Làm giám đốc nhân sự, đã từng đích thân tuyển chọn, đào tạo hàng trăm cán bộ cho một công ty liên doanh, nhưng rồi, chính nữ giám đốc này lại bị “săn” ngược, bắt đầu một thử thách mới trong nghề “săn đầu người” đầy khó khăn, nhưng cũng đầy thú vị.
Người đặt nền móng
Giới doanh nhân hay các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao ít nhiều đều biết đến chị, với cái tên ngắn gọn, gắn với công ty hay công việc của chị: Vân Anh Navigos, hay Vân Anh nhân sự.
Ít người biết rằng, nữ doanh nhân thanh mảnh, nền nã này có bề dày làm việc trong lĩnh vực nhân sự đã 16 năm. Năm 1996, khi vừa tốt nghiệp đại học, cô trở thành một trong 3 người Việt Nam đầu tiên đặt nền móng nhân sự cho Nhà máy Bia Hà Tây.
Cô lao vào công việc với tất cả nhiệt huyết, lặn lội tới từng trường đại học để gặp gỡ, tuyển chọn, đào tạo được nền móng là đội ngũ hàng trăm công nhân và cán bộ kỹ thuật cho nhà máy. Sau đó, cô lại cùng bộ phận nhân sự xây dựng kế hoạch, đi “săn” những vị trí quản lý cấp trung gian và cấp cao hơn, giúp nhà máy đi vào vận hành ổn định.
Cứ thế, thời gian thấm thoắt trôi qua, từ lúc Nhà máy Bia Hà Tây còn là “hơn 30 ha ruộng trồng bắp cải”, đến năm 2003, khi chị bị … săn ngược, quyết định rời Nhà máy sang vị trí mới, thì Bia Hà Tây đã có hơn 300 cán bộ!
Quyết định rồi, nhưng khi chính thức rời phòng ra xe ô tô, chị đã khóc ròng như con trẻ ngày đầu đến trường.
“Vì đó là một môi trường làm việc tuyệt vời, cả về con người, cảnh quan, từ căn phòng làm việc hàng ngày, lối đi quen thuộc, mỗi cảnh vật, mỗi thiết kế ở đó đều rất gắn bó, gần gũi với tôi. Chia tay ngôi nhà ấy của mình, nơi mình bắt đầu từ con số không, gây dựng nhân sự nhà máy cũng từ con số không, khó ai có thể dửng dưng được”, chị nhớ lại.
Chính sự gắn bó ấy khiến không ít người phải tò mò, hẳn phải có động lực hay biến động gì ghê gớm lắm, chị mới chấp nhận chia tay công việc đang làm. Hẳn là thế, bởi ở đó, những người gạo cội như chị có đầy đủ tất cả, từ tiền bạc, vị thế, thậm chí cả quyền lực – những thứ không dễ từ bỏ để bắt đầu một hành trình mới. Nhiều người không khỏi tò mò, đoán gần đoán xa về mức lương “khủng” gấp nhiều lần nơi cũ, cả về những mâu thuẫn với đội ngũ lãnh đạo được thêu dệt…
Thực ra, công việc lúc ấy ở Bia Hà Tây đã không còn – hoặc chính xác hơn là đã giảm những thách thức, vòng quay “sáng lên xe buýt đi xuống nhà máy, chiều về lại Hà Nội” cũng dần nhàm chán. Trong thời gian ấy, có dịp làm việc với Ernst & Young Việt Nam Advisory Services Unit để tuyển người, chị cảm thấy thích thú với suy nghĩ, nếu được chia sẻ, truyền tải những kinh nghiệm về tuyển dụng nhân sự tích lũy 7 năm qua cho các doanh nghiệp có nhu cầu thì thì sẽ vô cùng hữu ích.
Nhưng đây cũng chính là ngã rẽ quan trọng của chị, khi chỉ 2 năm sau, khi Ernst & Young không có ý định hoạt động về nhân sự nữa, Navigos đã mua lại Ernst & Young Việt Nam Advisory Services Unit. Một lần nữa, chị trở thành một trong những người đặt nền móng cho lĩnh vực nhân sự tại Việt Nam, với thương hiệu Navigos Search.
Từng… không yêu nghề
Đến giờ, với bao kỷ niệm vui, buồn, chính chị cũng không nhớ được số lượng nhân sự mà chị tham gia tìm kiếm cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng với chị, quan trọng hơn là những trải nghiệm về nhân sự mà chị có thể chia sẻ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Chị bảo, có giám đốc một doanh nghiệp Việt Nam từng khoe khéo rằng, vừa “táo bạo”, “đột phá” khi… dám bỏ ra số tiền lớn để chiêu mộ một nhân sự. Thực ra, đó là cách làm ngẫu hứng, không có chiến lược tổng thể, bởi không thể cứ thích là tuyển về, trả lương cao ngất, mà không chú ý đúng mức tới hệ thống, tới quyền lợi những người đã dày công đào tạo, thậm chí cả cảm xúc của họ.
Một điểm nữa doanh nghiệp Việt Nam hay “mắc”, đó là tuyển dụng theo mối quen biết, do bị ảo ảnh bởi những thành tích đẹp, những chức danh sẵn có của nhân sự. Thế nên, khi không được như kỳ vọng, cả doanh nghiệp và nhân sự đều rơi vào thế khó xử, chưa nói đến những phản ứng thiếu tích cực từ chính các đồng nghiệp.
Vì thế, có nhiều doanh nghiệp đã nhắm ứng viên cho các vị trí rồi, vẫn chấp nhận thông qua Navigos như một bên thứ ba, độc lập, khách quan để thẩm định các thông tin về nhân sự.
“Chúng tôi thường không hỏi về tương lai, bởi tương lai thì ai cũng có thể vẽ ra. Đào sâu những việc ứng viên đã làm, những thành công, thất bại, trải nghiệm và kiểm tra các thông tin ấy một cách xác thực nhất, đó là điều các doanh nghiệp cần ở Navigos”, chị chia sẻ.
Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tin tưởng và thay đổi quen tuyển dụng nhân sự. Họ hiểu được giá trị Công ty mang lại cho họ không đơn thuần là một bộ lý lịch trích ngang của nhân sự.
Dưới con mắt nhiều người, nghề nhân sự có vẻ hấp dẫn, vì mức thu phí khá cao (có trường hợp, một “đầu người” có giá lên tới 68.000 USD!), công việc lại nhàn hạ, sang trọng, vì chỉ ngồi văn phòng hay bay Bắc – Nam, đi nước ngoài như cơm bữa. Nhưng chị chia sẻ thực lòng rằng, nghề này không vất vả chân tay, mà rất vất vả trí óc, nhất là khi “săn” những vị trí cao, hay CEO nước ngoài, khác biệt về văn hóa, mức sống.
Để kết nối được một nhân sự nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam, chị phải chăm lo đủ thứ, từ nhà nên ở đâu? trường học cho các con, việc làm phù hợp cho vợ – hay chồng, điều kiện đi lại, sinh hoạt… Nhưng khó hơn là truyền đạt cho được phông văn hóa, cách cư xử, để nhân sự nước ngoài có tâm thế đúng nhất, phù hợp nhất khi bắt tay vào công việc.
Khi nhân sự vào việc rồi, chị vẫn như “bà biết tuốt”, nhân sự nước ngoài gặp chuyện gì cũng bốc máy hỏi, “cái này như thế nào”. Nói không quá rằng, để thu xếp được cho một nhân sự nước ngoài làm việc hiệu quả ở Việt Nam, chị phải nghĩ về cuộc sống của họ và gia đình họ hơn cả họ nghĩ. Thế nên, có người nói vui rằng, nếu cùng lúc phải thu xếp cho 10 nhân sự, thì chị đang phải sống cuộc sống của 10 người khác nhau.
Chính vì thế, những người gặp chị luôn tò mò, vì sao người phụ nữ mảnh mai, nhỏ nhẹ này lại có thể đủ năng lượng sống để làm tốt công việc vất vả ấy? Chị thừa nhận, công việc ở Bia Hà Tây như là mối tình đầu, rất khó để quên. Đến khi khởi động công việc ở Ernst & Young, có đến 2, 3 tháng đầu, chị hay tự hỏi, liệu mình có thích công việc này không?
“Nhưng rồi, công việc đã cuốn tôi vào. Được gặp hàng trăm, hàng nghìn ứng viên, mỗi người là một bức tranh có sắc thái riêng, tôi học được ở mỗi người một chút, lại được chia sẻ kinh nghiệm của mình với họ. Cuộc sống của tôi như một bức tranh mở, tôi đam mê công việc này từ đó”, chị trải lòng.
Đối thoại với Nguyễn Thị Vân Anh:
Có khi nào chị thấy thất vọng, bất lực trước các yêu cầu tuyển dụng của khách hàng?
Đó là khi thấy yêu cầu khách hàng không hợp lý lắm, nhưng vẫn phải làm, vì khách hàng là người đưa ra quyết định. Cũng có khi thất vọng vì thấy yêu cầu của khách hàng là rất chính đáng, nhưng không tìm được người phù hợp để đáp ứng.
Vì Navigos không đủ khả năng tìm được nhân sự đó?
Không, là do chưa có người phù hợp, chứ nếu có, chắc chắn Navigos sẽ tìm thấy! (cười).
Chị đánh giá thế nào về xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài dùng CEO Việt Nam?
Thực ra, các CEO Việt Nam làm cho doanh nghiệp nước ngoài đa số đã tôi luyện, làm việc ở môi trường quản trị hiện đại, kỷ luật của chính doanh nghiệp đó rồi, nên dễ kết nối với công việc hơn.
Còn việc doanh nghiệp Việt Nam dùng CEO nước ngoài thì sao?
Đây là xu hướng đang trở lại. Doanh nghiệp Việt Nam chọn CEO nước ngoài phục vụ những mục đích cụ thể, như khai thác thị trường nước ngoài nào đó. Tuy nhiên, do những khác biệt về văn hóa, tâm lý, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công.
Lời khuyên nào cho các doanh nghiệp khi muốn tuyển dụng CEO là người nước ngoài, thưa chị?
Đừng bao giờ nghĩ rằng, một nhân sự nước ngoài sẽ giải quyết hết mọi vấn đề. Họ sẽ phù hợp với những mục tiêu cụ thể, trong những giai đoạn cụ thể của doanh nghiệp. Kỳ vọng đúng sẽ đạt mục tiêu.
Kinh nghiệm của Navigos khi kết nối một CEO nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Doanh nghiệp cần đặt ra những mục tiêu cụ thể, yêu cầu cụ thể cho nhân sự đi kèm mức thù lao. Hãy để nhân sự hiểu rõ rằng, ông chủ doanh nghiệp muốn gì ở họ, mức độ bao nhiêu, nếu vượt hay không đạt thì mức thù lao sẽ tăng hay giảm bao nhiêu?
Vậy về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng yếu tố nào trong vấn đề nhân sự?
CEO nước ngoài không thể là bài toán lâu dài của doanh nghiệp. Sau thời gian sử dụng CEO nước ngoài phục vụ các mục đích cụ thể, doanh nghiệp phải có nhân sự trong nước thay thế. Muốn vậy, không gì khác là phải có chiến lược đào tạo bài bản, thử thách bằng công việc thực tiễn.
Vậy đâu là điểm mấu chốt nhất khi đánh giá một nhân sự?
Là tư duy. Kiến thức thiếu có thể học. Kinh nghiệm thiếu có thể tích lũy. Nhưng tư duy là nền tảng, không như một thiết bị để có thể lắp đặt mới hay dễ dàng thay đổi. Người Việt cũng có câu, “non sông dễ đổi, bản tính khó dời” mà. Tư duy phải là yêu cầu số một.
Chị tư vấn nhân sự cho đối tác khá thành công, còn “nhân sự” trong gia đình thì sao?
Nhà tôi toàn người lớn! (Cười). Con gái 12 tuổi của tôi được rèn tính tự lập từ sớm, cháu có thể tự lo sinh hoạt, học tập, để mẹ có thể yên tâm đi khắp đó đây … “săn đầu người”. Chồng tôi là người rất ủng hộ và chia sẻ với tôi.
Theo Bá Thư