Làm cho gánh nặng công việc trở nên nhẹ nhàng hơn

Đã lâu rồi bạn không được tăng lương. Một đôi lần, sếp “bóng gió” rằng: nhìn bạn làm việc quá chật vật! Thì bởi vì công việc vất vả thật chứ sao. Nhưng sao đồng nghiệp cũng làm việc như bạn mà lại có vẻ nhẹ nhàng, gọn gẽ? Tại sao bạn làm việc tốn công sức mà vẫn không hiệu quả?

Công việc ở một văn phòng trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, người quản lý không đơn thuần yêu cầu nhân viên là một con ong chăm chỉ, biết tuân lệnh và thực thi răm rắp mọi công việc được giao. Các sếp luôn muốn tìm thấy ở những nhân viên của mình một khả năng tư duy độc lập, với những phát kiến táo bạo và không bị khối lượng công việc khổng lồ làm cho… kiệt sức.
Thực tế là trong mỗi con người đều ẩn chứa những khả năng sáng tạo mà nhiều khi chính bản thân bạn lại không biết. Nếu làm việc có phương pháp, công việc của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, và tất nhiên sẽ hiệu quả hơn nữa.
Tin tưởng vào khả năng của chính mình
Nếu thiếu niềm tin bạn có thể làm được gì? Đã có câu danh ngôn rằng: “Tự tin là một nửa của thành công”. Không gì tệ hại hơn việc bạn chưa làm mà đã nghĩ tới thất bại. Bạn hãy vạch ra giấy ưu, nhược điểm, sở trường, kỹ năng,… Nếu được giao một nhiệm vụ nằm ngoài khả năng, hãy mạnh dạn trình bày với sếp để có điều chỉnh nhân sự phù hợp hơn. Còn hơn là bạn hậm hực nhận công việc đó rồi phàn nàn: “Làm sao mà mình làm được”.
Các ông chủ luôn khuyến khích những nhân viên thẳng thắn và có những phát kiến tốt. Nhưng đôi khi, sáng tạo của bạn không hiệu quả, hoặc đồng nghiệp xấu tính dèm pha dè bỉu bạn, đừng vì thế mà mất bình tĩnh hay nhụt chí.
Thay đổi hiện trạng
Điều này không có nghĩa là bạn lao vào nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Hãy tìm cái mới ngay trong những gì đang tồn tại. Chẳng hạn như thay đổi phương thức giải quyết công việc, thay đổi nếp nghĩ, thay đổi trình tự làm việc… Chính sự thay đổi sẽ tạo cơ hội cho sáng tạo xuất hiện.
Ví dụ như bạn phải viết một bản báo cáo, hãy suy nghĩ xem bạn có thể đặt vấn đề bằng cách khác mọi người hay không, từ đó, biết đâu một hướng giải quyết mới sẽ ra đời và được đón nhận. Chỉ cần bạn dám thay đổi, công việc có thể sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đặt mình vào một lĩnh vực mới
Nếu bạn muốn thăng tiến thì hãy coi đây là một thử thách. Đôi lúc, bạn cũng nên tự đặt mình vào vị trí khác. Bạn có thể tham gia câu lạc bộ các nhà quản lý, những diễn đàn công việc hay những cuộc thi hùng biện… Bạn cũng có thể tham gia học khiêu vũ, học đánh cờ tướng,… Tất cả những điều này có vẻ như vô bổ, nhưng ai mà biết được trong tương lai, những điệu nhảy cổ điển hay những thế cờ lại có thể giúp đỡ cho công việc của bạn, cho bạn một vài gợi ý tuyệt vời. Hay ít ra, bạn cũng có cơ hội được làm quen với một vài nhân vật quan trọng. Ngay trong cơ quan, bạn cũng nên hăng hái tham gia những công việc đòi hỏi sự sáng tạo như làm các đề tài khoa học, các hội thi phát minh, sáng chế hay thuyết trình…
Hình thành nhóm nghiên cứu chung
Làm việc với một người khác, hoặc tốt hơn là với từ 3 đến 5 người, bạn sẽ có cơ hội được nghe nhiều ý kiến khác nhau. Cùng một vấn đề, nhưng mỗi người luôn có những quan điểm và cách nhìn riêng, nếu bạn được biết những quan điểm đó thì khả năng sáng tạo của bạn sẽ được phát huy rất nhiều.
Những thành viên trong nhóm có thể là đồng nghiệp, hoặc nhóm bạn thân của bạn. Mục tiêu là hợp tác để giải quyết một vấn đề chung. Để kích thích tư duy độc lập, mỗi thành viên trong nhóm tự lên phương án giải quyết riêng, sau đó sẽ đưa ra để tranh luận.
Hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm
Những chỉ dẫn của người đi trước nhiều khi là chìa khóa mở cánh cửa sáng tạo. Khi gặp vấn đề khó không thể giải quyết, hãy tham vấn những người đi trước để có sự lưạ chọn đúng đắn nhất. Như thế bạn sẽ trở nên mạnh dạn và quyết đoán hơn trong giải quyết công việc.
Luôn tự kiểm tra công việc của mình
Bạn có thể tự đặt cho mình một loạt câu hỏi xung quanh những công việc đã hoàn thành, về kế hoạch công việc sắp tới… Liệu bạn còn cách giải quyết nào tốn ít thời gian và công sức hơn cách bạn đã chọn không? Công việc sắp tới liệu có thể thay đổi được không? Nếu đột xuất có rủi ro xảy ra thì bạn đã có phương án khắc phục chưa? Việc làm này sẽ giúp bạn nhìn nhận mọi khía cạnh của công việc được sáng suốt và chủ động hơn.
Hiện thực hoá những ý tưởng
Không phải là tất cả, nhưng trong những điều kiện thuận lợi, bạn nên biến suy nghĩ thành hành động. Bằng cách đó bạn sẽ chứng minh được tính thực tiễn trong sáng tạo của mình và sự tin tưởng của sếp đối với bạn cũng tăng lên. Điều này thực sự quan trọng, vì nếu bạn sáng tạo mà không ai biết hoặc không được sếp tin tưởng cho áp dụng vào công việc, thì sự sáng tạo đó là vô ích, phải không?

Theo Vneconomy