Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) không phải lúc nào cũng mang lại vị ngọt cho các bên. Do đó, doanh nghiệp (DN) cần lên nhiều kịch bản khác nhau để tránh bị động và đôi bên cùng có lợi.
Kết quả khảo sát của DN trong quý III/2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hoạt động sản xuất – kinh doanh tình hình kinh doanh của các DN trong quý III xấu đi nhiều so với quý II/2012 và dự báo, tình hình tiếp tục khó khăn hơn trong quý IV/2012.
Vấn đề nổi cộm hiện nay của DN là hàng tồn kho và nợ xấu. Đây là hai nguyên nhân chính làm tắc nghẽn dòng vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh của DN.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Hùng Vương cho biết, trong năm 2012, vấn đề lớn nhất của các DN trong ngành này chính là thiếu vốn để đầu tư nuôi cá, lấy nguyên liệu chế biến. Còn theo đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, giá gỗ nguyên liệu tăng cao đã khiến các DN xuất khẩu đồ gỗ điêu đứng. Trong khi đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã đang khốn khổ bởi khoản nợ 560 tỷ đồng do mất khả năng chi trả, hai nhà máy chế biến đóng cửa vì thiếu vốn, nhà máy còn lại hoạt động với hình thức gia công.
Hiện không ít DN ước được trở về thời điểm cách đây 3 – 4 năm, khi nguồn vốn huy động qua thị trường chứng khoán, ngân hàng, các quỹ đầu tư… luôn thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế chưa hề xuất hiện thì cánh cửa dẫn đến những nguồn vốn này lại đang dần khép lại. Để giải tỏa cơn khát vốn đó, nhiều DN đã chọn giải pháp huy động vốn thông qua bán cổ phần cho đối tác chiến lược.
Thực tế, khối lượng giao dịch M&A trên toàn cầu có vẻ đang chững lại khi rủi ro bắt nguồn từ khủng hoảng nợ công ở châu Âu cùng với việc nhiều nền kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang âm thầm hoặc công khai săn các “con mồi” béo bở và sẵn sàng thúc đẩy các thương vụ M&A có giá trị lớn hơn.
Các chuyên gia phân tích của Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, sự kết hợp giữa số dư tiền mặt dồi dào, niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện cùng tỷ lệ lãi suất thấp và sự chậm lại trong tăng trưởng của những nước lớn sẽ tạo nên một xu hướng gia tăng các giao dịch M&A trong thời gian tới tại những thị trường mới nổi.
Tại Việt Nam, dù không có nhiều thương vụ lớn, nhưng cũng khá sôi động giữa các DN trong và ngoài nước ở nhiều ngành, lĩnh vực.
CTCP Thủy sản Hùng Vương là một ví dụ. Trong quá trình phát triển, Công ty này đã liên tục mở rộng hoạt động thông qua việc mua lại cổ phần của các DN khác. Thông qua các những thương vụ đầu tiên như An Lạc, Thủy sản Vĩnh Long, sau đó là Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, Agifish, Faquimex Bến Tre và Thủy sản Tắc Vân, Hùng Vương đã xây dựng được chuỗi giá trị đầy đủ từ vùng nuôi cá nguyên liệu đến chế biến, kho lạnh…
Động thái trên của Hùng Vương được thực hiện từ năm 2008 đến nay, nhằm phục vụ tham vọng chiếm 25-30% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vào năm 2015.
Nếu Hùng Vương đi mua các DN cùng ngành để nâng cao vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu, thì CTCP Kinh Đô (KDC) lại tìm đến đối tác chiến lược để bán cổ phần. Mới đây, KDC đã chính thức công bố bán 14 triệu cổ phiếu (tương đương 10% cổ phần) cho Hãng Thực phẩm Ezaki Glico (Nhật Bản) và thu về khoảng 700 tỷ đồng. Mức giá bán cho Glico là 47.000 đồng/cổ phiếu, gấp 1,7 lần thị giá của KDC.
Sau khi bán 10% cổ phần KDC cho Ezaki Glico, bước đầu KDC sẽ là nhà phân phối độc quyền một số nhãn hàng như Pocky, Pretz hay Collon của thương hiệu này tại Việt Nam.
Dù đạt được thỏa thuận về giá bán cổ phiếu khá hấp dẫn, nhưng ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC cho hay, hiện KDC chưa có ý định bán thêm cổ phần của mình cho một đối tác nào khác.
Đã từng thâu tóm nhà máy kem Wall của Công ty Unilever Việt Nam, nên KDC cho rằng, chuyện bán bớt cổ phần cho một đối tác ngoại khác cũng là cách để nâng tầm DN lên quy mô quốc tế, nhưng cũng phải thận trọng vì có thể dễ bị thâu tóm.
Còn với CTCP Thực phẩm Cholimex (TP.HCM) chuyên về chế biến gia vị và thực phẩm sau khi bán 19% cổ phần cho Công ty Nichirei Foods (Nhật Bản) để tránh rủi ro đã lên kế hoạch tìm thêm nhà đầu tư khác để làm đối trọng và sẵn sàng mở cửa phát hành thêm cổ phần cho những đối tác ngoại khác.
Như vậy, việc các DN chọn phương án bán cổ phần cho đối tác trong và ngoài nước đang trở thành xu hướng khá phổ biến. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, M&A không phải lúc nào cũng lại lại vị ngọt cho các bên. Do đó, DN cần phải chuẩn bị nhiều phương án để không bị động và đôi bên cùng có lợi.
Vậy nếu bạn là CEO của một công ty và được HĐQT ủy quyền lên kế hoạch huy động vốn thông qua việc tìm đối tác để bán cổ phần và đàm phán giá bán có lợi nhất cho công ty, đưa công ty quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, bạn sẽ dự tính thế nào? Chương trình Chìa khóa thành công – CEO phiên bản 2012 phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật tuần này (9/12) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (10/12), sẽ giúp CEO tìm thấy một số giải pháp hữu ích cho vấn đề nàyn
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công – CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Thép Pomina.
Theo Vũ Anh