Đạo kinh doanh của người Việt

Đạo kinh doanh là những nguyên tắc chuẩn mực trong kinh doanh mà các doanh nhân phải tuân thủ. Những nguyên tắc, chuẩn mực này được soi sáng bởi đạo lý và văn hóa kinh doanh. Kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nhân có nên tối đa hóa lợi nhuận bằng bất cứ giá nào không?

Người Việt có đạo kinh doanh không?
Nói có thật không dễ, nhưng nói không thật không phải. Chúng ta ít nhiều ai cũng biết, ngày xưa cha ông ta thường có tâm lý ‘trọng nông, ức thương”. Nghề trồng lúa được trọng, nghề bán gạo bị dè bỉu.
Trong tâm niệm của người xưa, buôn bán thường gắn liền với chuyện lừa gạt, ít nhất là chuyện mua rẻ, bán đắt. Vì vậy, nghề này thường bị coi khinh, thậm chí bị ghét bỏ.
Khi chủ nghĩa tư bản trọng thương đến Việt Nam thì lại xuất hiện với tàu chiến và đại bác. Việc thúc đẩy thương mại và mở rộng thị trường bằng bạo lực đã bị người Việt vùng lên chống trả. Trong bối cảnh này, buôn bán quả thực không phải là thứ chiếm được cảm tình và sự tán thưởng của người Việt. Mặc dù vậy, do việc giao lưu với thế giới phương Tây được tăng cường, một số người trong giới tinh hoa của dân tộc đã bắt đầu thấu hiểu về tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh. Họ đã nhận ra rằng, thiếu kinh doanh không thể tiến tới thịnh vượng và hùng cường. Lương Văn Can là một trong những người như vậy.
Tuy nhiên, ở đời “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp được áp đặt từ sau cách mạng một lần nữa lại đẩy nghề kinh doanh vào tình thế khó khăn. Trong thời kỳ này, bên cạnh tâm lý coi khinh những biện pháp hạn chế và trừng phạt đã được áp đặt để chống lại hoạt động kinh doanh tự do.
Trên thực tế, quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam chỉ mới được ghi nhận lại trong Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, từ việc được ghi nhận trong Hiến pháp tới việc được bảo đảm trong cuộc sống là một chặng đường dài. Chặng đường đó chúng ta đã đi được khá xa, nhưng có lẽ vẫn là đi chưa tới.
Trong một bối cảnh như vậy, tinh hoa kinh doanh của người Việt thật sự khó có đủ thời gian để tích tụ lại thành đạo kinh doanh.
Tuy nhiên, người Việt rất khinh ghét sự vô đạo. Chính vì vậy, đối với người Việt chúng ta, làm gì cũng phải có đạo. Và kinh doanh cũng không thể là một ngoại lệ. mà như vậy, thì chắc chắn là người Việt phải có đạo kinh doanh. Vấn đề là đạo này chắc chắn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Chúng ta có thể đàm, luận không chỉ về những đặc điểm đang có trong đạo kinh doanh của người Việt, mà còn cần về những đặc điểm mà đạo kinh doanh này cần phải có.

Nét đặc trưng trong đạo kinh doanh của người Việt
Nét đặc trưng dễ thấy nhất là điều này đang trong quá trình hình thành và phát triển. Có hai yếu tố ảnh hưởng. Một là, truyền thống kinh doanh từ ngàn xưa. Hai là, ảnh hưởng của những thành tựu của nền kinh doanh hiện đại và toàn cầu hóa.
Như vậy, đạo kinh doanh của người Việt đang hình thành từ sự phục hồi các truyền thống kinh doanh và sự tiếp nhận các chuẩn mực kinh doanh hiện đại. Các phẩm chất truyền thống như trung thực (tiền nào, của ấy), tín nghĩa, sẻ chia… đang kết hợp với công nghệ tiếp thị, công nghệ quản trị khách hàng, kỹ năng xây dựng thương hiệu… để dần hình thành nên và khẳng định đạo kinh doanh của người Việt.
Xét về mặt mục đích kinh doanh, có lẽ, theo đuổi lợi nhuận trên cơ sở tạo ra những khách hàng hài lòng là nội dung cốt lõi. Tuy nhiên, từ một đất nước nghèo nàn và tụt hậu, làm giàu để chấn hưng đất nước cũng cần được coi là một phần của sứ mệnh kinh doanh.
Ngoài ra, đưa bản sắc văn hóa để tạo ra đặc trưng riêng có của đạo kinh doanh cũng rất quan trọng. Phải chăng đưa sự tinh tế và khiếu thẩm mỹ vào các sản phẩm và dịch vụ là một đặc tính cần được phát triển và khẳng định trong đạo kinh doanh của người Việt?

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng