Tự tin – yếu tố không bao giờ là thừa nếu muốn thành công

Người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó. Thanh niên, sinh viên Việt Nam có kiến thức, ham học hỏi và giàu khát vọng vươn lên… Nhưng sức bật của mỗi cá nhân vì sao vẫn còn quá khiêm tốn?

Một số giáo sư, chuyên gia nước ngoài nhận xét: Sinh viên Việt Nam có nhiều thế mạnh, nhưng họ vẫn chưa tỏ ra tự tin.
Khi đất nước bước vào hội nhập, xã hội phát triển luôn đòi hỏi những cá nhân năng động mà tự tin là yếu tố không thể thiếu ở họ. Khiêm tốn là một đức tính tốt nhưng thiếu tự tin lại thường dẫn đến thất bại.
Mất việc vì nhút nhát
Hà Việt là một cô gái có nhiều ưu thế. Cô cao ráo, xinh xắn và thông minh. Tốt nghiệp Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV với tấm bằng loại khá, cứ nghĩ rằng cô sẽ dễ dàng có việc làm phù hợp. Nhưng không, đến với nhiều công ty, chưa qua tháng thứ 3 thử việc người ta đã nói lời từ chối…
Theo lời bạn bè cô, không phải cô thiếu năng lực, cái cô thiếu là… quá e dè khi tiếp xúc. Ông Đức, giám đốc công ty V.N, người tuyển cô vào vị trí thư ký, cho biết: “Về học vấn, tôi không chê gì cả; ngoại hình cô cũng rất khá. Nhưng là thư ký, đại diện cho cả một công ty không thể cái gì cũng ngại. Tiếp xúc với đối tác mà không dám ngẩng đầu lên để đối thoại thì còn làm được gì…”.
Ngại, sợ… là tâm lý chung của những người nhút nhát và nguyên nhân sâu xa của nó vẫn là mặc cảm “mình không bằng người ta”. Đặng Thiều Hoa, một người từng hỏng việc vì kém tự tin, giãi bày: “Đứng trước những người lớn hơn, tôi thấy mình nhỏ bé, đối với đồng nghiệp đi trước tôi sợ non nớt kinh nghiệm… Lúc nào tôi cũng có cảm giác mọi người đang nhìn mình. Tôi luôn sợ sai sót và kết quả là không đủ bình tĩnh để xử lý công việc”.
Mỗi người đều có giá trị riêng
Hiện nay, nhiều trung tâm văn hóa có mở các lớp, câu lạc bộ với những nội dung sinh hoạt thiết thực, khắc phục dần mặc cảm thiếu tự tin trong một bộ phận thanh niên, sinh viên, nhà doanh nghiệp…
Tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TPHCM) có lớp “Học nói trước công chúng”, “học cách giao tiếp”, hay các câu lạc bộ ngoại ngữ. Bạn Trần Quang Hào, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, người đã khắc phục được tính tự ti, tâm sự: “Tôi từng run khi phải đối mặt với ai đó, lại luôn so sánh với những người khác. So sánh mà không cố vượt lên, thành ra yếm thế, thu mình lại, rồi chẳng còn chút tự tin nào nữa”.
Hào đã khắc phục nhược điểm từ những điều nhỏ nhặt, làm những việc bình thường và tìm thấy giá trị ngay trong từng việc làm đó; anh cũng tìm đến một số câu lạc bộ, chỗ đông người để học nói chuyện với mọi người. “Giờ thì tôi không còn ngần ngại khi gặp người lạ. Tôi đánh giá được những gì mình có thể làm và sẵn sàng bắt đầu một điều gì đó”, Hào cười đầy tự tin.
Có rất nhiều cách để khắc phục tính nhút nhát, tự ti, yếm thế. Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Minh Thủy nói: “Trước tiên, người mang mặc cảm cần đối mặt với chính sự nhút nhát của mình. Cần hiểu rằng mỗi người đều có một giá trị riêng, nếu nó không quan trọng đối với tất cả xã hội, thì ít ra cũng cần thiết với một người, một vấn đề gì đó. Và bạn cũng nên nhớ rằng không ai hoàn hảo cả, vì thế hãy biết quý trọng và làm giàu những gì mình có”.

Theo Người Lao Động