Vốn Việt vượt biên giới: Dầu khí số 1

Báo cáo mới nhất về tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài mới nhất cho thấy vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí.

Trong quý 1/2013, tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 2,65 tỷ USD.
Cụ thể, đã có 22 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 720,7 triệu USD, qua đó quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình cho một dự án đạt trên 32,7 triệu USD.
Đồng thời, có 5 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,9 tỷ USD, trong đó dự án công ty liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tại Nga tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD và dự án thăm dò muối mỏ tại Lào của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam tăng vốn 518,9 triệu USD.
Ngoài hai dự án quan trọng trên, trong quý 1/2013, các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống với 3 dự án, tổng vốn đầu tư 335 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ ba với 237,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. 
Tính đến 20/3/2013, đã có 742 dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký 15,5 tỷ USD.
Các dự án tập trung phần lớn trong lĩnh vực khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư); lĩnh vực sản xuất điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%. 
Về giải ngân, lũy kế đến ngày 20/3/2013 đã đạt khoảng 3,8 tỷ USD; trong đó khoảng 2,9 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí; gần 500 triệu USD trong lĩnh vực trồng cây cao su khoảng; 400 triệu USD trong lĩnh vực thủy điện; viễn thông 249 triệu USD… Vốn đầu tư thực hiện tại Lào đạt khoảng 691 triệu USD, Campuchia đạt khoảng trên 621 triệu USD…
Đáng chú ý, trong tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện thông qua việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, máy móc, thiết bị, dịch vụ từ trong nước. Điều này góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài. 
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản, Viettel, Hoàng Anh – Gia Lai…, một phần vốn đầu tư ra nước ngoài đã được dùng để trả cho các nhà thầu của Việt Nam hoặc mua hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam để chuyển ra nước ngoài thực hiện dự án.

Theo VnEconomy