Nội dung nổi bật:
McDonald’s là chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng và hùng mạnh nhất thế giới, bỏ xa các đối thủ khác như Starbucks hay KFC. McDonald’s cũng là mục tiêu công kích chính trị và đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất về nguyên nhân gây bệnh béo phì.
Bí quyết thành công:
Ra đời đúng hoàn cảnh fast-food nở rộ tại Mỹ;
Chuyên biệt hóa quá trình chế biến;
Phổ biến phong cách tự phục vụ;
Chính sách nhượng quyền ưu ái;
Tài năng kinh doanh bất động sản.
—————————————————————————————————
Người khổng lồ nước Mỹ
McDonald’s, cùng với Coca-Cola, Disney, phim Hollywood… từ lâu được xem là biểu tượng của văn hóa Mỹ được phổ biến sang các quốc gia khác.
Với hơn 34.500 cửa hàng và 1,8 triệu nhân viên làm việc trên thế giới, vị trí của McDonald’s còn hơn một chuỗi thức ăn nhanh thông thường, là nơi cung cấp số lượng việc làm nhiều nhất nước Mỹ, người mua lớn nhất các sản phẩm nông nghiệp, sở hữu số lượng bất động sản nhiều hơn bất cứ công ty nào trên thế giới, nhà phân phối lớn nhất các sản phẩm đồ chơi, và tất cả đều xoay quanh sản phẩm chính, những chiếc burger từng bị kết án là nguyên nhân gây nên bệnh béo phì ở trẻ em.
McDonald’s giữ một khoảng cách khá xa so với đối thủ cạnh tranh về hiệu quả tài chính, doanh thu 2012 của họ gấp gần 3 lần KFC và hơn 2 lần Starbucks.
Hiện tại Starbucks đang trở thành đối thủ chính của McDonald’s, khi vừa sở hữu chuỗi bánh mỳ La Boulange và tấn công vào thị trường đồ ăn sáng, vốn là thế mạnh của McDonald’s.
Nhưng ngược lại, McDonald’s cũng mở rộng sang lĩnh vực café với chuỗi Mccafe, chuỗi cửa hàng café thành công nhất tại Úc, nơi người Úc từ chối Starbucks nhưng lại chấp nhận uống café của một thương hiệu fastfood.
Tất nhiên, mọi thứ không phải toàn màu hồng với McDonald’s.
Họ cũng từng thua lỗ vào năm 2002 và 2007, là mục tiêu công kích chính trị cũng như là đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất về nguyên nhân gây bệnh béo phì. Hầu như tất cả mọi tội lỗi của fastfood đều được ghi cho McDonald’s.
Đã có một thuật ngữ gọi là McDonaldization để ám chỉ sự ảnh hưởng của fastfood lên đời sống xã hội, đặc biệt nhấn mạnh đến sự thay đổi trong thói quen, hành vi, văn hóa trong xã hội Mỹ cũng như các quốc gia khác kể từ khi McDonald’s xuất hiện.
Và cũng có một tổ chức gọi là SlowFood được thành lập để chống lại sự xâm chiếm của fastfood nói chung và McDonald’s nói riêng.
Tuy nhiên, hiện tại McDonald’s vẫn đang phục vụ cho gần 1% dân số thế giới mỗi ngày, và mở mới trung bình 600 cửa hàng mỗi năm trong vòng 5 năm qua.
Thành công nhờ thời cơ
Fastfood, theo đúng định nghĩa là đồ ăn được chuẩn bị và phục vụ một cách nhanh chóng, thường theo thực đơn có sẵn và trình bày mẫu mã theo cùng một tiêu chuẩn kiểu dáng.
Sự phát triển của fastfood gắn liền với 2 giai đoạn thay đổi quan trọng trong xã hội Mỹ.
Những năm 40-50 với sự phát triển hạ tầng và di cư ồ ạt sang miền Tây, thúc đẩy kinh tế các bang phía Tây đi kèm với sự bùng nổ của nền công nghiệp ô tô đã dẫn đến sự ra đời ồ ạt các drive-in restaurant (kiểu cửa hàng mà khách hàng được phục vụ mang đồ ăn ra tận bãi đỗ xe).
Sau đó là những năm 70 khi phụ nữ bắt đầu tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, họ không còn thời gian tự chuẩn bị bữa ăn cho gia đình và lựa chọn thức ăn nhanh trở thành điều tất yếu. Dù phần lớn thức ăn là đồ đông lạnh, đóng hộp, sấy khô, sử dụng chất bảo quản và hương liệu hóa học, fastfood vẫn được đánh giá cao nhờ giá thành thấp, phục vụ nhanh, tiện lợi và sạch sẽ. Do đó những chiếc burger, sandwich, pizza, hot dog… trở nên quen thuộc và là một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.
McDonald’s cũng đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Không phải là kiểu doanh nghiệp thành công nhờ là người đi tiên phong, nhưng anh em nhà Donald’s đã mang đến hai thay đổi mang tính căn bản trong lịch sử ngành fastfood.
Thứ nhất là chuyên biệt hóa quá trình chế biến.
Khi mới ra đời, McDonald’s vẫn theo kiểu nhà hàng drive-in truyền thống, bán những chiếc burger giá rẻ do một người thực hiện mọi công đoạn chế biến và mang phục vụ ra tận cửa ô tô.
Tuy nhiên nhận thấy việc phải trả lương cao cho đầu bếp và thời gian chờ đợi lâu cho mỗi yêu cầu mang lại những rắc rối, McDonald’s đã sử dụng mô hình vốn rất phổ biến trong nền công nghiệp Mỹ khi đó áp dụng vào cửa hàng đồ ăn. Từng người sẽ phụ trách một công đoạn riêng biệt, do đó McDonald’s có thể thuê nhân công giá rẻ không cần kinh nghiệm thực hiện một vài kỹ năng cơ bản.
“Speedee Service System” dù không mới trong xã hội Mỹ, nhưng kể từ khi McDonald’s phát triển khái niệm này, nó đã trở thành mô hình cho các chuỗi fastfood khác học tập.
Điểm thành công thứ hai, McDonald’s đã phổ biến phong cách tự phục vụ, khách hàng thay vì ngồi trên xe ô tô được ăn tại chỗ, giờ đây họ phải đứng xếp hàng chờ đến lượt mang đồ ăn.
Từ hai điều trên, các chuỗi fastfood nói chung và McDonald’s nói riêng đã giảm giá thành đáng kể và việc phục vụ trở nên nhanh hơn nhiều so với nhà hàng truyền thống, càng phổ cập kiểu phục vụ thức ăn nhanh ra các khu vực mới.
Thành công của McDonald’s còn gắn liền với hai cái tên khác, Ray Kroc và Harry Sonneborn.
Trong khi vị cựu chủ tịch Ray Kroc là người mở rộng tên tuổi của McDonald’s ra toàn nước Mỹ thông qua nhượng quyền thì ngài Sonneborn là người đưa ra khái niệm công ty bán thức ăn nhanh kinh doanh bất động sản.
McDonald’s kinh doanh bất động sản thương mại, chủ yếu ở Mỹ và một số nước châu Âu, tự mở nhà hàng hoặc cho các đơn vị nhượng quyền thuê lại trên những địa điểm sở hữu. Dù thu nhập từ đây chiếm tỷ lệ không cao trong tổng thu nhập, nhưng bù lại hoạt động này có margin cao và đem lại lợi thế cho doanh nghiệp trong việc đàm phán và kiểm soát các cửa hàng nhượng quyền.
Họ cũng sử dụng sức mạnh thương hiệu trong việc đàm phán mua lại mặt bằng hoặc thuê lại cùng hợp đồng dài hạn với giá rẻ mạt ở những khu vực mới phát triển hay trung tâm thương mại đang xây dựng. Có ai từ chối một cửa hàng McDonald’s xuất hiện ngay từ khi mới khai trương để thu hút cư dân xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ?
Chính sách nhượng quyền ưu ái cùng tài năng kinh doanh bất động sản trong thời gian đầu là hai điểm quan trọng khác tạo nên sức bật của McDonald’s gây ảnh hưởng ra toàn thế giới sau này.
Ngày nay, khi những chiếc Big Mac, khoai tây chiên phục vụ kèm Coca-Cola đã trở nên phổ biến, công việc của McDonald’s là nhân rộng mô hình đã được tiêu chuẩn của mình, đồng thời phát triển những thực đơn mới.
Họ tất nhiên là vẫn phải tiếp tục đấu tranh với những lời chỉ trích, phản đối về thực đơn không lành mạnh, có hại cho sức khỏe, và đau đầu với sự bám đuổi của các đối thủ cạnh tranh như Subway, Wendy’s, Burger King, KFC…
Và giờ đây khi đến Việt Nam, liệu McDonald’s có tìm được thành công như họ mong muốn?
Kỳ 2: McDonald’s và thử thách tại Việt Nam
Theo Trí Thức Trẻ