Lèo lái doanh nghiệp vững bước đi lên bằng đổi mới.
Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang lộ rõ dấu hiệu suy thoái. Trong bối cảnh khó khăn chung, mỗi doanh nghiệp phải hoạch định cho mình một lối đi riêng để có thể giữ vững thị phần hiện nay, chưa nói đến tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Để đạt được những mục tiêu về tăng trưởng, rõ ràng mỗi doanh nghiệp cần phải tiến hành kinh doanh theo cách mới. Một trong những doanh nhân liên tục áp dụng chính sách đổi mới, dẫn đầu trên thị trường phải kể đến doanh nhân Nguyễn Hồng Lam – Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lam cung cấp gói giải pháp tinh hoa quà Việt với ô mai là sản phẩm chủ đạo.
Thời gian gần đây xuất hiện khá thường xuyên trên truyền hình, báo chí xung quanh các đề tài về đổi mới sáng tạo, ẩm thực, văn hóa, bảo vệ môi trường, song ông Nguyễn Hồng Lam chưa bao giờ nói về mình, bởi theo ông doanh nhân chỉ là người ẩn đằng sau những sản phẩm/dịch vụ mình cung cấp cho xã hội. Nhưng lần này, PV CafeBiz có cơ duyên được trò chuyện để hiểu hơn về con đường lập nghiệp của người đàn ông làm ô mai ngon nức tiếng Hà thành này.
Bộ đội thức thời làm kinh doanh
Ông Nguyễn Hồng Lam vốn là một nam sinh Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó, ông học điện ảnh tại Leningrad (nay là St Petersburg, Nga). Về Việt Nam, ông ứng dụng được khá nhiều thành tựu nghiên cứu vào nghề điện ảnh. Nhưng rồi nhận ra điện ảnh là nghề “kẹ” của nền kinh tế, trong khi nghề kỹ thuật của điện ảnh còn “kẹ” hơn, không giúp ông phát huy trí sáng tạo và năng lực bản thân. Năm 1990, ông quyết định ra quân sau 16 năm phục vụ trong quân đội để bắt tay làm kinh doanh.
Nói “kinh doanh” cho oai, chứ thực ra “mình buôn bán để tự cứu sống mình” với đủ thứ nghề từ môi giới, may mặc, dệt len, in hoa, nhuộm vải,… ông Lam cho biết. Tưởng chừng sẽ dừng chân ở nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng nhận thấy nghề này có nhiều bất cập như tham nhũng, gửi giá,… ông quyết định ra làm riêng chứ không làm ăn kiểu “chân trong, chân ngoài” như trước đây.
Chính thức giã từ môi trường quân đội, ông rẽ thẳng sang con đường kinh doanh bắt đầu bằng nghề chế biến nông – lâm sản. Trong một lần xuất tăm tre sang Trung Quốc, ông gặp một người đặt trám khô. Thương vụ đầu tiên cung cấp trám khô cho biên giới phía bắc mang về cho ông số tiền lãi 1 triệu đồng.
Năm 1992, ông chung vốn với một người anh mua một quầy hàng ở chợ Đồng Xuân, chủ yếu bán buôn từ chỗ này sang chỗ khác. Nhận thấy nghề buôn hoa quả khô đem lại lợi nhuận thấp, lại bấp bênh, ông quyết định học chế biến.
Nhờ óc tổ chức tốt, công việc kinh doanh của ông trở nên “ăn nên làm ra”. Khi làm may mặc, ông mua vải thuê người may, ráp áo và có lãi trong nghề. Buôn hoa quả khô, ông bán sỉ cho các cửa hàng “ăn” chênh lệch. Thế nhưng, đầu thập niên 90 đang có “mốt” đi buôn ở biên giới phía bắc, buôn tàu viễn dương, lập doanh nghiệp rồng vàng tín dụng. Ông cho những đối tượng này vay tiền làm ăn dẫn đến vỡ nợ và lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề, phải bán nhà.
Khởi nghiệp bằng… âm 20 ‘cây’
Năm 1992, ông Lam lâm vào cảnh nợ nần. Do không có kinh nghiệm cho vay tiền, ông làm mất số tiền kiếm được và tiền đi vay của người khác lên đến 20 cây vàng. Điều đó có nghĩa ông khởi nghiệp với số vốn “âm 20 cây”.
Về phần tiêu thụ, năm 2000, ông chuyển chiến lược sang bán lẻ. Bước đi đầu tiên của ông là mua cửa hàng số 11 Hàng Đường, con phố gắn liền với lịch sử và ấn tượng xã hội về thương hiệu cũng như sản phẩm bánh mứt kẹo. Tháng 10/2000, cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Hồng Lam chính thức được khai trương. Ông tiếp tục đấu giá mua lại cửa hàng tiếp theo để phục vụ khách hàng nhân dịp tết đến xuân về. Dần dà, chuỗi bán lẻ của Hồng Lam hiện nay đã có 15 cửa hàng trên cả nước. Đối tượng khách hàng chính của công ty là nữ giới, chiếm 72%.
Về cánh tiêu thụ, bản thân nghề sản xuất ô mai vốn không công nghiệp hóa: không có thiết bị, cũng không có kỹ sư ô mai nào cả. Cho nên, trong quá trình xây dựng và mở rộng nhà máy ông gặp khá nhiều khó khăn. Về phần máy móc, ông nhập rời một số máy móc, còn chủ yếu tự nghiên cứu, thiết kế và đầu tư. Nhà máy chế biến ô mai hoa quả hiện nay của Hồng Lam tọa trên khu công nghiệp Quang Minh (Vĩnh Phúc) rộng 2 hecta.
Hồng Lam cũng tuyển các kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, kỹ sư vi sinh tham gia vào quá trình sản xuất. Định kỳ công ty đưa mẫu đến viện vệ sinh kiểm tra. Công ty cũng trang bị phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm sản phẩm.
Dẫn dắt thành công bằng đổi mới
Hồng Lam từng bước phát triển đồng bộ giữa sản xuất và kinh doanh. Trong ngành hẹp ô mai, công ty đã dẫn đầu về số lượng cửa hàng và thương hiệu. Bản thân chuỗi cửa hàng với nhiều địa điểm và biển hiệu đồng nhất chính là một phương tiện truyền thông cho công ty. Bên cạnh đó, thương hiệu cá nhân của ông chủ Hồng Lam cũng được biết đến rộng rãi khi ông thường xuyên tham gia vào các sự kiện cộng đồng.
Được hỏi rất nhiều doanh nghiệp không tập trung vào giá trị cốt lõi, mà đầu tư ngoài ngành, ông Lam cho biết: “Hồng Lam có đầu tư vào bất động sản nhưng vào mục đích bán hàng”. Trong số các cửa hàng Hồng Lam, có một số thuộc sở hữu của công ty đem lại ba giá trị: tài sản để bảo đảm cho kinh doanh, tăng độ phủ cho thương hiệu và phục vụ mục đích doanh thu hàng ngày.
Tháng 5 vừa rồi, ông Lam có tham gia vào một đoàn khảo sát sang Dubai dự định mở một trung tâm thương mại nông sản của Việt Nam. Nếu thành hiện thực, ông sẽ tham gia một quầy hàng để giới thiệu tinh hoa quà Việt đến bạn bè thế giới. Ông cũng thường xuyên đi khảo sát nhiều nước, tham quan các nhà máy thực phẩm để học hỏi, áp dụng đổi mới vào công ty.
Sở hữu doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường ô mai với đội ngũ lao động sản xuất và mạng lưới bán hàng bao phủ trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, ông Lam tiết lộ bí quyết quản trị sản xuất và quản quản trị kinh doanh của ông là xây dựng “sức mạnh mềm”, tức quản trị trên nền công nghệ thông tin. Ông chẳng giấu nhẹm những bí quyết mà sẵn sàng chia sẻ cho tất cả nhân viên. Ông biến hiểu biết, hành vi, kỹ năng của những cá nhân đơn lẻ thành hiểu biết, hành vi, kỹ năng của nhóm và tổ chức, từ đó quay trở lại phân phối cho các cá nhân với khẩu hiệu “Chia hiểu biết – nhân sức mạnh”.
Theo dddn