Top 15 thị trường xuất khẩu “tỉ đô” của Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng qua, đã có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu lượng hàng hóa của nước ta có trị giá từ 1 tỉ USD trở lên. Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng

Hoa Kỳ dẫn đầu
Con số này là một sự tăng trưởng vượt bậc, bởi cùng kì năm 2012, cả nước mới có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu lượng hàng hóa từ Việt Nam với kim ngạch 1 tỉ USD trở lên.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, với kim ngạch đạt 8,846 tỉ USD, tăng 1,276 tỉ USD so với cùng kì năm 2012 (cùng kì đạt 7,57 tỉ USD).
Kim ngạch trên cũng tương đương 44,98% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 vào thị trường Hoa Kỳ (năm 2012 xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 19,665 tỉ USD).
Không chỉ lớn về kim ngạch mà lượng hàng hóa xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng rất phong phú về chủng loại. Từ hàng hóa nông lâm thủy sản đến hàng dệt may, da giày, hàng công nghệ cao như điện thoại, máy tính hay vật liệu xây dựng…
Có thể nói gần như tất cả các nhóm hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam đều có mặt ở Hoa Kỳ.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu là thị trường “tỉ đô” khác của Việt Nam tiếp sau Hoa Kỳ lần lượt là: Nhật Bản (5,289 tỉ USD), Trung Quốc (4,948 tỉ USD), Hàn Quốc (2,646 tỉ USD), Đức (1,95 tỉ USD), Malaysia (1,917 tỉ USD), Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (1,598 tỉ USD), Anh (1,425 tỉ USD), Thái Lan (1,36 tỉ USD), Hồng Kông- Trung Quốc (1,325 tỉ USD), Campuchia (1,27 tỉ USD), Australia (1,258 tỉ USD), Hà Lan (1,137 tỉ USD), Singapore (1,035 tỉ USD), Ấn Độ (1,021 tỉ USD).
Nhìn vào cơ cấu trên ta thấy sự phân bố khá đồng đều khi có 4/5 châu lục (trừ châu Phi) có thị trường lớn từ 1 tỉ USD trở lên của Việt Nam.
Nếu xét về số lượng, châu Á vẫn là nơi có số lượng bạn hàng lớn nhiều nhất của Việt Nam với 10 quốc gia, vùng lãnh thổ; tiếp đến là châu Âu có 3 quốc gia, còn lại 1 ở châu Mỹ, 1 thuộc châu Đại dương.
Mối lo nhập siêu lớn từ Trung Quốc
Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng đồng thời cũng là nơi mà cán cân thương mại của Việt Nam chịu nhiều thua thiệt. Trong khi tất cả các thị trường lớn ở châu Âu, châu Mỹ, châu Đại dương Việt Nam đều xuất siêu thì đối với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á nước ta đang nhập siêu rất lớn.
Nhập siêu lớn nhất của nước ta đến từ Trung Quốc. Với kim ngạch nhập khẩu 13,948 tỉ USD, trong 5 tháng đầu năm 2013 nước ta nhập siêu tới 9 tỉ USD từ quốc gia này.
Đáng buồn hơn là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ có máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử hay nguyên vật liệu phục vụ công nghiệp dệt may, da giày mà ngay nhiều mặt hàng nông sản mà chúng ta cũng nhập khẩu lượng hàng trị giá hàng chục triệu USD.
Điển hình như rau quả nhập gần 49 triệu USD, thủy sản gần 10,4 tỉ USD…
Dù mới qua 5 tháng nhưng đã có tới 5 mặt hàng của Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu vào nước ta đạt 1 tỉ USD trở lên là: Vải các loại (1,472 tỉ USD); sắt thép các loại (1,021 tỉ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,786 tỉ USD); điện thoại các loại và linh kiện (2,147 tỉ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (2,245 tỉ USD).
Ngoài ra nước ta cũng đang chịu cảnh nhập siêu lớn từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác ở châu Á như: nhập siêu từ Đài Loan 2,736 tỉ USD (nước ta xuất khẩu 844 triệu USD, nhập khẩu 3,58 tỉ USD); nhập siêu từ Hàn Quốc 5,615 tỉ USD (nước ta nhập khẩu 8,261 tỉ USD); nhập siêu từ Thái Lan 1,054 tỉ USD (kim ngạch nhập khẩu 2,414 tỉ USD), nhập siêu từ Ấn Độ 203 triệu USD (nhập khẩu 1,224 tỉ USD).

Theo Báo hải quan