Đôi khi, bạn không tìm được việc không phải vì bạn thiếu năng lực hay kém may mắn, mà có thể vì bạn chưa có những phẩm chất sau đây.
1. Sẵn sàng học hỏi
Chẳng có người xin việc nào dám khẳng định là mình hoàn thiện mọi mặt trong công việc sắp tới. Hãy luôn nhớ điều đó và sẵn sàng lắng nghe, học hỏi. Bạn sẽ được đánh giá là người cầu thị trong công việc cũng như trong cuộc sống. Và do đó, cơ hội sẽ đến với bạn nhiều hơn.
2. Nhiệt huyết
Hãy kể với nhà tuyển dụng về những thành tích trước đây của mình để minh hoạ việc bạn đã vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc. Chẳng hạn: Bạn vừa vào cơ quan được vài tháng, Giám đốc điều hành trực tiếp của bạn phải đi công tác nước ngoài đột xuất (hoặc bị ốm nặng), bạn đã không quản ngại khó khăn (làm thêm ngoài giờ, gặp gỡ và thương lượng với đối tác, tìm tòi phương pháp tiếp cận đối tác mới… ). Kết quả là việc Giám đốc của bạn nghỉ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động cũng như doanh thu của công ty.
3.Trung thực
Hãy đảm bảo rằng bạn không nghĩ xấu về người chủ trước đây hay hiện nay của bạn. Điều này làm cho bạn được tôn trọng và kính nể ngay cả khi bạn chưa được nhận là nhân viên của Công ty mới.
4. Kỹ năng giao tiếp
Chẳng có một công thức giao tiếp nào áp dụng được cho tất cả mọi người cả. Bạn hãy “tuỳ cơ ứng biến” để làm sao nhà tuyển dụng “tâm phục khẩu phục” và chứng minh cho họ thấy rằng bạn là người lý tưởng trong giao tiếp, thành công trong công việc.
5. Khả năng hoà hợp với người khác
Chẳng hạn, bạn được hẹn đến phòng Nhân sự của Công ty để phỏng vấn. Hôm đó, nhân viên trực phòng đột xuất không đến được. Bạn và một số ứng viên khác được người phỏng vấn mời ngồi tạm trong phòng lễ tân để thực hiện ngay cuộc phỏng vấn. Bạn hãy sẵn sàng chọn một chỗ ngồi như mọi người và thoải mái tham gia phỏng vấn. Đừng tỏ ra là người kiêu ngạo và khó hòa hợp.
6. Một thái độ tích cực
Đừng phàn nàn về công việc hay người chủ cũ ngay cả khi bạn được đề nghị làm việc này. Bạn càng nói tốt về công việc trước đây bao nhiêu thì bạn càng được đánh giá tốt bấy nhiêu.
7. Uy tín cá nhân
Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biết là bạn đã từng được đánh giá cao ở công ty cũ bằng việc kể ngắn gọn những phần thưởng hay sự đề bạt mà người chủ cũ dành cho bạn. Điều đó sẽ làm tăng giá trị của bạn đấy.
8. Tự tin, bình tĩnh, điềm đạm
Đây là tố chất luôn luôn cần, từ những buổi phỏng vấn đầu tiên cho đến khi bạn được nhận vào làm việc tại công ty. Nó giúp bạn giải quyết được mọi vấn đề một cách ổn thoả nhất. Và tất nhiên, công việc của bạn sẽ được hoàn thành một cách hữu hiệu.
Theo Dantri