Kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn, thách thức với doanh nghiệp cũng ngày một lớn. Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho rằng trong bối cảnh đó, doanh nhân phải là người biết “lướt” trên những con sóng lớn, để không bị nhấn chìm.
* Theo ông, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?
– Theo cá nhân tôi, đó chính là năng lực phòng ngừa rủi ro. Mà muốn phòng ngừa rủi ro tốt cần quản trị công ty tốt.
* Vậy điểm sáng nào có thể giúp doanh nghiệp Việt vượt qua, thưa ông?
– Bản lĩnh, ý chí, tinh thần doanh nhân Việt.
* Ông sợ nhất điều gì?
– Việt Nam đổi mới giáo dục chậm, bỏ qua cơ hội khai thác dân số vàng và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
* Định hướng chiến lược, kinh nghiệm quản trị nào của FPT có thể giúp ích, chia sẻ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của nền kinh tế?
– Xin chia sẻ một số thực tiễn về quản trị chiến lược và quản trị rủi ro tại FPT như sau. Thứ nhất, chiến lược và đổi mới luôn là một phần quan trọng không thể thiếu được trong hoạt động của công ty. Lãnh đạo các cấp đều tham gia vào việc này ngay từ đào tạo quyết tâm cao. Bắt đầu từ 2013, chúng tôi sử dụng thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard) để quản trị chiến lược.
Thứ hai là ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản trị. Việc này giúp giám sát chặt chẽ, tức thời tình hình vốn, hàng tồn, công nợ, nhân sự, khách hàng, chất lượng… giúp khai thác tốt nhất các nguồn lực, ra quyết định kịp thời xử lý các khó khăn phát sinh.
Thứ ba là luôn dự báo các rủi ro theo sơ đồ PEST và chủ động chuẩn bị các giải pháp tình huống khắc phục rủi ro. Khi rủi ro phát sinh cần hành động dứt khoát.
* Dự báo xu hướng phát triển của nền kinh tế và các chính sách vĩ mô tác động như thế nào đến doanh nghiệp hiện nay?
– Quản trị chiến lược là một công việc rất quan trọng của doanh nghiệp. Không có quản trị chiến lược, doanh nghiệp như thuyền đi trên biển mà không có bánh lái và la bàn. Để xây dựng và triển khai chiến lược, một mô hình rất quan trọng mà doanh nghiệp cần sử dụng là mô hình PEST, là viết tắt của Chính trị (P), Kinh tế (E), các yếu tố văn hoá xã hôị (S) và công nghệ (T). Như vậy, việc lập chiến lược của doanh nghiệp không thể tách rời khỏi bối cảnh kinh tế của quốc gia và quốc tế, được biểu hiện cụ thể qua các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế như tăng trưởng GDP, chỉ số lạm phát, chỉ số thất nghiệp, dự trữ ngoại tệ, tỷ giá, chỉ số hàng tồn kho, chỉ số sản xuất…
Các chỉ số này lại là kết quả cuả các chính sách vĩ mô gồm có các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Do vậy, có thể nói nắm được xu hướng của các chính sách vĩ mô có tầm quan trọng quyết định trong việc doanh nghiệp có đưa ra một chiến lược phù hợp hay không.
* Việc CEO Việt Nam đổi mới tư duy chiến lược trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay sẽ giúp họ thay đổi được cục diện kinh tế Việt Nam như thế nào, thưa ông?
– Chúng ta không thể trông đợi sự thay đổi trong tư duy chiến lược của CEO sẽ thay đổi được cục diện của nền kinh tế Việt Nam một cách nhanh chóng, vì sự vận động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các chính sách vĩ mô như đã nói ở trên. Tuy nhiên, chắc chắn sự thay đổi tư duy chiến lược của CEO sẽ góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp đưa doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam lên một đẳng cấp cao hơn trong bản đồ cạnh tranh thế giới.
* Tiến sĩ Patrick Dixon, một trong trong những nhà tư tưởng quản trị xuất sắc của thế giới đến Việt Nam để chia sẻ quan điểm của mình tại hội thảo “Dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam và Tư duy chiến lược của nhà quản trị 2013 – 2015”. Theo ông, CEO Việt sẽ học được những gì từ nhà tư tưởng nổi tiếng này?
– Tiến sĩ Patrick Dixon sẽ mang đến hội thảo một thông điệp quan trọng: “Hãy để tương lai quyết định số phận của bạn” hay là “Bạn biết trước tương lai để quyết định con đường của bạn”. Trong cuộc sống, những ai nắm được xu hướng vận động và có những bước đi phù hợp với xu hướng sẽ là người chiến thắng. Apple là một ví dụ điển hình của người nắm và hoàn toàn làm chủ xu hướng, thậm chí tạo ra xu hướng. Do vậy, một CEO giỏi là nguời phải nắm được các xu hướng vận động trên thế giới sẽ tác động như thế nào đến tâm lý sinh hoạt, tiêu dùng của khách hàng, từ đó đưa ra được những chiến lược đón đầu. Hãy làm người “lướt” trên những con sóng, đừng để mình là người “ngụp lặn” giữa những con sóng.
Tiến sĩ Patrick Dixon là một người đã được mệnh danh là “nhà tương lai học”, là người “sống ở năm 2020 và coi ngày mai là quá khứ”. Ông là người chỉ ra được các xu hướng sẽ làm thay đổi cả tương lai của các ngành viễn thông, tài chính ngân hàng, năng lượng…
Trong chuyến đi tới Hà Nội lần này, ông sẽ chia sẻ với những nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân những bí quyết, kinh nghiệm trong quản trị, phân tích và dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam giai đoạn 2013-2015. Tôi hy vọng Patrick là người có thể giúp CEO Việt Nam thực sự thay đổi được cách làm chiến lược, thay vì để bối cảnh vĩ mô dẫn dắt thì có thể tận dụng tốt nhất từ bối cảnh kinh tế.
* Bản thân là một CEO từng tiếp xúc trao đổi, làm việc với nhiều CEO của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài, theo ông, các CEO Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm vượt qua khó khăn như thế nào từ họ?
– Quả thật tôi thường xuyên học hỏi từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp qua các cuộc tiếp xúc làm việc. Ví dụ như học của British Petroum về nỗ lực “lướt sóng”; học IBM về tái cấu trúc trong khủng hoảng; học GE về cách thức chuyển giao êm thấm các thế hệ lãnh đạo… Điểm chung nhất là họ đều chủ động và phản ứng quyết liệt khi gặp khó khăn.
* Theo ông, bí quyết nào để CEO Việt có đủ bản lĩnh chấp nhận sự thay đổi, áp dụng tư duy và hình thức kinh doanh mới mà chưa biết hiệu quả thực tế của việc đi theo cái mới trong tương lai như thế nào?
– Liên tục học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm sẽ trở thành một tố chất bắt buộc của doanh nhân Việt nếu muốn thành công tại Việt Nam và trên thế giới. Khả năng thành công sẽ được nhân lên nhiều lần nếu các doanh nhân tích hợp được sự mới lạ trong tư duy, phương pháp, mô hình kinh doanh ở các nước với tính cách và văn hoá Á Đông tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều doanh nhân đã đủ bản lĩnh để áp dụng những cái mới, nắm bắt xu hướng và thành công, tuy nhiên chúng ta cần nhiều hơn nữa những CEO như vậy để nâng tầm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Theo marketingchienluoc