Phương án phát hành NVDR không đòi hỏi phát hành thêm cổ phiếu hay thay đổi khung luật pháp của Việt Nam nhưng đòi hỏi phải thành lập một công ty thanh toán.
Phương án nới room lên trên 49% ít khả năng xảy ra nhất bởi sẽ phải sửa lại Luật Chứng khoán, nghĩa là cần có thời gian và cần được Quốc hội thảo luận. Như vậy, khả năng tăng room cho khối ngoại theo 2 phương án còn lại là khá cao và cũng đã có một số ý kiến về việc nâng room khối ngoại thêm 10% lên 59% thông qua hình thức NVDR.
Tăng room cho khối ngoại
Hoạt động mua bán của khối ngoại luôn có tác động nhất định đến diễn biến lên xuống của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đặc biệt là tại sàn HOSE. Tại những mã được khối ngoại ưa thích, room luôn đầy như ACB, MBB, VNM, FPT, REE, DHG, HCM, SSI… Việc nới room chắc chắn sẽ dẫn một lượng vốn ngoại lớn vào thị trường thông qua những mã trên. Do đó, đây được xem là yếu tố có tầm ảnh hưởng tích cực nhất.
Việc nới room sẽ dẫn lượng vốn lớn vào thị trường
Theo VCSC việc nới room đang được xem xét, sẽ theo một trong bốn phương án sau: nới room lên trên mức 49%, cho phép phát hành cổ phiếu không biểu quyết như một loại hình cổ phiếu riêng biệt, áp dụng hình thức chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (NVDR, tương tự mô hình của Thái Lan) và gián tiếp đầu tư thông qua các quỹ ETF do Việt Nam quản lý.
Trong các phương án trên, phương án nới room lên trên 49% ít khả năng xảy ra nhất bởi sẽ phải sửa lại Luật Chứng khoán, nghĩa là cần có thời gian và cần được Quốc hội thảo luận. Còn phương án cho phép phát hành cổ phiếu không biểu quyết như một loại hình cổ phiếu riêng biệt sẽ khiến sàn giao dịch có thêm các “mã” mới dành cho các cổ phiếu này và doanh nghiệp niêm yết sẽ phải chịu thêm chi phí phát hành, đồng thời kinh nghiệm của các nước khác cho thấy các cổ phiếu này thường có thanh khoản thấp.
Như vậy, khả năng tăng room cho khối ngoại theo 2 phương án còn lại là khá cao và cũng đã có một số ý kiến về việc nâng room khối ngoại thêm 10% lên 59% thông qua hình thức NVDR. Phương án này không đòi hỏi phát hành thêm cổ phiếu hay thay đổi khung luật pháp của Việt Nam nhưng đòi hỏi phải thành lập một công ty thanh toán nhằm quản lý việc phát hành và bán lại NVDR.
Với phương án gián tiếp điều tiết thị trường thông qua các quỹ ETF do Việt Nam quản lý (Thông tư 229/2012/TT-BTC ban hành ngày 27/12/2012 quy định việc thành lập và quản lý các quỹ ETF trong nước, có hiệu lực từ ngày 1/9/2013), giới chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ tham gia của khối ngoại vào các mã hết room do khối ngoại sẽ được phép mua ETF của Việt Nam.
Tuy nhiên, đầu tư vào các quỹ ETF cũng có nghĩa là NĐT chỉ có thể lựa chọn một hình thức quản lý bị động. Ngoài ra, có một số hạn chế nhất định xung quanh việc thành lập các quỹ ETF tại Việt Nam khiến đầu tư vào ETF tại giai đoạn này khó có thể hoàn toàn thay thế đầu tư trực tiếp.
VAMC và gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng
Ngoài việc tăng room cho khối ngoại, thị trường sắp tới còn nhận được hỗ trợ từ những hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Theo các chuyên gia của VCSC, tính đến tháng 4/2013, tỷ lệ nợ xấu chính thức do ngân hàng báo cáo tăng lên 4,67% từ mức 4,08% hồi cuối năm 2012. Phần lớn các ngân hàng được niêm yết trên sàn chứng khoán như MB, Eximbank, VietinBank và Sacombank đều báo cáo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tính đến hết quý I/2013.
Về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho bất động sản (BĐS), Chính phủ đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp (lãi suất 6% trong 3 năm đầu, sau đó là 50% lãi suất cho vay thông thường nhưng không quá 6%) trị giá 30.000 tỷ đồng thông qua 5 ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, gói tín dụng này sẽ có tác dụng hỗ trợ nhưng việc giải quyết tận gốc tình hình khó khăn của BĐS, cũng cần thời gian và sự vào cuộc của chính quyền khi hàng hóa là nhà ở xã hội còn đang không có.
Theo Thời báo kinh doanh