Tiếp nhận vị trí lãnh đạo một công ty khi thời hoàng kim vừa trôi qua thực sự là thách thức lớn với bà Bùi Phương Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) trong hành trình tìm lại vị trí.
Tiếng vọng hoàng kim
Cuộc hẹn với chúng tôi diễn ra ngay tại văn phòng cạnh nhà máy đang dồn dập cho mùa sản xuất cuối năm. Bà không muốn chia sẻ nhiều về mình, nhưng lại lộ rõ những trăn trở về con đường trở lại ngôi vương của thương hiệu Vifon một thời.
Trong năm tới, vị Tổng giám đốc của Vifon đã đặt kế hoạch nâng công suất lên 30% so với năm 2012. Một nhà máy mới tại Long An đang xây dựng và một nhà máy khác tại phía Bắc cũng đã có trong kế hoạch mở rộng hoạt động của Vifon. Thị trường xuất khẩu đang được tính toán nâng từ con số 50 lên 60 trong năm 2013. Cùng với đó, mạng lưới phân phối trong nước cũng sẽ tăng từ 100 lên thêm 50 – 100 nhà phân phối mới, đẩy mạnh bán hàng qua kênh Horeca (chợ, khách sạn, nhà hàng) và MT (siêu thị)… Mọi nỗ lực đều hướng tới mục tiêu vực dậy vị trí số 1 của Vifon trong lĩnh vực thực phẩm chế biến sẵn của hơn hai chục năm trước.
Cũng rất khó chia sẻ với tâm sự của bà, khi mà Vifon đã có một thời hoàng kim với các thương hiệu dẫn đầu thị trường trong 50 năm phát triển. Nhiều người hẳn vẫn nằm lòng hương vị đậm đà của Miliket hai chục năm trước. Thậm chí, hiện tại, lớp người trung niên vẫn giữ thói quen gọi mì ăn liền là Miliket, như người ta vẫn gọi xe máy là Honda…
Nhưng đó là vầng hào quang còn sót lại của Vifon. Khoảng những năm cuối của thế kỷ trước, vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu nhòm ngó tới lĩnh vực thực phẩm chế biến đầy tiềm năng. Thương hiệu nhà nước vốn chưa quen với sóng gió thị trường bắt đầu lao đao, rớt dần xuống vị trí thứ 5, rồi thứ 6 trong lĩnh vực mình từng thống trị.
“Đỉnh điểm của thời kỳ khó khăn là giai đoạn 2002-2003. Sản phẩm không bán được. Công nhân thiếu việc, phải nghỉ luân phiên. Những người gắn bó lâu năm cũng không chịu nổi sức ép cơm áo, phải rời bỏ Công ty”, bà Mai kể lại giai đoạn thoái trào của một thương hiệu tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới.
Vào giai đoạn đất nước đang trong thời kỳ chuyển đổi, những cái mới và cũ đan xen, cũng đã xuất hiện lo ngại về sự biến mất hoàn toàn của Vifon, khi nhân sự của Công ty đã giảm từ 2.100 người xuống còn 1.900 và có xu hướng chưa dừng lại.
Bài toán dụng nhân
Điều bà Mai xót xa nhất trong thời điểm khủng hoảng của Vifon là sự ra đi của những con người đã từng gắn bó cả cuộc đời với nhà máy. “Là người làm ra các sản phẩm ăn liền chế biến từ gạo, để rồi chứng kiến cảnh những người lao động phải rời Công ty đi kiếm sống, tôi muốn Vifon phải đem lại no ấm trước hết cho người lao động. Đây là động lực quan trọng nhất níu giữ các kế hoạch trở lại của tôi với Vifon”, bà Mai tâm sự.
Sự trở lại của Vifon phải mất thêm vài năm, vào khoảng năm 2010, với sự trở lại đầy năng lượng của một dòng họ sản phẩm phong phú ăn liền gốc mì và gốc gạo cùng tên Vifon. Nhưng trước đó, cuối năm 2003, công cuộc cổ phần hoá Vifon đã tạo nên một bước chuyển mới cho một thương hiệu. Một đội ngũ lãnh đạo mới, quyết đoán, chuyên nghiệp trong đổi mới sản phẩm. Toàn bộ cơ cấu nhân sự được thay đổi theo hướng đúng người, đúng việc, trên nguyên tắc giữ vững văn hoá công ty – phát triển các sản phẩm từ gạo, chăm lo cho đời sống công nhân, vì cộng đồng, đã chung tay vào kế hoạch tìm lại đường đến hào quang của những người đi trước.
Kết quả rõ ràng nhất là, mặc dù nhân sự giảm khoảng 20% nhưng chi phí sản xuất lại tiết kiệm được hơn 20%, năng suất lao động tăng cao. Một công nhân trước kia chỉ đóng được 50 thùng nay có thể đóng 60 thùng, từ chỗ mỗi người quản lý 2 máy, bây giờ quản lý được 3 máy.
“Đến năm 2010, Vifon có sự đột phá mạnh mẽ, thay đổi rất lớn về nhân sư. Bộ phận kinh doanh, xuất khẩu, marketing gần như thay đổi hoàn toàn. Nhân lực của Vifon đã trở lại con số 2.000 người, do một số khâu sản xuất đã tăng cường sử dụng máy móc thiết bị”, bà Mai chia sẻ và rạng rỡ hơn khi nói về tốc độ tăng của quỹ lương từ hơn 5 tỷ đồng trước đây lên 8 tỷ đồng như hiện nay.
Chặng đường trở lại đỉnh cao
Trong tâm sự của người điều hành Vifon về những bước thăng trầm của một thương hiệu lớn, tôi hiểu được phần nào nỗi niềm đau đáu khi những sản phẩm gần gũi với người Việt Nam, với truyền thống văn hoá ẩm thực của người Việt lại bị chính người Việt quay lưng.
Dường như thế mạnh sân nhà lại trở thành thách thức lớn nhất, khi hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm xuất hiện dồn dập, hào nhoáng. “Nhìn lại, chúng tôi thừa nhận, một trong những lý do khiến Vifon bị lép vế là chưa coi trọng việc thường xuyên cải tiến công nghệ. Trong bối cảnh số lượng đối thủ cạnh tranh ngày càng tăng, càng mạnh, sự lơ là với công nghệ sẽ là cột đá buộc chặt các kế hoạch phát triển của Vifon”, bà nói.
Hiện tại, bà xác định rõ, nắm bắt thị hiếu khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm là hai mấu chốt của Vifon trong lúc này. Bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) đã được phát triển với 16 nhân viên, hàng năm đưa ra khoảng 150 đề xuất nghiên cứu sản phẩm mới cho thị trường xuất khẩu và nội địa. “Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phải thương mại hoá được 5-8 sản phẩm mới mỗi năm”, bà nói và cho biết, đi cùng với đó, 3 trụ cột đổi mới là cải tiến công nghệ, quảng bá hình ảnh và phát triển mạng lưới phân phối cũng được xác định.
Sau hai năm bừng tỉnh, Vifon đã trở thành người tiên phong trên thị trường Việt Nam về thực phẩm không sử dụng phẩm màu tổng hợp. Phương pháp sấy phun để đảm bảo giữ được hàm lượng dinh dưỡng của nguyên liệu tự nhiên cũng được áp dụng. Vifon đã phối hợp với ACNielsen tổ chức nghiên cứu thị trường về xu hướng sử dụng sản phẩm tại 6 thành phố lớn của Việt Nam để hiểu rõ khách hàng của mình đang chuyển đổi thế nào…
“Kinh nghiệm thất bại cho chúng tôi hiểu rằng, nắm bắt xu thế tiêu dùng là điều quan trọng. Hiện tại, hàng loạt sản phẩm phở, cháo, mì ăn liền với hương vị đa dạng, đáp ứng các tiêu chí về thời gian và dinh dưỡng cho người sử dụng mà vẫn rất gần gũi với người Việt Nam về nguyên liệu và hương vị. Đó là cách chúng tôi tìm lại với người tiêu dùng của mình”, bà Mai cho biết về tỷ lệ 50% thị phần sản phẩm ăn liền có gốc từ gạo mà Vifon đang chiếm lại.
Khác với những “tay chơi” đến sau như Masan, Asia Foods hay Micoem, Vifon có lợi thế đặc biệt là lịch sử hào quang và vị thế riêng. Hơn thế, Vifon vẫn đang ở ngôi vị số 1 về thị trường xuất khẩu. Trong năm 2011, Vifon đạt doanh số 1.300 tỷ đồng với hơn 40% đóng góp từ xuất khẩu. Khả năng năm 2012, tỷ lệ này vẫn được duy trì, cho dù mức doanh thu mục tiêu 2.000 tỷ đồng đang phải được điều chỉnh giảm…
Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, đây vẫn là giai đoạn khởi đầu của sự trở lại. Vifon có thể giành được những vị trí tốt hơn, với điểm khác biệt rất đáng giá là, thương hiệu duy nhất có thể mạnh về các sản phẩm ăn liền có lợi cho sức khỏe (sản phẩm có gốc từ gạo). Trên thực tế, Vifon vẫn chưa “đóng đinh” được từ khóa “gốc gạo” này trong tâm trí của khách hàng. “Đây chính là công việc của chúng tôi trong năm 2013. Hy vọng khi gặp lại các nhà báo, câu chuyện chúng tôi sẽ sinh động hơn” bà chia sẻ.
Theo Bửu Hà – Hải Long