Làm việc với sếp “không hoàn hảo”

Được làm việc với một vị sếp hoàn hảo thì còn gì bằng. Song ở nhiều công ty, vẫn tồn tại những ông sếp luôn mang khuyết điểm bên mình. Đôi khi họ khiến các nhân viên chán ngấy!

Nếu bạn cũng gặp phải một ông sếp như thế, bạn sẽ làm thế nào?
Sếp không có năng lực
Những ông sếp kiểu này ban đầu có thể khiến bạn thích thú, vì bạn có thể thích làm gì tùy thích, tự quyết định công việc của mình, vì sếp có biết gì đâu. Nhưng về lâu dài, họ có thể khiến bạn phát điên. Khi bạn làm việc tốt, họ cũng không biết mà khen ngợi; họ không biết cách giao việc, bắt bạn phải làm những thứ trái khoáy; họ không thể đem về cho công ty những hợp đồng “quả tạ”;… Tóm lại, họ chẳng làm được việc gì, nhưng họ lại đang ngồi trên đầu bạn, và điều đó khiến bạn nổ tung vì tức.
Giải pháp: tập trung đến công việc chứ không chỉ quan tâm đến năng lực của sếp. Công việc luôn phải đặt lên hàng đầu. Nếu mọi việc không được trôi chảy như bạn nghĩ khi làm việc với ông sếp này bạn có thể cùng những đồng nghiệp khác lên tiếng, tìm cách chỉ đạo lại sếp. Hoặc bạn có thể tìm thẳng đến “sếp của sếp” để bàn việc.
Sếp chỉ biết hưởng thụ
Ông sếp kiểu này thích đùn đẩy mọi việc cho nhân viên. Đúng 16h30, ông ra khỏi công ty và đến thẳng sân golf. Khi bạn gọi điện cho ông để bàn công việc, ông ta còn đang bận nhậu nhẹt với bạn bè hay mải đi nghỉ xa cùng gia đình. Làm thế nào để làm việc tốt đây khi cứ phải phụ thuộc vào “tên lười” này?
Giải pháp: Khi sếp còn mải rong chơi, bạn chẳng tội gì mà không tìm đến vị cấp cao hơn, trình bày vấn đề, ý tưởng,… Khéo léo nói rằng sếp của bạn đang bận chút việc nên bạn muốn hỏi thẳng ý kiến cấp trên. Hãy tế nhị để vừa được việc cho mình lại vừa không làm mất mặt sếp. Đừng là kẻ hớt lẻo bởi bạn còn đang ở dưới trướng của sếp mà.
Sếp độc đoán
Người này thường muốn ôm đồm mọi việc từ những con số trong bản báo cáo chi tiêu cho đến cách bạn làm thế nào để gọt bút chì cho sắc. Ông ấy có một niềm tin sắt đá rằng chỉ có ông ấy mới có thể làm tốt mọi việc.
Giải pháp: Lập báo cáo tiến trình công việc thường xuyên. Bạn có thể báo cáo hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng phụ thuộc vào loại hình công việc để cung cấp những thông tin cập nhật cho sếp. Nếu sếp nhất định không muốn nghe theo cách làm của bạn, hãy mời sếp đi uống nước rồi lựa lời nói với sếp khi cả hai đang vui vẻ.
Biết cách cư xử, những ông sếp “ngán ngẩm” này cũng chẳng đáng chán lắm đâu!

Theo Askmen