Biến động tỷ giá vừa qua chỉ là một con sóng nhỏ

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chỉ nên can thiệp điều chỉnh tỷ giá khi có các áp lực thực sự của thị trường về cung cầu ngoại tệ.

Xung quanh biến động về tỷ giá phiên giao dịch ngày 22/8, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng. 

Đâu là nguyên nhân chính khiến tỷ giá tăng trong ngày 22/8 vừa qua, thưa ông?
Theo tôi, nguyên nhân chính một mặt là do tin đồn gần đây xung quanh khả năng NHNN có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Thêm vào đó, nhu cầu USD tăng đột biến mang tính cục bộ của một vài hợp đồng nhập khẩu lớn, chủ yếu liên quan đến mảng nhập khẩu xăng dầu.

Nhận định của ông về thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm, liệu còn các yếu tố nào có thể gây áp lực tăng tỷ giá?
Vấn đề lớn nhất có thể gây áp lực tỷ giá là quan hệ cung – cầu trên thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, nói chung, mối quan hệ này sẽ không có vấn đề gì lớn. Bởi, rõ ràng về nguồn cung vẫn rất tốt: Giải ngân FDI, ODA, kiều hối… vẫn đều đặn. Trong khi về phía cầu, việc cho vay ngoại tệ đã giảm đáng kể, chỉ còn một số cầu liên quan đến việc nhập khẩu nhưng nhiều dự báo cho thấy, mức nhập siêu năm nay cũng rất nhỏ. Hơn nữa, việc thị trường vàng ngày càng đi vào ổn định hơn thì tâm lý cũng sẽ tốt lên, cũng như góp phần giảm cầu về ngoại tệ.
Hiện chỉ có hai vấn đề cần quan tâm là: Một, vấn đề tâm lý. Nhiều người dân vẫn có tâm lý là kiểu gì thì kiểu, tiền đồng Việt Nam sẽ phải giảm giá so với USD. Hai, tất nhiên, có thể vẫn có những sóng nhẹ nhất định như diễn biến ngày 22/8 vừa qua chẳng hạn, do nhu cầu USD tăng cục bộ vào những thời điểm nhất định ở mảng xăng dầu, thanh toán hàng hóa nhập khẩu… Tuy nhiên, quan điểm của tôi là những biến động, nếu có, sẽ chỉ là những đợt sóng nhỏ và nói chung, thị trường ngoại hối và tỷ giá sẽ khá ổn định. Tất nhiên ở đây chúng ta nói ổn định không có nghĩa là cố định, tức là trong ổn định vẫn có thể có những đợt sóng nhẹ.

Giả sử thời gian tới, tỷ giá tiếp tục được giao dịch ở mức trần, áp lực cung – cầu tăng. Theo ông nên xử lý thế nào?
NHNN hiện có 3 cách can thiệp truyền thống: Một, can thiệp về mặt thị trường (mua vào – bán ra theo tín hiệu thị trường); Hai, can thiệp thông qua điều chỉnh nhẹ tỷ giá như điều chỉnh 1% như thời điểm cuối tháng 6 vừa qua; Và ba là có thông tin kịp thời về tình hình để trấn an dư luận.
Như vậy, trong trường hợp có các diễn biến căng thẳng đến mức phải can thiệp thì NHNN có thể dùng một trong các cách này để xử lý. Nhưng cần lưu ý rằng, khi thị trường có các biến động không phải do nguyên nhân chênh lệch cung – cầu thực sự mà chỉ do tác động tâm lý từ những thông tin, nhận định thiếu cơ sở liên quan đến định hướng điều hành tỷ giá của NHNN, thì NHNN chỉ cần thông tin để định hướng dư luận là đủ.
Tôi cho rằng, chỉ nên can thiệp điều chỉnh tỷ giá khi có các áp lực thực sự của thị trường về cung cầu ngoại tệ. Áp lực này có thể thấy qua các dấu hiệu như: Việc giao dịch mua bán USD của các NHTM luôn duy trì ở mức kịch trần của biên độ cho phép trong thời gian dài, cùng với đó là những tác động tâm lý nặng nề ở bên ngoài…

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng