Đòi hỏi thoái vốn nhưng vẫn phải bảo toàn giá trị đầu tư như ban đầu trong tình hình kinh tế hiện nay là rất khó.
Vào trung tuần tháng 7-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2013/NĐ-CP về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định có hiệu lực từ 1-9-2013.
Một nguyên tắc quan trọng trong nghị định trên là yêu cầu khi đầu tư vốn ra ngoài DN, DN nhà nước (DNNN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ khi ngành nghề là kinh doanh bất động sản). DNNN cũng không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng. Nếu đã góp vốn vào những lĩnh vực trên thì phải có phương án cơ cấu và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư.
Cố gắng chọn thời điểm
Chuyện DNNN đầu tư ngoài ngành quá nhiều cần phải thoái vốn là chuyện cũ. Tuy nhiên, DNNN đang “mắc” ở chỗ thoái vốn trong tình hình kinh tế hiện nay chỉ có lỗ, mà lỗ thì Chính phủ lại không chấp nhận…
Theo báo cáo kiểm toán năm 2012 do Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tháng 4-2013, tổng các khoản đầu tư tài chính của các DNNN tính đến 31-12-2011 là 25.750 tỉ đồng. Nhiều khoản đầu tư trong đó không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị kể từ thời điểm đầu tư, nguy cơ mất vốn cao.
Một báo cáo của Bộ Tài chính cũng từng đưa ra con số 21.800 tỉ đồng, là tổng số tiền các DNNN đầu tư ngoài ngành. Trong đó, số tiền đầu tư vào ngân hàng lên tới 10.128 tỉ đồng, bất động sản là 5.380 tỉ đồng…
Mới đây, nhiều DNNN đã công bố thông tin về vấn đề thoái vốn. Vào tháng 8-2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá hơn 25 triệu cổ phần tại Ngân hàng An Bình. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đến năm 2015, sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay)…
Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN, chia sẻ: “Chúng tôi đang khó thoái vốn ở các dự án bất động sản. Trước đây, chủ trương là làm thế nào khi thoái vốn vẫn phải bảo toàn được vốn Nhà nước. Hiện Chính phủ có giao cho Bộ Tài chính đưa ra quy chế, cách thức để thoái vốn như thế nào vẫn bảo toàn vốn. Vì vậy, PVN đang chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính, cố gắng chọn thời điểm thoái vốn làm sao bảo toàn vốn Nhà nước cao nhất”.
Phải chấp nhận lỗ
Các chuyên gia kinh tế nhận định nếu đặt mục tiêu đảm bảo an toàn nguồn vốn Nhà nước lúc này thì không bao giờ giải được bài toán thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nói đây là điều gây khó lớn nhất trong việc thoái vốn.
Bởi lẽ trong một nền kinh tế đang phát triển, việc bảo toàn nguồn vốn thì dễ nhưng giữa lúc nền kinh tế đang suy thoái thì không thể được. Như vậy, giữa hai việc muốn lấy vốn đó ra dùng hiệu quả hơn hay cứ giữ đó để bảo toàn, chỉ được chọn một. Chính phủ phải ra quyết định dứt khoát là có chấp nhận để DNNN thoái vốn và mất vốn hay không?
“Vấn đề đặt ra là mất vốn ở mức bao nhiêu thì chấp nhận được, cơ quan chủ quản phải làm việc lại với DNNN về vấn đề này rõ ràng. Ví dụ, ở lĩnh vực bất động sản có thể chấp nhận mất 30% vốn nhưng ở ngân hàng có khi phải là 50%… Tùy vào lĩnh vực hoạt động, ngành… cần có sự thống nhất của Chính phủ với các nhà đầu tư” – ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói việc bán cổ phần của các DNNN ở lĩnh vực ngoài ngành cần giải quyết dứt điểm, thậm chí phải chấp nhận lỗ. “Trong 49 ngân hàng thương mại cổ phần chỉ khoảng 15 ngân hàng đang ăn nên làm ra, còn lại là thua lỗ. Nếu các DNNN đầu tư vào ngân hàng có nợ xấu cao thì việc cắt lỗ được, thoái vốn được là tốt lắm rồi, đừng nói đến chuyện lãi!” – ông Thành phân tích.
Theo ông, nếu các DNNN không muốn lỗ, có thể thương lượng với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chuyển hết nguồn vốn đó cho SCIC để SCIC theo dõi và giải quyết cổ phần của DNNN cần phải thoái vốn. Như vậy, các DNNN có thể rảnh tay hơn tập trung kinh doanh ngành chủ lực.
Đồng thời, tại nghị định nói trên, Chính phủ đã có một hướng mở cho các DNNN khi thoái vốn. Đó là thông qua các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán để đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán.
Nên bỏ trách nhiệm hình sự nếu thất thoát vốn do khách quan
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ nên xem xét lại việc quy trách nhiệm hình sự cho các lãnh đạo của DNNN, vì đây là điều họ sợ nhất trong tái cấu trúc DNNN. Trường hợp cá nhân tham nhũng, lấy tiền Nhà nước bỏ vào túi mình thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu để thất thoát vốn thì quy trách nhiệm thương mại, cùng lắm là mất chức, còn bỏ họ vào tù thì không chấp nhận được. Vì có rất nhiều DNNN, thời điểm đầu tư vào ngân hàng hay bất động sản là quyết định của lãnh đạo khác, góc nhìn thời điểm đó khác. Nếu cam kết được điều đó, các lãnh đạo DNNN sẽ “mạnh tay” thoái vốn hơn.
Theo PhapluatTP.HCM