Chạy hay vượt dốc?

Kinh tế thế giới đang đi vào suy thoái, kéo theo sự bất ổn vận mệnh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dù đã có chiến lược đối phó nhưng cũng không thể khắc phục hết khó khăn. Bởi đây không phải là một cơn gió tài chính thông thường, mà là một cơn bão khủng hoảng tài chính có một không hai trong lịch sử, làm đảo lộn trật tự kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong đe dọa luôn xuất hiện những cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã bình tĩnh, sáng suốt nhìn thấy cơ hội.

Từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra đến nay, một cách tương đối, doanh nghiệp Việt Nam có thể chia thành sáu nhóm chính dựa trên năng lực vượt dốc và cách hành xử trước đe dọa và cơ hội.
Nhóm thứ nhất, là những doanh nghiệp có một bảng cân đối tài chính rất ấn tượng, rất nhiều tiền mặt và không phải đi vay nợ. Kinh tế suy thoái sẽ khiến nhiều đối thủ cạnh tranh của họ lộ ra điểm yếu. Các doanh nghiếp này tận dụng cơ hội để triển khai chiến lược tấn công, khoét sâu vào điểm yếu của các đối phương. Họ đang chạy hết tốc độ của mình trên “xa lộ”, bỏ xa đối thủ cạnh tranh, từng bước, vươn lên vị trí dẫn đầu ngành và làm thay đổi vị thế giữa các doanh nghiệp trên thị trường trong năm 2009. 
Nhóm thứ hai, là những doanh nghiệp gặp khó khăn do sức mua trên thị trường giảm. Tuy nhiên, họ nhanh chóng đánh giá lại từng sản phẩm, xem xét các ngành kinh doanh và toàn bộ phạm vi hoạt động, mối liên kết giữa các chuỗi giá trị, sự co dãn của các nhà cung cấp và của khách hàng, của thị trường để tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp, cũng như cơ hội và đe dọa từ thị trường, từ đối thủ cạnh tranh. Nhìn ra ai là đối thủ mạnh nhất và họ sẽ phản ứng ra sao. Từ đó, xem xét chỗ nào cần cải tiến hoạt động, cắt giảm chi phí, thêm giá trị gia tăng, và có thể khai thác nguồn lực rẻ ở khu vực nào… để tạo ra giá thành thấp cũng như đa dạng hóa rủi ro về tiền tệ và khách hàng để có sự ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Họ đang chạy nhưng tốc độ chậm hơn so với trước đây.
Nhóm thứ ba, là những doanh nghiệp được tiếp nhiên liệu nhờ chính sách kích cầu và hỗ trợ lãi suất vay của Chính phủ. Tuy áp lực chi phí lãi vay giảm, nhưng vì nhu cầu thị trường giảm và chi phí cố định lớn do đầu tư ở qui mô lớn, nên họ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nhạy bén, họ đã phản ứng nhanh bằng cách đánh giá lại chính mình và lên kế hoạch ưu tiên phù hợp, sẵn sàng cải tổ mô hình quản lý, tinh giản bộ máy, xây dựng hệ thống cảnh báo kịp thời, hệ thống kiểm soát chặt chẽ và sẵn sàng đối phó với những bất ngờ. Những doanh nghiệp này đang tiếp tục vượt dốc, và sẽ vượt qua dốc. 
Nhóm thứ tư, là nhữngdoanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do xa rời năng lực lõi và tay nghề chuyên môn. Các doanh nghiệp nhóm này từng chớp thời cơ, kiếm lợi nhuận ngắn hạn như tham gia vào thị trường bất động sản, chứng khoán trong các năm trước, và đa số cũng bị thiệt hại nặng nề vào năm 2008 khi thị trường chứng khoán đổ dốc không phanh và thị trường BĐS thì đóng băng. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp này quay lại năng lực lõi vẫn còn kịp, lợi nhuận vẫn tiếp tục sinh ra từ hoạt động dựa trên năng lực lõi và tay nghề chuyên môn. Nghĩa là họ vẫn còn nguồn tiền vào từ hoạt động kinh doanh chính để nuôi bộ máy doanh nghiệp. Chính sách kích cầu của Chính phủ đã tiếp thêm nhiên liệu cho họ để từng bước vượt dốc bằng việc giảm chi phí lãi vay. So với nhóm thứ ba, nhóm doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn hơn. Sự phục hồi của thị trường bất động sản và chứng khoán chỉ là yếu tố hỗ trợ để họ vượt qua dốc nhanh hơn. Yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của họ chính là quyết tâm, bản lĩnh và trên hết phải là sự thay đổi triệt để nhận thức của ban lãnh đạo về chiến lược kinh doanh, triết lý kinh doanh. Cụ thể là muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, phải luôn luôn ưu tiên và tập trung vào phát triển năng lực lõi và tay nghề chuyên môn của doanh nghiệp.
Nhóm thứ năm, những doanh nghiệp rời xa năng lực lõi và tay nghề chuyên môn, tham gia vào thị trường bất động sản, chứng khoán bằng việc vay tiền ngân hàng quá nhiều, và bây giờ muốn quay lại lĩnh vực kinh doanh trước đây, họ phải làm lại từ đầu. Hoặc những doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, bất động sản không dựa trên vốn tự có của mình. Với nhóm doanh nghiệp này, chi phí lãi vay mỗi ngày một nhiều nhưng dòng tiền vào thì không có, chi phí quản lý doanh nghiệp phải ăn thâm vào vốn mỗi ngày. Khác với các doanh nghiệp nhóm bốn, thời gian phục hồi nhanh chậm của nền kinh tế, của thị trường chứng khoán, và bất động sản là yếu tố quan trọng đối với số phận của họ. 
Nhóm thứ sáu, tác động của cuộc khủng hoảng đã vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, họ đang tục dốc và cố gắng tồn tại được ngày nào hay ngày đó. Đối với nhóm này, chủ doanh nghiệp không nên giữ “bệnh sĩ”. Chấp nhận sự thất bại, kiên nhẫn làm lại từ đầu cũng là một tính cách đáng khâm phục của một doanh nhân.
Tóm lại, việc phân chia các doanh nghiệp theo nhóm như trên chỉ mang tính cách tương đối, và sẽ có nhiều doanh nghiệp có đủ tính chất của hai hoặc ba nhóm. Nhưng dù là nhóm nào, trong thời kỳ suy thoái, doanh nghiệp nên bình tâm nhìn lại chính mình, những điểm mạnh, yếu, cơ hội và đe doạ, từ đó đề ra những chiến lược mới phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Doanh nghiệp cũng nên tìm thêm một góc nhìn từ bên ngoài có uy tín để tăng tính khách quan trong công việc này. Một khi đã xây dựng và thống nhất chiến lược mới cho giai đoạn này, các doanh nghiệp cần hành động quyết đoán, tập trung, và hiệu quả để đem lại lợi thế cạnh tranh lâu dài trên nền tảng kiểm soát chặt chẽ từ nhiều nguồn.

Theo tuvanchienluoc.vn