Những người mới bước chân vào con đường kinh doanh có thể biến những kiến thức đã được học về các món ăn hay những nghi lễ làm đẹp cổ xưa thành một ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới lạ và độc đáo. Ví dụ như một công ty trang sức nọ đã sử dụng các biểu tượng đạo Phật và Hindu để chế tác nên những sản phẩm đầy chất sáng tạo, hay một hãng chuyên các sản phẩm về sữa giới thiệu tới người tiêu dùng loại sữa chua uống có tác dụng làm lành các vết thương.
Vậy nhưng công việc kinh doanh dựa trên những ý tưởng không mới này lại đặt ra không ít thách thức: Làm thế nào để đưa ý tưởng tưởng chừng ít người nhớ đến vào những sản phẩm mang tính đột phá để thu hút một thị trường mới và rộng lớn hơn? Và bằng cách nào bạn có thể khiến những người tiêu dùng hiểu được giá trị tiềm tàng ẩn chứa trong những sản phẩm đó?
Nếu bạn vẫn chưa có câu trả lời thì hãy theo dõi câu chuyện kinh doanh dưới đây của bốn công ty đã thành công trong việc “hóa giải” những thách thức trên bằng cách làm mới những ý tưởng không mới.
1. Công ty Baohaus, thành phố New York
Sản phẩm: bánh bao
Người sáng lập: Eddie Huang
Tương truyền loại bánh hấp có tên Baozi đã được quân lính thời Tam Quốc dùng làm món ăn thường ngày. Cho đến nay, ở Đài Loan và nhiều nơi ở châu Á, Baozi (hay còn được gọi là màn thầu) vẫn là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn thực khách nhất.
Loại bánh này còn được bán ở các phố người Hoa ở New York và những vùng lân cận nơi có đông người nhập cư châu Á sinh sống. Eddie Huang đã nhìn thấy trước cơ hội kinh doanh sản phẩm này tại những trung tâm ăn uống ở khu Mahattan sầm uất và nảy ra ý tưởng giới thiệu món ăn mới tới những thực khách chưa từng nếm thử nó. Sáng kiến của ông trở nên rất hữu hiệu khi cửa hàng Baohaus đầu tiên khai trương vào năm 2009 đã mở rộng về quy mô và quân số từ 2 lên 18 nhân viên phục vụ.
Tọa lạc tại khu East Village thuộc ngoại ô Mahattan, Baohaus đã thu hút không ít thực khách ở gần trường Đại học New York tới đây thưởng thức món bánh bao. Ông chủ 29 tuổi của Baohaus cho biết “Loại bánh này thường có ở những quán bán đồ ăn sáng ở Đài Loan. Ở Mỹ, bánh bao không còn là đồ ăn sáng nữa mà đã trở thành món ăn đêm.” Để tạo nét đặc trưng riêng có cho thương hiệu và thu hút thêm nhiều sinh viên đại học đến với Baohaus, ông chủ Huang đã tạo ra một không khí rất mới mẻ cho quán với những nhân viên phục vụ trẻ tuổi, ăn vận thời trang và chơi nhạc hip-hop sôi động.
Mỗi chiếc bánh bao có giá trung bình 3 đô la được làm từ những nguyên liệu như đường đỏ Đài Loan, củ cải muối chua và lạc rang giã nhỏ. Mỗi ngày, quán bán từ 350 đến 550 chiếc bánh. Ông chủ Huang cho biết sẽ không tiết lộ doanh thu của Baohaus bởi lĩnh vực kinh doanh nhà hàng vốn cạnh tranh rất khốc liệt. Ông cũng nói thêm Baohaus đang cân nhắc việc mở rộng mạng lưới kinh doanh tới nhiều nơi khác ở New York.
2. Công ty: Tatcha, Seattle
Sản phẩm: giấy thấm dầu Aburatorigami
Người sáng lập: Vicky Tsai
Làn da mịn sáng của các geisha xứ sở hoa anh đào từ lâu đã là niềm ao ước của không ít chị em phụ nữ. Nắm bắt xu thế đó, Vicky Tsai đã mở một trung tâm chăm sóc sắc đẹp Tatcha mang những nét đặc trưng của văn hóa geisha. Sản phẩm đầu tiên mà thương hiệu này tung ra thị trường là loại giấy thấm dầu làm từ vàng lá giúp giữ lớp trang điểm, giảm nhờn, cho làn da trắng mịn. Với mong muốn giữ nguyên công thức sản xuất loại giấy thấm dầu này, bà chủ 33 tuổi của Tatcha thậm chí còn đến Nhật Bản để xem nghi thức làm đẹp của người dân nơi đây, sau đó tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Bà nhận thấy rằng giấy thấm dầu chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất vàng lá, và các geisha đã biết tới cách làm đẹp này từ 300 năm về trước. Để người tiêu dùng hiểu hơn về cách làm đẹp truyền thống cực kỳ hiệu quả này, trên website và bao bì đóng gói của Tatcha luôn có thông tin về lịch sử của sản phẩm. Bà Tsai cho hay, khách hàng luôn háo hức trải nghiệm những sản phẩm mới lạ vốn là bí quyết làm đẹp từ thời xa xưa.
Hiện Tatcha chỉ có 5 nhân viên và trong thời gian tới sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Mới đây, Tatcha đã cho ra mắt sản phẩm giấy thấm dầu thiết kế nhỏ gọn để vừa túi xách tay. Trong năm tới, Tatcha dự kiến sẽ giới thiệu thêm 2 sản phẩm làm đẹp mới. Bà chủ Tsai không đề cập đến kết quả kinh doanh của hãng song cũng cho biết sản phẩm giấy thấm dầu của hãng có trên 200 cửa hàng và đại lý bán lẻ trực tuyến.
3. Công ty: Satya Jewelry, thành phố New York
Sản phẩm: trang sức mang ý nghĩa tâm linh
Người sáng lập: Satya Scainetti and Beth Torstrick-Ward
Mười năm về trước, Satya Scainetti và Beth Torstrick-Ward đã có mong muốn phát triển một dòng sản phẩm trang sức hoàn toàn mới lấy cảm hứng từ những biểu tượng trên các loại bùa mà họ nhìn thấy khi du lịch tới Thái Lan và Ấn Độ. Những mẫu trang sức do họ chế tác mang những biểu tượng như Hamsa – giúp trừ tà ma hay Ganesha – loại bỏ những trở ngại.
Dù không hoàn toàn thời thượng hay chạy theo một xu hướng nào đó như các dòng trang sức khác, song chính nét nguyên bản, không trộn laanz đã mang lại cho các sản phẩm trang sức của Satya một ý nghĩa rất sâu sắc.
Với 10 năm kinh nghiệm, thương hiệu Satya đã mở rộng thị trường bán lẻ tớ hơn 350 đại lý bao gồm Barney New York và Amazon.com. Doanh số bán hàng của hàng đã tăng ít nhất 15%/năm trong 5 năm trở lại đây. Tostrick-Ward, người đồng sáng lập thương hiệu cho rằng thành công của Satya có được đều nhờ vào ý nghĩa của những biểu tượng huyền bí xa xưa khiến bất cứ ai đeo vào đều cảm nhận được sức mạnh tiềm tàng của bản thân họ.
4. Công ty: Lifeway Foods, Morton Grove, Illinois
Sản phẩm: sữa chua uống probiotic Kefir
Người sáng lập: Michael Smolyansky
Sản phẩm sữa chua uống probiotic Kefir từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của người châu Á và Đông Âu. Song tại thời điểm năm 1986, khi Lifeway Foods bắt đầu đưa sản phẩm này tới thành phố Chicago, công ty đã gặp không ít khó khăn do lúc bấy giờ những loại thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên chưa thực sự phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, giám đốc điều hành công ty ông Julie Smolyansky đã phải nghiên cứu những sản phẩm đã có từ lâu đời và tìm cách sáng tạo để đưa chúng vào sản xuất.
20 năm sau, sản phẩm sữa chua uống Kefir đã trở nên rất thông dụng và được bán ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Wal-Mart hay Whole Foods. Nhờ vào sự đổi mới không ngừng và khả năng nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, công ty đã vượt qua thời kỳ khó khăn và ngày càng phát triển. Thay vì chỉ sản xuất các loại đồ uống, Lifeway đã đa dạng hóa mặt hàng bằng sản phẩm bánh tart lựu đông lạnh và thiết kế túi đựng đồ ăn trưa cho trẻ em.
Với 300 nhân viên, công ty đã thu về 63.5 triệu đô la trong năm 2010. Năm nay, ông chủ Lifeway kỳ vọng doanh thu sẽ tăng thêm 20% lên mức 80 triệu đô la.
Công việc quảng bá tác dụng đối với sức khỏe của sản phẩm sữa chua uống Kefir không hề đơn giản. Khi mới tung ra thị trường với cái tên sữa chua uống probiotic (chứa loại vi khuẩn tốt cho sức khỏe), sản phẩm đã gặp phải sự phản ứng từ phía các khách hàng quen của hãng. Mặt khác, các công ty sản xuất sữa chua lớn lại không muốn sản phẩm của họ có liên quan đến “vi khuẩn” (dù là loại có lợi cho tiêu hóa). Sau cùng, vượt qua tất cả những trở ngại ban đầu, sản phẩm Kefir của hãng đã trụ lại với thị trường và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nhờ chất lượng vượt trội của nó.
Theo gomm