Phải nhìn nhận và trân trọng những người giỏi hơn mình trong cùng một tập thể. Chính nhờ có những “người giỏi hơn mình” như thế công ty mới thành công.
Với vai trò đồng sáng lập Công ty Misfit Wearables, ngày 23/4, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất nước Mỹ, cựu CEO Apple và PepsiCo đã đến Việt Nam thăm bộ phận nghiên cứu phát triển của công ty đặt tại TP.HCM. Ngay sau khi gặp gỡ nhóm nghiên cứu được ông đánh giá là rất quan trọng và có kiến thức, trình độ ngang bằng với những chuyên gia công nghệ cao ở thung lũng Silicon, John Sculley đã gặp gỡ với các doanh nhân, các sinh viên xuất sắc trong ngành công nghệ thông tin. John tin rằng, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có những câu chuyện thành công để kể với thế giới.
Sự thích nghi
John Sculley cho rằng, trong suốt một thập kỷ qua, điều ông cảm thấy thú vị nhất chính là sự thích nghi, thích ứng của doanh nghiệp (DN). Các DN nhỏ thường đưa ra những quyết định nhanh gọn, rất thích nghi, cơ động và linh hoạt nắm bắt các cơ hội trong khi các DN lớn thì ngược lại. Đó chính là nguyên nhân khiến cho hầu hết các công ty nhỏ thường chạy vượt hơn so với những công ty lớn.
John kể, thời trước, Sony là niềm mơ ước và sự ngưỡng mộ của rất nhiều người, trong đó có ông và Steve Jobs. Khi Apple chỉ là một thương hiệu “vô danh tiểu tốt” thì Sony đã đứng đầu trong rất nhiều lĩnh vực như radio bán dẫn, tivi, máy nghe nhạc…
Thế nhưng, hiện nay, Sony đã không còn là “người đứng đầu” trong lĩnh vực hàng hóa mặc dù DN này bán rất nhiều sản phẩm. Mới đây, Sony đã báo cáo lỗ 6,4 tỷ USD trong năm 2011.
“Sony lớn quá, trở thành một con khủng long không thích nghi được với thế giới. Nó thấy khó khăn để cục cựa và phải đối mặt với các công ty khác như Apple, Samsung – những công ty có thể thích nghi với thế giới nhanh hơn”, Steve chia sẻ.
Khi nhìn vào những DN lớn, thường người ta hay nhìn vào uy tín, thương hiệu, quy mô và cảm thấy choáng ngợp. Tuy nhiên, quy mô và hào quang trong quá khứ có thể trở thành “gót chân asin” nếu không biết thích nghi.
Với John, phần lớn những công ty thành công thường có văn hóa rất dễ hiểu. Văn hóa đó được xem là cánh tay trải dài của tinh thần lãnh đạo. Một khi người lãnh đạo thể hiện điều gì thì văn hóa DN cũng thể hiện điều đó. Chính văn hóa ấy sẽ là nam châm thu hút và giữ chân người tài.
Nhưng muốn được những “thỏi năm châm” như vậy, các doanh nhân phải biết xây dựng văn hóa DN và tạo nguồn cảm hứng cho những người khác quay quanh để họ có thể cùng đi với mình trong suốt cuộc hành trình.
Theo ông, có một sự khác biệt rất lớn giữa một người sáng lập công ty mang tinh thần khởi nghiệp và một người làm công tác chuyên nghiệp quản lý. Làm doanh nhân được quý trọng hơn rất nhiều so với làm công tác quản lý.
Một doanh nhân có thể quy tụ xung quanh mình những tài năng, hỗ trợ cho những kinh nghiệm mà họ thiếu. Nhưng quan trọng nhất, doanh nhân phải có niềm đam mê, sự sáng tạo, phải có tầm nhìn tương lai nhưng cũng phải có kế hoạch tồn tại trong trước mắt.
“Nếu một người chỉ có tầm nhìn về tương lai nhưng không có kế hoạch để tồn tại trong thời điểm trước mắt thì không phải là lãnh đạo giỏi mà là người viễn vông”, John khuyến cáo.
Người trẻ thay đổi thế giới
Dù đã tạo được tiếng tăm trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính…, nhưng John Sculley vẫn không cho mình là người giỏi. Ông chỉ nhận mình là người có nhiều cơ hội và biết nắm bắt những cơ hội ấy.
Theo ông, không nhất thiết phải là người giỏi nhất. Chỉ cần là người siêng năng, không đầu hàng, cố gắng chăm chỉ, không bỏ cuộc, dám chấp nhận rủi ro.
Thành công xuất phát từ đội ngũ chứ không phải từ số ít đơn lẻ. Vì thế, phải nhìn nhận và trân trọng những người giỏi hơn mình trong cùng một tập thể. Chính nhờ có những “người giỏi hơn mình” như thế công ty mới thành công.
Thường những nhóm nhỏ là những nhóm có sức ý tưởng và năng lượng sáng tạo mạnh mẽ nhất. Hiện nay, Apple là một trong những công ty đắt giá nhất toàn cầu.
Nhưng thành công của Apple không phải vì họ đang sở hữu hàng chục ngàn kỹ sư để tạo ra sản phẩm mà nhờ vào nhóm tinh hoa nhất với khoảng 10 – 15 người. Những người này tham gia và đưa những quyết định quan trọng nhất trong việc thiết kế sản phẩm.
Thời ông còn làm cho Apple, nhóm này rất trẻ và có ý tưởng sáng tạo tuyệt vời. Macintosh, chiếc máy tính đầu tiên của Apple được tạo ra bởi nhóm những người trẻ có độ tuổi trung bình khoảng 22. Thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm chỉ là một cậu bé mới 14 tuổi. Ông cho rằng, những người trẻ có tác động rất lớn đến xã hội, họ có thể thay đổi cả thế giới.
Tại Việt Nam, John Sculley rất ấn tượng với những tài năng trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bởi, trong số người đoạt giải thưởng công nghệ thông tin tại Mỹ và quốc tế có không ít đến từ Việt Nam. Điều này cho phép Việt Nam tiến sâu vào nghiên cứu, phát triển công nghệ thay vì chỉ đơn thuần làm gia công cho nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tài năng của những cá nhân đơn lẻ thì chưa đủ mà mỗi cá nhân cần tìm ra được nhóm phù hợp với mình để phát huy năng lực của bản thân và sức mạnh của tập thể.
Ông chỉ ra rằng, rất nhiều sản phẩm thành công trên thị trường được ra đời với những công ty rất nhỏ. Vì vậy, bên cạnh việc vươn lên khẳng định mình với khả năng của bản thân thì việc làm việc theo nhóm cũng là một yếu tố quyết định sự thành công.
Và câu chuyện Việt Nam
Ở Việt Nam, đa số là các DN hoạt động theo mô hình công ty gia đình. John cho rằng, đây chính là rào cản để các DN Việt Nam “lột xác”. Thường thì các ông – bà chủ công ty cứ làm riết thành quen hoặc vừa làm vừa học nên thiếu yếu tố đào tạo.
Hơn nữa, các công ty gia đình đa phần phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ vừa phải làm sao để ứng dụng trong thế giới toàn cầu hóa nên rất khó khăn. Muốn vượt qua những điều này, các doanh nhân phải hiểu được những khiếm khuyết của công ty mình và không ngừng học hỏi để vươn lên.
Có thể học qua tài liệu, sách vở; học từ các chuyên gia, từ bạn bè, từ những người xung quanh; thậm chí là từ những người ở ngành nghề khác. Như người Việt Nam hay nói: “Năng nhặt chặt bị”, nếu tích lũy từng chút từng chút một sẽ giúp cho những người kinh doanh những phần còn thiếu mà trong đào tạo kinh điển họ chưa được trang bị.
Ông cho rằng, luôn luôn có những doanh nhân thông minh, khôn khéo, làm việc tích cực và sẽ thành công nổi trội. Nơi mà người ta thành công là ở rìa, ở biên giới của sự thay đổi.
Mỗi làn sóng phát triển sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nhân trong nước mặc dù sẽ có những công ty toàn cầu tới Việt Nam, có ưu thế hơn về mãi lực, về vốn. Và ông tin các doanh nhân Việt Nam sẽ thắng vì hiểu rõ đường đi nước bước của thị trường nội địa, hiểu cách làm thế nào để chinh phục niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Và một phần nữa để ông củng cố niềm tin đó là đa phần các DN Việt Nam là các công ty nhỏ nên sẽ cơ động và linh hoạt hơn so với các công ty khổng lồ.
Với dân số khoảng 90 triệu dân, Việt Nam có nhiều đặc điểm của nền kinh tế thu hút những công ty toàn cầu. Và hiện nay, nhiều nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam với một cơ hội lớn bên cạnh Trung Quốc – nơi có thể đặt những nhà máy sản xuất.
Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ và càng ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế thế giới. Do vậy mà ông tin rằng, mặc dù sự điều chỉnh về luật lệ, về thuế… còn chậm nhưng sẽ có những DN thành công dù còn khó khăn.
Và trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành điểm đến của nhiều người, ngay cả những lúc kinh tế khó khăn. “Tôi tin rằng trong 5 năm nữa Việt Nam sẽ có những câu chuyện thành công để kể với thế giới”, John Sculley khẳng định.
Theo strategy