Những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Trong báo cáo tháng 7 về Việt Nam, ANZ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 từ 5,6% xuống 5,1% và hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống 5,25%, thấp hơn dự báo 6,3% trước đó.

Ernst & Young: Việt Nam có thể tăng trưởng GDP bền vững đạt 7% vào năm 2015
Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) vừa công bố ấn phẩm phát hành theo Quý “Dự báo triển vọng các thị trường tăng trưởng nhanh” (Rapid-Growth Markets Forecast) của EY toàn cầu phối hợp với Oxford Economics thực hiện.
Trong ấn phẩm này, EY công bố đánh giá về triển vọng kinh tế của các nước tăng trưởng nhanh tại châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh kinh tế hiện tại và dự báo trong trung hạn, Việt Nam có thể tăng trưởng GDP bền vững đạt 7% vào năm 2015.
Theo EY, mặc dù sự kiểm soát tiền tệ và tài chính đang dần nới lỏng do lạm phát đang được kiểm soát, tăng trưởng năm 2013 của Việt Nam vẫn ở mức 5% -6%.
EY cho rằng, tăng trưởng GDP sẽ đạt đỉnh ở mức trên 7% trong năm 2015, do xuất khẩu được cải thiện và đầu tư vào công nghiệp mạnh mẽ hơn (đẩy mạnh bởi xu hướng thuận lợi của khu vực) và tăng tiêu dùng cá nhân.

ANZ hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2013-2014
Trong báo cáo tháng 7 về Việt Nam, ANZ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 từ 5,6% xuống 5,1% và hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống 5,25%, thấp hơn dự báo 6,3% trước đó. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012.
ANZ cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức trung bình dài hạn là 7% do những thách thức tái cơ cấu hệ thống ngân hàng làm hạn chế nền kinh tế.
ANZ đánh giá, sự ra đời của công ty mua bán nợ xấu (VAMC) chưa đủ để giải quyết triệt để nợ xấu ngân hàng.

CPI cả nước tháng 7 tăng 0,27% so với tháng trước
Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7. Không khác nhiều so với các tỉnh thành đã công bố trước đó, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 7 tăng 0,27% so với tháng trước.
Nhóm hàng giao thông bị ảnh hưởng nặng nề của việc tăng giá xăng dầu, đạt mức tăng 1,34% so với tháng 6. Tuy nhiên, tính bình quân 7 tháng đầu năm nay thì nhóm hàng này cũng mới tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2012.
Sau quãng thời gian tăng mạnh 6 tháng đầu năm, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng chậm lại và đạt mức tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2013 tăng mạnh 58,43% so với cùng kỳ năm 2012.

7 tháng thu hút được hơn 11,9 tỷ USD vốn FDI
Theo một nguồn tin dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn FDI trong 7 tháng đầu năm ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Về vốn đăng ký, tổng vốn đăng ký trong 7 tháng đầu năm ước đạt 11,91 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó vốn đăng ký mới ước đạt 6,92 tỷ USD, tăng 10%; vốn đăng ký tăng thêm ước đạt 4,99 tỷ USD, tăng 36,2%.
Đối chiếu với số liệu của 6 tháng đầu năm thì tính riêng tháng 7, cả nước thu hút thêm được khoảng 1,43 tỷ USD; trong đó vốn cấp mới là hơn 1,1 tỷ USD, vốn tăng thêm là 330 triệu USD. Giải ngân vốn FDI trong tháng ước đạt 950 triệu USD.

Xuất siêu 200 triệu USD trong tháng 7
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tháng 7 này ước tính cả nước sẽ xuất siêu 200 triệu USD, trong khi đó, từ đầu năm đến nay cả nước vẫn nhập siêu.
Riêng tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 11,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 1,2 tỷ USD. Như vậy, việc xuất siêu của cả nước tháng 7 tiếp tục nhờ hưởng lợi từ khu vực này.
Các mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất trong 7 tháng là điện thoại các loại và linh kiện 11,63 tỷ USD, dệt may 9,64 tỷ USD, dầu thô 4,28 tỷ USD, giày dép 4,79 tỷ USD, điện tử, máy tính và linh kiện 5,69 tỷ USD…

Thu ngân sách ngành thuế tăng 4,2%
6 tháng đầu năm, mặc dù thu ngân sách của toàn ngành thuế có tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp so với dự toán được giao. Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn ngành thuế phải tập trung nguồn lực cho công tác này mới có thể đảm bảo hoàn thành dự toán được Quốc hội giao.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm để truy thu, truy hoàn thuế là cách mà nhiều Cục thuế đang tăng cường áp dụng. Bằng chứng là việc dồn quân vào khu vực này đã giúp ngành thuế 6 tháng đầu năm truy thu, truy hoàn cho ngân sách trên 3.000 tỷ đồng, đấu tranh giảm lỗ tới gần 4.200 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ của các tập đoàn, tổng công ty lên gần 70% vốn
Kết quả kiểm toán ở 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, nợ phải trả của các đơn vị này lên tới gần 70% tổng số vốn.
Đây là con số vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố trong buổi họp báo về kết quả kiểm toán năm 2012, vào sáng ngày 25/7.
Theo ông Đào Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, tổng số vốn của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến hết 31/12/2011 là trên 263.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 24,7%.
Tuy nhiên, phân tích chi tiết con số trên, ông Dũng cho biết, nợ phải trả của các đơn vị trên chiếm tới 69,94% tổng nguồn vốn.

Theo Trí Thức Trẻ