Từ cậu bé nghèo thành đại gia

Từ cậu bé sinh ra trong một gia đình nghèo, nay sở hữu tổng tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng, vươn lên làm chủ một doanh nghiệp lớn sau chặng đường học hành dang dở, doanh nhân Phạm Quang Dũng cho rằng ước mơ, đam mê là yếu tố then chốt.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Nam Định, ngay từ nhỏ, ông Phạm Quang Dũng đã đam mê kinh doanh và đeo đuổi ước mơ làm giàu. Nhưng khi lên 8 tuổi, ông mắc một chứng bệnh đau bụng lạ khiến mỗi năm phải nghỉ học 3 tháng. Quá trình học đứt đoạn, lại đúng lúc chiến trường kêu gọi, ông lên đường nhập ngũ khi mới học xong lớp 7.
Tháng 1 năm 1972, ông vào quân đội và được chọn làm cán bộ huấn luyện thông tin của Bộ Tư lệnh Pháo binh. Với quan niệm “xanh cỏ còn hơn đỏ ngực”, ông nhiều lần xin ra tiền chiến song đều bị từ chối. Năm 1975, ông xuất ngũ và thi đậu vào trường nghiệp vụ thủy lợi, khoa kế toán.

Sau 5 năm học, ông trở về quê, công tác tại phòng Giao thông thủy lợi của huyện Hải Hậu. Những ngày tháng công chức nhà nước khiến ông quyết định phải đầu tư một cái gì đó để gia đình mình, làng quê mình thoát nghèo. Ông nhớ lại: “Ai cũng đi làm theo kẻng để ghi điểm mà đói thì vẫn hoàn đói, đến mua cái vé ôtô cũng phải xếp hàng từ tối hôm trước, có người quen làm ở phòng giao thông, may ra cũng chỉ xin được giấy giới thiệu để được mua vé, đi từ Nam Định lên Hà Nội mất đến 2 ngày trời…”

Chứng kiến cảnh đó, từ những năm 1982-1983, ông Phạm Quang Dũng bắt đầu đầu tư công nông chở hàng, máy xay gia công, ôtô tải… Và đến năm 1988, khi nhà nước có chủ trương xã hội hóa, ông chuyển sang kinh doanh xe khách. Ngày thường đi làm công chức, cuối tuần lại đóng vai lơ xe.

Năm 1995, ông dứt áo công chức nhà nước sau 15 năm công tác để chuyển sang công ty xây dựng của huyện. Ban đầu chỉ là đấu thầu thành công những dự án của xã, ở huyện rồi có chút tiếng tăm, ông liên doanh với công ty công trình giao thông Nam Định, tiền thân của TARIC ngày nay. 2 năm sau, ông được vị giám đốc của đơn vị đối tác mời về với vị trí phó giám đốc, bất chấp dị nghị của bao người về trình độ bằng cấp.

Năm 1998, ông Phạm Quang Dũng lên giữ chức giám đốc trong tình cảnh doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Năm 2000, tổng tài sản của công ty chỉ là 600 triệu đồng. Nhờ cổ phần hóa, số vốn huy động được là 7 tỷ đồng, giúp đơn vị từng bước khắc phục được khó khăn. Đến nay, tổng số vốn điều lệ của TARIC đã 350 tỷ đồng với doanh thu mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng.
Mỗi ngày làm việc 15-16 tiếng, cả tuần chỉ nghỉ nửa buổi ngày chủ nhật, học và tự học không ngừng trên thương trường để có được thành quả như vậy song ông Phạm Quang Dũng luôn tâm niệm, thành công của TARIC là nhờ luôn giữ uy tín, chất lượng sản phẩm và sự đồng lòng, đoàn kết trong nội bộ công ty. Ngoài ra, vấn đề đào tạo trong doanh nghiệp cũng luôn được ông đề cao với việc đầu tư 2 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Dũng kể, trong một lần tham gia khóa đào tạo quản trị tại Nhật, ông được biết các doanh nghiệp bên đó luôn coi trọng và đầu tư tỷ lệ phần trăm doanh thu nhất định cho đào tạo. Về nước, ông cũng áp dụng song mất nhiều tiền, thời gian mà không thu được hiệu quả. Sau một thời kỳ dài lãng phí, ông mới hiểu được bản chất của đào tạo trong doanh nghiệp là bù lỗ hổng, nghĩa là với mỗi vị trí nhất định phải yêu cầu năng lực chuẩn, đối chiếu với năng lực thực tế để bù đắp những mặt còn thiếu.

Trong bối cảnh như hiện nay, ông Dũng cho rằng không riêng gì bất động sản mà các lĩnh vực kinh doanh khác đều lâm vào tình cảnh khó khăn. “Đến hàng cơm bình dân cũng lao đao vì bây giờ giới văn phòng cũng quay lại thời kỳ cơm hộp, có mấy nơi đặt cơm trưa như trước đâu”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, theo doanh nhân này, 75% giá trị doanh nghiệp nằm ở vốn nhân lực và văn hóa. Điều này nếu được đầu tư xứng đáng sẽ giúp đơn vị vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Từ cậu bé sinh ra trong một gia đình nghèo, nay sở hữu tổng tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng, vươn lên làm chủ một doanh nghiệp lớn sau chặng đường học hành dang dở, doanh nhân Phạm Quang Dũng cho rằng ước mơ, đam mê là yếu tố then chốt.

“Muốn thành công trước hết cần phải có ước mơ, kế hoạch cho riêng mình. Mình phải biết mình muốn gì thì trời mới biết để cho. Đến Harvard cũng chỉ trang bị phương pháp logic, kiến thức phải là sự trải nghiệm”, ông Phạm Quang Dũng chia sẻ.

Theo gomm