Hiếm có năm nào ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lại khó chia sẻ về tình hình doanh nghiệp (DN) đến vậy.
Sự trăn trở của ông không hẳn bởi sức của DN Việt Nam đang quá yếu, mà ở chỗ cân nhắc đề xuất giải pháp nào để DN tin tưởng, xác định được hướng ra.
Thưa ông, hết năm 2012, giới nghiên cứu nhắc nhiều đến tỷ lệ DN ngừng hoạt động. Rõ ràng, những khó khăn của nền kinh tế đang vượt quá dự liệu của DN?
Đây là năm đầu tiên chúng ta phải nói quá nhiều về số lượng DN giải thể, phá sản. Đa phần trong số này thuộc về TP.HCM, Hà Nội, các trung tâm kinh tế lớn.
Mặc dù có quan điểm cho rằng, số DN mới thành lập vẫn tăng là tín hiệu tốt, song chúng ta không thể phủ nhận con số hơn 100.000 DN phải dừng bước trong 2 năm qua là rất lớn. Hơn thế, trong số hơn 400.000 DN đang hoạt động, số thua lỗ khá nhiều.
Nhìn vào báo cáo tài chính các quý của nhiều DN với những khoản mục điều chỉnh, có thể thấy, họ phải vật lộn vất vả thế nào với từng kế hoạch kinh doanh. Tình trạng này còn kéo dài, khi trong số DN tham gia khảo sát của VCCI về kế hoạch kinh doanh2 năm tới, có tới 70% chưa xác định sẽ mở rộng.
Giữa năm 2012, ông cho rằng, nhiều DN đang sống nhờ vào tích lũy…
Đến giờ, những DN còn tích lũy cũng đã cạn kiệt.
Chúng ta phải làm rõ là một dự án dở dang kéo theo hàng loạt nhà thầu phải gánh các khoản nợ khó đòi, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ của họ với ngân hàng, với các DN sản xuất vật liệu… Vòng xoáy nợ nần kéo nhiều DN lún sâu vào khó khăn.
Nhiều người nói, nợ xấu là cục máu đông của nền kinh tế, thì đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn ngân hàng cho DN ít có tác dụng.
Nhưng trong khó khăn này, có phần lý do từ cách kinh doanh quá nóng từ DN?
Không phủ nhận là trong số DN ngừng hoạt động, nhiều DN hoạt động kém hiệu quả, quản trị yếu, mục tiêu đầu cơ là chính. Thậm chí, nhóm DN này còn là nguyên nhân gây nên sự bất ổn kinh tế hiện tại.
Nhưng công bằng mà nói, thể chế nào, thị trường nào, thì doanh nhân, DN đó. Khi cơ chế hậu thuẫn cho sự phát triển nóng, cho các hoạt động đầu cơ, khi mà mỗi sáng mở mắt, giá bất động sản lên vù vù, thì không thể trách DN tìm cách sinh lời bằng mọi cách. Hệ quả là, một lớp DN thích “đầu tư” vào quan hệ hơn là đổi mới công nghệ…
Nhưng cũng có bộ phận DN có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt, nhưng trong vòng xoáy nợ nần, phá sản, họ không đòi được nợ, hoặc do thị trường ảm đạm, nên bị đẩy vào khó khăn.
Rõ ràng, bất ổn trong điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách thiếu nhất quán, môi trường kinh doanh chưa thật minh bạch và hơn hết là phân bổ nguồn lực sai lệch của nền kinh tế…, khiến nhiều DN khó dự liệu được các bước đi.
Và như ông đã từng nói, DN đã phân nhóm và chính sách hỗ trợ DN cũng phải được đặt cho từng nhóm cụ thể?
Đến thời điểm này, bức tranh DN đã phân thành 3 nhóm. Một là, nhóm có sức cạnh tranh, vẫn còn sức khoẻ và phát triển đúng hướng. Hai là, nhóm yếu, năng lực cạnh tranh kém. Ba là, nhóm đang gặp khó khăn dù có tiềm lực cạnh tranh.
Nhóm thứ hai cần phải buông, dù số lượng không ít. Nếu cứu nhóm này, sẽ ảnh hưởng đến năng lực của cả nền kinh tế, vì đây là nhóm chủ yếu được tạo ra bởi sự sai lệch về động lực tăng trưởng giai đoạn vừa qua. Khi nền kinh tế xác định tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các DN không tương thích với cơ cấu mới, mô hình tăng trưởng mới sẽ buộc phải chuyển đổi, hoặc bị đào thải. Áp lực này đòi hỏi DN phải thay đổi để khớp với yêu cầu mới của nền kinh tế. Có nghĩa là, DN phải nhìn lại mình, quay lại bài học nền tảng quản trị để có thể tiếp tục trong sân chơi mới.
Đây cũng chính hướng phải đi của tất cả các DN. Sự thành công trong các bước tái cơ cấu của từng DN sẽ quyết định lớn vào sự thành công trong mục tiêu chuyển dịch của nền kinh tế.
Như vậy, các giải pháp hỗ trợ DN từ Chính phủ nên tập trung vào hai nội dung chính.
Một là, hỗ trợ nhóm thứ ba để giải quyết những khó khăn tạm thời, nhất là về dòng tiền, giúp DN trụ được. Giải pháp cho nhóm này chủ yếu là khoanh nợ, hỗ trợ cho vay để giải quyết dứt điểm những dự án đang dở dang, đang đầu tư có thị trường, đúng hướng tái cơ cấu của nền kinh tế, nhưng thiếu vốn để thực hiện… Hiện tại, nhóm giải pháp này đang được Chính phủ quan tâm và có nhiều động thái nhất.
Hai là, hỗ trợ DN tái cơ cấu qua kế hoạch thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực mà Chính phủ đã lựa chọn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2015.
Về tổng thể, giải pháp quan trọng nhất vẫn là sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới sự phát triển dài hạn của nền kinh tế. Sự kiên định này, thể hiện trong điều hành chính sách của Chính phủ, sẽ lấy lại niềm tin cho DN, để họ có cơ sở xác định kế hoạch trụ vững. Chỉ cần lấy lại niềm tin của 70% DN chưa có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm tới, tôi tin rằng, mọi việc sẽ thay đổi tích cực, vì DN luôn sẵn sàng ý tưởng kinh doanh, chỉ chờ tín hiệu từ chính sách…
Có lo ngại, việc hỗ trợ DN nếu không cẩn trọng sẽ gây lãng phí?
Theo tôi, không nên đòi hỏi một chính sách hỗ trợ với tỷ lệ 100% đúng đối tượng. Có thể tỷ lệ này chỉ khoảng 70%, nhưng số đó sẽ tạo nên sự dịch chuyển của thị trường.
Tất nhiên, để đảm bảo các hỗ trợ đúng địa chỉ, ngân hàng, chính quyền địa phương, hiệp hội cần tham gia rà soát cụ thể từng dự án của từng DN, để có quyết định cụ thể. Đây cũng là lúc các thông tin về DN, hỗ trợ DN được công khai, minh bạch.
Sự hợp tác này buộc DN phải công khai thông tin về mình, sức khoẻ thực của mình với hy vọng tiếp cận các khoản hỗ trợ…
Tôi cho rằng, trong lúc này, sự tận tâm, trách nhiệm trong thực hiện các chính sách hỗ trợ DN chính là chiếc chìa khoá mở cánh cửa niềm tin của DN.
Theo Khánh An