Làm gì để có việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp?

Các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp, có thể sẽ rất lo lắng khi phỏng vấn xin một công việc mà mình không có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực đó. Bạn đừng lo lắng, điều đó không có nghĩa là bạn không thể nhận được một công việc tốt. Bạn vẫn có thể được nhà tuyển dụng lựa chọn nếu bạn thể hiện một thái độ tích cực, một phong cách chuyên nghiệp cùng một nền kiến thức, học vấn và các hoạt động xã hội nổi trội. Tìm kiếm việc làm có khó khăn đến đâu vào lúc này rồi cũng sẽ được giải quyết bởi những chuẩn bị kĩ càng và tập trung của bạn.

Xác định mục tiêu hiên tại và định hướng nghề nghiệp trong tương lai
Khi không có kinh nghiệm hoặc kỹ năng, bạn rất có thể sẽ gặp phải nhiều sự cạnh tranh từ các ứng viên đã có kinh nghiệm, hoặc những sự nghi ngại từ phía nhà tuyển dụng. Nếu bạn đang nắm bắt trong tay bất kì kinh nghiệm nào liên quan đến lĩnh vực mà bạn yêu thích, hãy chắc chắn rằng nó được dùng để bạn tích lũy kinh nghiệm. Những công việc này có thể là: công việc bán thời gian, tình nguyện hay thực tập. Nếu như bạn chưa làm những việc này trước khi tốt nghiệp thì vẫn chưa muộn. Dù không thể tìm được công việc chính thức, nhưng bạn có thể tiếp cận bằng những công việc mang tính chất tình nguyện. Tùy thuộc vào lĩnh vực mà bạn theo đuổi, bạn có thể cân nhắc những công việc làm tạm thời để tích lũy kinh nghiệm. Nhiều nhà tuyển dụng có thể lựa chọn trong danh sách những ứng viên tạm thời để tìm ra nhân viên tiềm năng và cho cơ hội trở thành nhân viên chính thức.
Cũng theo quan điểm này, bạn có thể cân nhắc một vị trí thấp hơn một chút so với kì vọng của bản thân, nếu nó cho phép bạn đặt một chân vào cánh cửa cơ quan của bạn, tạo cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng cấp cao hơn
Đây là cơ hội để bạn thể hiện những kỹ năng cũng như động cơ làm việc của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn tỏ ra vượt trội với các nhiệm vụ và mình được giao và sẵn sàng chờ đợi những trách nhiệm lớn hơn.Mọi người sẽ nhớ đến bạn khi có một vị trí phù hợp với nỗ lực của bạn.
Xem xét kỹ mô tả công việc của nghề nghiệp mà bạn muốn lựa chọn
Hãy tìm hiểu thông tin về vị trí bạn có ý định ứng tuyển. Cân nhắc tất cả những yêu cầu về trình độ học vấn, tình trạng thể chất các kỹ năng cần thiết để quyết định xem liệu mình không có kinh nghiệm thực tế thì bước vào lĩnh vực đó có phù hợp không. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi phỏng vấn vì bạn sẽ hiểu rõ về vị trí và công ty mình ứng tuyển.
Viết CV và đơn xin việc
Việc bạn không có kinh nghiệm và kỹ năng liên quan không có nghĩa là bạn không có điều gì để viết vào CV và thư xin việc. Trong thư xin việc, hãy giới thiệu ngắn gọn về bản thân, về những ưu điểm nổi bật của bạn và lí do bạn muốn làm việc cho công ty. CV của bạn nên đưa ra thông tin cá nhân và nền tảng học vấn, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, việc bạn tham gia làm thành viên câu lạc bộ, nhóm hội,…- vì mục đích chuyên nghiệp hoặc giải trí – và tất cả quá trình làm việc, kể cả tại những vị trí không liên quan đến công việc bạn muốn ứng tuyển.
Thể hiện một hình ảnh chuyên nghiệp và mặc trang phục phù hợp
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc là rất quan trọng. Nó quyết định rất lớn tới thiện cảm và sự tin tưởng của nhà tuyển dụng với bạn. Vì vậy, ngay cả khi bạn chỉ đến để nộp hồ sơ tại bộ phận lễ tân, hãy ăn mặc thật chuyên nghiệp và lịch sự. Và nên nhớ giữ cho tóc và móng tay sạch sẽ, gọn gàng.
Xây dựng nhiều mối quan hệ
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số lượng vị trí tuyển dụng ít mà số người ứng tuyển lại nhiều. Nhà tuyển dụng thường có xu hướng ưu tiên những ứng viên mà họ hiểu rõ về lý lịch cá nhân, trình độ học vấn. Vì vậy, nhiều mối quan hệ cũng đồng nghĩa với việc bạn có nhiều cơ hội chứng tỏ năng lực của bản thân hơn. Đồng thời, hãy tìm kiếm cơ hội việc làm từ nhiều nguồn khác nhau: các Website tuyển dụng, các bảng thông báo tuyển nhân viên, thông tin trên báo chí, hỏi bạn bè, người thân,…Đừng chỉ ngồi yên chờ đợi một công việc duy nhất.
Cung cấp mọi thông tin yêu cầu một cách đầy đủ và thành thật nhất
Dù bạn không hài lòng với kiến thức, kỹ năng hay bằng cấp của mình thì vẫn không nên nói dối. Những nhà tuyển dụng tinh tường sẽ phát hiện ra ngay và điều đó chỉ làm bạn thêm mất điểm trong mắt họ. Kể cả nếu bạn may mắn qua được kỳ phỏng vấn, việc thiếu kinh nghiệm cũng sẽ lộ ra trong quá trình làm việc sau này. Nên nhớ, sự thành thật là một trong những tiêu chí quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Hãy mỉm cười và luôn thể hiện thái độ tích cực, thân thiện và tự tin trong suốt quá trình phỏng vấn
Mặc dù việc bạn cảm thấy lo lắng trong một cuộc phỏng vấn là điều hoàn toàn bình thường, không một nhà tuyển dụng nào thích một ứng viên thiếu tự tin. Sự tự tin chính là tuyên bố mạnh mẽ nhất về năng lực của bạn. Hãy bình tĩnh giải thích cho nhà tuyển dụng rằng bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó và bạn sẵn sàng học hỏi và tự tin sẽ đạt được tiến bộ nhanh chóng.
Kiểm tra sau khi gửi hồ sơ và cảm ơn sau phỏng vấn
Do nhà tuyển dụng phải xem xét hồ sơ hoặc phỏng vấn quá nhiều, bạn cần phải biết cách làm cho mình nổi bật. Gọi điện hay gửi thư để cảm ơn người vừa tiếp nhận hồ sơ hoặc phỏng vấn mình sẽ tạo ra ấn tượng là bạn thực sự quan tâm và có nhiệt huyết với công việc đó. Việc này cũng sẽ gợi cho nhà tuyển dụng nhớ về bạn và biết đâu hồ sơ của bạn sẽ được lưu tâm hơn

Theo Lookjob