đến khả năng thay đổi lớn trong cơ cấu công ty… Những yêu cầu này đòi hỏi người hoạch định chiến lược phải thỏa sáu điều kiện.
Nắm vững thị trường hiện tại, hiểu đối thủ cạnh tranh, sâu sát với nhu cầu của khách hàng.
Hiểu rõ về doanh nghiệp, năng lực cốt lõi, những lợi thế cũng như nhược điểm hiện tại.
Nắm vững những yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh có tác động lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Kiến thức tổng quát, tầm nhìn sâu rộng đối với những lĩnh vực, những ngành nghề có thể có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, của những thị trường tiềm năng trong tương lai.
Có tầm nhìn chiến lược và nắm vững quy trình hoạch định chiến lược.
Có kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược để có thể triển khai và hoàn thành đúng tiến độ thời gian.
Đối với ba điều kiện đầu tiên có lẽ sẽ không quá khó cho những lãnh đạo đã điều hành doanh nghiệp từ một năm trở lên. Thách thức chủ yếu nằm ở ba điều kiện sau cùng bởi một số lý do. Có thể người lãnh đạo đó chỉ có kinh nghiệm làm việc trong một công ty, phát triển sự nghiệp cá nhân theo một trục dọc nên khó có thể có kiến thức sâu rộng bên ngoài lĩnh vực quen thuộc của mình. Hoặc vì ít va chạm, tiếp xúc bên ngoài nên người lãnh đạo thiếu tự tin, không dám “mơ mộng cao xa”, tầm nhìn chiến lược do vậy cũng bị hạn chế. Rồi vì hạn chế do chưa được đào tạo bài bản, chưa bao giờ chủ trì thực hiện hoặc tham gia vào việc hoạch định chiến lược nên chưa có kỹ năng về hoạch định chiến lược.
Đối mặt với những thách thức trên, người lãnh đạo sẽ nhận thấy cần phải có sự trợ giúp của các nhà tư vấn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ngay bản thân các nhà tư vấn, nhiều chuyên gia cũng bị hạn chế đối với ba điều kiện sau cùng như lãnh đạo doanh nghiệp. Vì vậy, hãy cẩn trọng khi lựa chọn người cùng tham gia vào công tác hoạch định chiến lược của công ty.
Theo VIHAN