Dường như những diễn biến trên sàn đã “phá vỡ” mọi phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật của hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK).
Một chuyên gia nhìn nhận, thị trường chứng khoán (TTCK) chính là tấm gương phản ánh lại nền kinh tế, những giải pháp hỗ trợ về chính sách từ phía cơ quan quản lý chỉ là vấn đề phụ. Quan trọng nhất vẫn là việc có hay không niềm tin của NĐT với sự ổn định, công khai, minh bạch của TTCK, cũng như môi trường kinh doanh.
Khi niềm tin trở lại
Trong 10 phiên giao dịch đầu năm 2013, nhiều khuyến cáo đưa ra từ các CTCK, đại loại như lúc này các nhà đầu tư (NĐT) nên thận trọng, việc mua đuổi ở vùng giá cao đối với các mã cổ phiếu beta cao có thể không phải là một lựa chọn tốt vào lúc này. Hay, các NĐT nên tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng sáng trong danh mục và cần theo dõi kỹ những diễn biến của thị trường trước khi đưa ra các quyết định…
Thế nhưng, bất chấp những khuyến cáo này, thị trường tiếp tục ghi nhận những phiên tăng điểm mạnh mẽ của cả hai chỉ số, điều này có được đầu tiên phải kể đến đóng góp từ việc tích cực mua vào nhiều mã cổ phiếu blue-chip của khối ngoại, như: BVH, VCB, HPG và MSN ở thời điểm này.
Sự tăng điểm mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này đã kích thích và tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu còn lại và từ đó dẫn dắt cho đà tăng của toàn thị trường. Các nhà đầu tư tiếp tục cho thấy sự hưng phấn, thể hiện qua diễn biến giao dịch rất sôi động cũng như sự tăng vọt của thanh khoản. Như vậy, trong vòng hơn 1 tháng trước và sau tết Dương lịch 2013, thị trường đã tăng khá mạnh và liên tiếp chinh phục nhiều ngưỡng kháng cự…
Dường như những diễn biến trên sàn đã “phá vỡ” mọi phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật của hầu hết các công ty chứng khoán. Sự “hưng phấn” của thị trường được ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) mô tả rằng, không chỉ các NĐT, CTCK nhảy cẫng lên, đập bàn ghế “rầm rầm” ngay tại sàn giao dịch, mà ngay cả nhân viên của Công ty quản lý quỹ cũng đập bàn thùm thụp từ phòng riêng của mình.
Song sự tăng điểm được xem là khá nóng này của TTCK lại khiến người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán là ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) không thể an lòng khi cho rằng, sự “tăng nóng” trong mấy ngày qua chủ yếu từ khía cạnh tâm lý.
Lúc đó ông đã khuyến cáo các NĐT cần hết sức bình tĩnh, bởi tin tưởng vào sự phát triển của thị trường là rất tốt, nhưng sự hưng phấn đôi lúc cũng phải đi kèm với suy nghĩ tỉnh táo. Ông cũng không ngần ngại khi cho rằng, UBCKNN mong muốn TTCK hồi phục phát triển nhưng sự hồi phục phải bền vững thì mới đem lại lợi ích lâu dài cho NĐT.
Kỳ vọng tỷ lệ thuận với kinh tế vĩ mô
Khát vọng TTCK hồi phục bền vững trở thành kim chỉ nam xuyên suốt, bởi nỗ lực của UBCKNN trong việc thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm “tăng chất” cho thị trường đã được đặt ra trong đề án Tái cấu trúc TTCK mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Song nhận định của ông Tân tỏ ra khá sâu sắc khi cho rằng, bất luận UBCKNN, Bộ Tài chính hay Chính phủ đưa ra bất kỳ giải pháp gì thì củng cố niềm tin cho thị trường vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Bởi theo ông, suy cho cùng 8 nhóm giải pháp mà UBCKNN đưa ra vừa qua cũng là để kích thích thị trường và tạo niềm tin cho NĐT. Chẳng hạn như việc xử lý nợ xấu, hạ lãi suất ngân hàng, xây dựng hệ thống quản trị hiện đại và kêu gọi thu hút NĐT nước ngoài cũng là việc củng cố niềm tin quay trở lại.
Nhìn một cách như vậy, tham gia TTCK trở thành cuộc chơi của niềm tin khi mà tiền của những NĐT chuyển sang cho những ông chủ DN. Trong cuộc chơi này, việc công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết và vấn đề kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước trở thành giá trị cốt lõi tác động tích cực hoặc tiêu cực đến lòng tin của NĐT.
Diễn biến thực tế của thị trường thời gian qua cho thấy, niềm tin của NĐT và thị trường bị giảm sút, do hàng loạt doanh nghiệp niêm yết cố tình công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý hoặc bán niên lãi khủng nhưng báo cáo sau kiểm toán thì lỗ lớn. Giải đáp vấn đề này, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, thực chất phía sau những BCTC không chính xác là cả một ý đồ lớn của ban lãnh đạo công ty.
Việc đánh bóng doanh nghiệp niêm yết BCTC nhiều khi là tấm bình phong để che giấu hành động tháo chạy của bản thân lãnh đạo công ty. Đến khi sự việc vỡ lở, chỉ có NĐT “ôm hận”. Điều này khiến NĐT đánh mất dần niềm tin vào TTCK. Đây cũng là lý do khiến TTCK lao dốc và có thời điểm ở đáy lâu hơn.
Ở cách nhìn của mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng thừa nhận, đúng là niềm tin của các NĐT với thị trường bị xáo trộn. Niềm tin sụt giảm nặng nề nhất là sau khi vụ việc xảy ra đối với ACB và một số các vụ việc khác nữa. “Bản chất của vấn đề này là do chúng ta vẫn chưa thực hiện được công bố thông tin một cách đầy đủ, minh bạch”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà phân tích.
Sở dĩ như vậy một phần cũng bởi hành lang pháp lý còn thiếu chặt chẽ, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận kiểm toán viên còn yếu. Đây cũng là vấn đề mà theo ông cần phải có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Song, kỳ vọng của NĐT không chỉ dừng lại ở đó. Họ mong muốn được tiếp cận với các BCTC có chất lượng tốt, minh bạch, đúng thực chất. Họ mong muốn cơ quan Nhà nước tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về công bố thông tin. Giao dịch nội gián ngoài hình thức bị phạt hành chính còn có thể phải chịu án hình sự như các nước vẫn thường áp dụng.
Ở một khía cạnh khác, một chuyên gia nhìn nhận, TTCK chính là tấm gương phản ánh lại nền kinh tế, những giải pháp hỗ trợ về chính sách từ phía cơ quan quản lý chỉ là vấn đề phụ. Quan trọng nhất vẫn là việc có hay không niềm tin của NĐT với sự ổn định, công khai, minh bạch của TTCK, cũng như môi trường kinh doanh. Chuyên gia này cho rằng, các chính sách giúp ổn định cùng hàng loạt sản phẩm mới ra đời là những bước cần thiết đầu tiên giải quyết 2 vấn đề quan trọng của TTCK là siết chặt hành lang pháp lý và đa dạng hàng hóa cho TTCK.
Tuy nhiên, song hành với điều đó, cần xử lý vấn đề căn bản cho sự phát triển bền vững của thị trường, đó là kinh tế phải ổn định trở lại. Song, để khách hàng gắn bó lâu dài với TTCK thì sản phẩm, nền tảng cơ bản của kinh tế phải thực sự tốt. Kinh nghiệm thị trường năm 2006 vẫn còn đó, khi nền kinh tế phát triển vượt bậc, kể cả có chuyện đẩy giá, đầu cơ rất mạnh, song vẫn rất nhiều NĐT tham gia thị trường, đó là bởi vì nền tảng kinh tế vĩ mô lúc đó vẫn đủ mạnh để TTCK có cơ sở tăng trưởng.
Bởi vậy, song hành với việc chính sách ổn định và sản phẩm mới, thì củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô năm 2013 sẽ là cơ sở vững chắc để TTCK phát triển bền vững.
Theo tapchitaichinh