Số liệu cập nhật từ Bộ Công thương tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2013 cho thấy, ngành thép đang đối mặt với không ít khó khăn.
Những khó khăn được thể hiện như: thị trường bất động sản – đầu ra chính của ngành thép đang đóng băng; nguồn cung mặt hàng thép trong nước ngày càng tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm và không ổn định dẫn đến lượng hàng tồn kho cao; thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục vào Việt Nam…
Thị trường xuất hiện hiện tượng bán phá giá để chiếm lĩnh thị phần và cạnh tranh lẫn nhau. Vì vậy, sản lượng sắt, thép thô tháng 7 ước đạt 226,7 nghìn tấn, tăng 14,9% so với tháng 7 năm 2012,tuy nhiên 7 tháng ước đạt hơn 1,55 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ. Thép cán ước đạt 251,3 nghìn tấn, tăng 35,8% so với tháng 7 năm 2012, tính chung 7 tháng ước đạt hơn 1,59 triệu tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Thép thanh, thép góc ước đạt 289,7 nghìn tấn, tăng 30,2% so với tháng 7 năm 2012, tính chung 7 tháng ước đạt 1,92 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Báo cáo cũng cho thấy, để cải thiện lượng tiêu thụ, hầu hết các nhà sản xuất đều tổ chức các hoạt động như khuyến mại và tăng chiết khấu bán hàng cho khách hàng để kích cầu; giảm giá theo lô, theo công trình và hỗ trợ giá vận chuyển. Nhìn chung, so với tháng trước, giá bán tại nguồn hiện nay đã giảm phổ biến từ 100 – 250 nghìn đồng/tấn tùy theo khu vực và thương hiệu sản phẩm.
Hiện giá bán thực tế tại nguồn (chưa tính VAT, giao tại nhà máy, trừ chiết khấu tối đa) tùy theo quy cách, chủng loại sản phẩm: thép cây thông dụng phổ biến ở mức từ 12,62 – 13,62 triệu đồng/tấn; thép tròn cuộn từ 12,62 – 13,47 triệu đồng/tấn.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp