Dự báo trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng xoay quanh mức 1% do ảnh hưởng từ mưa bão, nhu cầu một số mặt hàng tăng và việc điều chỉnh tăng học phí đầu năm học…
Đây là nhận định của các thành viên tại phiên họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 26/8.
Dịch vụ y tế đẩy CPI tháng 8 tăng mạnh
Đúng như dự đoán của Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI cả nước tháng 8 đã tăng 0,83% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – phân tích: CPI tháng 8 tăng khá cao do chịu tác động mưa bão và giá dịch vụ y tế Hà Nội thay đổi. Từ ngày 1/8, Hà Nội tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước. Chính vì vậy, chỉ số giá dịch vụ y tế tháng 8 tăng 63,94% so với tháng 7 của Hà Nội đã đẩy chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% và đóng góp 0,23% vào mức tăng CPI chung của cả nước. Đây là nhóm có mức tăng cao nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến mức tăng CPI tháng 8.
Tiếp đến là nhóm giao thông, tăng 1,11% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá xăng dầu điều chỉnh tăng trong các tháng trước đó.
Nhóm giáo dục và nhà ở, vật liệu xây dựng cũng là nhóm có mức tăng chỉ số giá cao (lần lượt 0,9% và 0,88%) do nhu cầu của nhiều hàng hóa phục vụ năm học mới bắt đầu tăng, điều chỉnh học phí của một số địa phương.
Trong tháng 8, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống mặc dù không tăng cao (tăng 0,54%) nhưng do có tỷ trọng lớn nên cũng ảnh hưởng đến mức tăng CPI chung do các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng.
Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, trong tháng 8, mặc dù nguồn cung và nhu cầu hàng hóa trong nước không có nhiều biến động nhưng một số loại hàng hóa thiết yếu như đường, sữa, gas… có chiều hướng tăng giá; một số hàng hóa như phân bón, xăng dầu… lại giảm giá do ảnh hưởng từ giá thế giới.
CPI tháng 9 có thể tăng 1%
Trong tháng 9, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của một số yếu tố như: Thời tiết đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, nhu cầu một số mặt hàng tăng và việc điều chỉnh tăng học phí vào dịp đầu năm học mới.
Đại diện Tổng cục Thống kê cảnh báo, trong tháng 9, nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tác động lớn đến CPI. Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá dịch vụ giáo dục ở nông thôn sẽ tăng tới 6 lần và thành thị tăng 5 lần. Tính toán sơ bộ, riêng dịch vụ giáo dục của TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng góp vào chỉ số giá chung cả nước là 0,7%. Ngoài ra, ảnh hưởng của chỉ số giá các tỉnh khác sẽ đẩy nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao.
Việc giá điện điều chỉnh tăng 5% vào tháng 8 chưa tác động ngay mà sẽ tác động trong tháng 9. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm giá xăng tối thiểu 300 đồng/lít ngày 22/8 cũng sẽ tác động đáng kể tới CPI chung của tháng tới.
Mùa mưa bão liên tiếp và xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá thực phẩm có xu hướng nhích lên trong tháng 9.
“Với những tác động đó, dự báo tháng 9, mức tăng CPI sẽ xoay quanh 1%”- đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.
Kiểm soát thị trường sữa
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổ điều hành kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương bảo đảm cung – cầu trong dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Trước tình hình nhiều sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em liên tục tăng giá trong những tháng đầu năm, ngày 7/8/2013, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc phân loại các sản phẩm sữa, đề nghị Bộ Y tế cung cấp danh sách các công ty sản xuất, kinh doanh sữa, danh mục các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và danh mục các thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đồng thời, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng có công văn đề nghị các doanh nghiệp cung cấp danh mục sản phẩm sữa, các sản phẩm thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng… dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi mà hiện nay doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý giá, hầu hết các doanh nghiệp gửi danh sách lên đều không có sản phẩm nào gọi là sữa, mà chỉ gọi là sản phẩm thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng…
Theo Báo Công thương