Tạm biệt những thói xấu chốn công sở

Đã là thói quen xấu thì khó bỏ và thường gây phiền hà không chỉ cho mình mà cho cả người khác. Tệ hơn, thói quen xấu nơi công sở có khi còn ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. Vậy làm sao để nói lời tạm biệt với chúng?

1. “Buôn dưa lê” 
Công việc ở công ty chưa đủ bận hay sao mà bạn còn có thời gian “buôn dưa” thế? Hãy luôn nhắc mình câu nói “không phải việc của mình” nhé. Cứ thử hình dung chuyện riêng tư của bạn cũng bị đồng nghiệp mang ra làm đề tài bình luận, khi đó bạn sẽ thấy thông cảm hơn cho những “khổ chủ”.
Giải pháp: Hãy chuyên tâm hơn cho công việc. Coi công việc và sự phấn đấu là niềm vui của mình, khi đó, bạn sẽ không còn coi những buổi vô bổ cùng đồng nghiệp là “món” không thể thiếu nữa.
2. Cẩu thả 
Một buổi họp không được chuẩn bị từ trước, một bản báo cáo không được viết nháp, thống kê thiếu khoa học và luộm thuộm, đầy lỗi chính tả,… Tất cả điều đó khiến sếp và đồng nghiệp nghĩ rằng thà bạn đừng làm còn hơn. Chắc chắn lần sau, sếp sẽ không giao viêc cho bạn nữa.
Giải pháp: Hãy tạo thói quen tự chuẩn bị ít nhất 15 phút trước mỗi buổi họp. Học cách soát lại mọi sản phẩm trước khi giao nó cho người khác. Kiểm soát mọi giấy tờ của mình để đảm bảo chắc chắn rằng nó không mắc những lỗi “lãng xẹt”.
3. Một anh chàng “ba phải” 
“Gió chiều nào theo chiều ấy” chính là đặc điểm dễ thấy ở bạn. Một nhân viên luôn xuôi theo ý kiến của sếp, trong buổi họp, ai nói gì bạn cũng gật gù, bạn không thể đưa cho sếp một sáng kiến nào bởi bạn vốn đã lười suy nghĩ và hay xuôi theo người khác.
Sếp chán ngấy cái gật đầu của bạn. Đồng nghiệp cũng biết rằng chẳng thể “moi” được bất kỳ một sáng kiến nào ở “chàng ba phải” này. Kết quả: bạn trở thành một hạt cát câm lặng và chìm nghỉm trong công ty.
Giải pháp: Liệt kê danh sách những lời hướng dẫn của sếp mà bạn đã từng đồng ý với ông ấy. Kiểm tra lại xem có cái nào khiến bạn phải suy nghĩ lại không. Học cách suy nghĩ và đưa ra ý kiến. Chịu khó tham khảo với các đồng nghiệp, tích cực làm việc theo nhóm. Hãy chứng tỏ rằng bạn là người có chính kiến. 
4. Phô bày cuộc sống riêng tư 
Đừng cho rằng mọi người đều muốn biết cuộc sống riêng tư của bạn. Nếu không phải là người thích buôn dưa lê, thì họ chỉ đề cập đến vấn đề này vì phép lịch sự thôi. Rất có thể những chuyện ấm ức ở nhà, dưa cà mắm muối của bạn đang làm phiền họ đấy.
Giải pháp: Nếu có ai đó thực sự quan tâm đến bạn chân thành, họ sẽ chủ động hỏi han và lắng nghe bạn. Hãy biết giữ những chuyện riêng cho mình, tránh tình trạng tự bạn cho họ cơ hội cười nhạo chính bạn. Khi bạn đi khỏi, họ sẽ cười vào sự ngốc nghếch của bạn đấy. Hãy nhớ câu: “vạch áo cho người xem lưng”.
5. “Cầm nhầm” đồ dùng của đồng nghiệp
Có thể đó chỉ là những đồ vật rất nhỏ như cái bút, máy tính hay cục tẩy. Bạn không cố ý “ăn cắp” chúng nhưng bạn luôn mượn rồi quên không trả. Lâu dần, đồng nghiệp sẽ thấy rất phiền khi phải cho bạn mượn rồi lại phải tự đi đòi.
Giải pháp: Dán tên mình vào các đồ vật của bạn. Bạn gặp vấn đề về trí nhớ, vì vậy ngay khi thấy đồ vật không có tên mình, bạn sẽ nhớ ngay đến việc trả nó. Nhớ dùng xong việc gì thì trả luôn.
6. Nói chuyện điện thoại quá to
Bạn không thể kiểm soát đựoc âm lượng của mình mỗi khi nghe điện thoại. Rất nhiều người cảm thấy phiền hà và thiếu tập trung khi bạn làm như vậy. Nếu bạn đang làm việc trong một văn phòng có không gian mở, điều này còn làm ảnh hưởng đến năng suất của công ty. 
Giải pháp: Khi nghe điện thoại, hãy vào phòng kín (nếu cuộc nói chuyện dài và quan trọng, có tính chất công việc). Nếu là một cuộc điện thoại riêng tư, nên ra ngoài hành lang. Nhớ điều chỉnh điện thoại ở mức âm thanh hợp lí.
7. Thiếu tự tin
Lòng tin là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống cũng như trong công việc. Nếu bạn không tin vào chính mình thì người đối diện cũng sẽ không tin bạn và như vậy họ sẽ coi bạn là một nhân viên thiếu năng lực. 
Giải pháp: Luôn chuẩn bị thật kỹ những gì định làm, định nói. Khi mọi thứ đều đã ở trong đầu bạn, hiển nhiên bạn sẽ tự tin.
8. Dài dòng và nhiều lời
Bạn phải mất đến 5 phút để kết thúc một lời nhắn vô cùng đơn giản. Nếu quả như vậy thì bạn đúng là người nhiều lời. Có thể đôi khi mọi người thấy bạn thật đáng yêu nhưng họ cũng cho rằng bạn thật lắm điều. Họ sẽ khó chịu khi bạn cất lời, họ chỉ muốn trả lời qua loa cho xong chuyện. Thậm chí, họ thấy đau đầu khi bạn cứ “hót” líu lo suốt ngày.
Giải pháp: Tiết chế lời nói của mình. Chuyên tâm vào công việc để không còn thời gian nói những chuyện vô bổ, làm phiền người khác.
Sẽ mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để có thể từ bỏ những thói quen xấu . Nhưng nếu chúng ta quyết tâm, chẳng có gì là không bỏ được.

Theo Dantri