Bạn có cảm thấy hồi hộp mỗi khi đi phỏng vấn xin việc làm không? Không nên quá căng thẳng, bạn sẽ trả lời tốt những câu hỏi khó nếu bạn biết người nghe mong đợi câu trả lời thế nào.
Sau đây là một số câu hỏi phỏng vấn xin việc làm mà các công ty trên toàn thế giới sử dụng rất nhiều lần trong các đợt tuyển nhân viên.
1. Vì sao bạn lại bỏ công việc trước đây, công việc đang làm?
Bất kể bạn ghét công ty đó như thế nào đi chăng nữa thì cũng không nên đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về đồng nghiệp cũ và công ty cũ. Đừng lo sợ khi trả lời phỏng vấn rằng bạn nằm trong số nhân viên bị giảm biên chế. Ngày nay, việc giảm thiểu nhân viên trong các doanh nghiệp là chuyện bình thường. Hãy tập trung vào việc vì sao bạn gửi đơn vào vị trí này, nó phù hợp với khả năng của bạn như thế nào.
2. Bạn mong đợi có được vị trí nào trong 5 năm tới?
Hãy tránh trả lời câu hỏi này bằng một bài diễn văn dài dòng đã học thuộc lòng sẵn ở nhà. Thay vào đó, hãy tỏ ra thành thật với những mục tiêu mà mình đề ra hoặc tìm kiếm trong con đường công danh.
3. Bạn có cảm tưởng gì về công ty của chúng tôi?
Bạn có thể chuẩn bị câu trả lời từ ở nhà. Bạn hãy tìm hiểu lịch sử của công ty và kiểm tra lại thông tin của mình bằng trang web của công ty hoặc nói chuyện với các nhân viên đang làm tại công ty. Hãy nói về sức mạnh của công ty và thậm chí cả những gì bạn dự đoán trong tương lai về sự lớn mạnh của công ty.
4. Tại sao bạn nghĩ rằng chúng tôi nên thuê bạn?
Không nên trả lời rằng: “Vì tôi là người phù hợp nhất cho công việc này” bởi vì câu trả lời đó quá chung chung. Thay vào đó, thể hiện một cách trôi chảy những kinh nghiệm công việc của mình có liên quan và phù hợp với vị trí này. Đưa ra cả những ví dụ cụ thể về kinh nghiệm trước đây của mình.
5. Thế mạnh của bạn là gì?
Đây không phải là lúc để khiêm tốn mà bạn phải biết đánh giá những kỹ năng của mình phù hợp với vị trí đang trống. Chẳng hạn như khi công việc yêu cầu lãnh đạo một nhóm làm việc hãy nói về những kỹ năng làm lãnh đạo mà bạn có trước đây. Chớ có nói về những thành tích đạt được trong thể thao. Sự phù hợp là một chìa khóa dẫn tới thành công trong trả lời phỏng vấn.
6. Điểm yếu của bạn là gì?
Bạn chỉ nên trả lời qua qua thôi. Hãy đưa ra một vài ví dụ về một vài khuyết điểm của bạn nhưng những lỗi này không ảnh hưởng gì tới công việc bạn đang nộp đơn. Đừng nói: “Tôi chẳng có điểm yếu nào cả” vì điều này không đúng.
7. Bạn muốn hỏi gì không?
Tránh không nên hỏi về lượng, lợi ích xã hội hay thời gian nghỉ phép. Bạn chỉ nên hỏi những vấn đề này sau khi đã trúng tuyển. Hãy hỏi những câu hỏi về kế hoạch và đường hướng phát triển của công ty. Cố gắng đưa ra những câu hỏi có liên quan tới một số vấn đề được thảo luận trong buổi phỏng vấn để chứng tỏ bạn rất quan tâm.
8. Công việc trước của bạn như thế nào?
Điều quan trọng nhất là bạn không nên để cho người phỏng vấn thấy rằng có mối quan hệ giữa các kỹ năng mà bạn đã sử dụng trong công việc trước đây với công việc họ sẽ thuê nhà. Thể hiện sự nhiệt tình của mình với công việc cũ kèm theo một số thành tích.
9. Với kinh nghiệm của mình dường như công việc này quá dễ với bạn. Vì sao bạn lại đăng ký vào vị trí này?
Nếu bạn quá tâng bốc kinh nghiệm của mình, sẽ dẫn tới câu hỏi vì sao bạn lại đăng ký cho vị trí này. Người phỏng vấn sẽ nghĩ rằng bạn sẽ chỉ làm công việc này mang tính thời vụ thôi và khi tìm được một công việc tốt hơn, bạn sẽ chuyển đi. Nhiệm vụ của bạn là phải thuyết phục để họ tin rằng bạn rất thích làm vị trí này.
10. Bạn mong có mức lương tối thiểu là bao nhiêu?
Cách tốt nhất nói về mức lương là sau khi bạn biết rõ công việc yêu cầu những gì. Nhưng nếu như người phỏng vấn nhất định đòi bạn đưa ra một con số thì bạn nên làm một cuộc điều tra trước khi đi phỏng vấn. Hỏi những người làm ở vị trí tương đương để bạn có thể đưa ra con số gần đúng, chứng tỏ bạn rất biết giá trị sức lao động của mình.
Theo Thế Giới Phụ Nữ