Đi làm sớm được tăng tiền lương, bạn thấy sao?

Giảm được phần giờ làm thêm vào buổi tối, tăng phần giờ làm thêm hiệu quả vào buổi sáng, nhân viên có thể dành thời gian để học tập hay dành nhiều thời gian cho gia đình nhiều hơn, và điều này nhằm đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Hôm qua tình cờ đọc được một bài báo rất hay về việc công ty Nhật Itochu, công bố chế độ trả thêm lương khi làm việc vào buổi sáng sớm. Đối với chế độ mới này, việc làm thêm sau 8 giờ tối về nguyên tắc là bị cấm, còn việc làm thêm ban đêm (từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng) là tuyệt đối cấm, và đèn cũng sẽ bị tắt vào giờ này. Khi làm việc vào buổi sáng sớm bắt đầu từ 5h đến 9h sáng sẽ được trả thêm lương.
Trường hợp đối với nhân viên thường, trước đây tiền lương trả thêm cho làm ngoài giờ vào ban đêm được tính bằng 50% lương căn bản, còn làm ngoài giờ vào buổi sáng được tính thêm 25% lương cơ bản, thế nhưng với chế độ mới tiền lương trả thêm ngoài giờ vào sáng sớm sẽ được nâng lên 50%. Trước đây đối với cấp quản lý không có lương trả thêm cho làm ngoài giờ vào buổi sáng sớm, nhưng bây giờ sẽ được tính thêm 25%.
Giảm được phần giờ làm thêm, nhân viên có thể dành thời gian để học tập hay dành nhiều thời gian cho gia đình nhiều hơn, và điều này nhằm đảm bảo cân bằng trong cuộc sống và công việc (Work Life Balance).
Trước đến nay tất cả chúng ta hầu như đều bị dính vào 1 vòng luẩn quẩn. Ngủ muộn, dậy muộn, đi làm muộn, tan làm muộn, thức khuya, rồi lại dậy muộn. Với phần lớn mọi người việc dậy sớm gần như là một cực hình. Và mỗi lần dậy được sớm thì như một thành tích. Mặc dù ai cũng nhận ra việc dậy sớm làm việc họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, ghi nhớ tốt hơn, khỏe khoắn hơn, nhưng rồi rất ít người phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn đó và duy trì được thói quen dậy sớm.
Ngay khi đọc mẩu tin kia mình đã thấy đây thực sự là một chính sách hay. Nhân viên công ty dậy sớm, họ làm việc hiệu quả hơn, hoàn thành công việc sớm hơn, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình và chăm sóc cá nhân. Chưa nói đến chuyện thưởng làm thêm giờ buổi sáng như một hình thức khuyến khích, giúp tăng thu nhập và sức khỏe của nhân viên thì chính sách này cũng là một câu chuyện làm thương hiệu hay và tạo ra sự khác biệt về mặt thương hiệu từ bên trong công ty.
Chính sách này được đưa ra có thể coi như một nhân tố khởi động cho các chiến dịch truyền thông về văn hóa công ty. Với cách làm này, thương hiệu được truyền thông từ bên trong lẫn bên ngoài, ko chỉ tạo ra hiệu ứng xã hộị mà còn tạo ra một nhận thức khác biệt về thương hiệu từ chính những cá nhân trong công ty ( Điều này thực sự rất đáng ghi nhận, bởi có rất nhiều công ty bỏ rất nhiều tiền ra làm truyền thông bên ngoài nhưng quên đi mất việc truyền thông nội bộ). Al Ries cho rằng, cuộc chiến của marketing thực chất là cuộc chiến của khác biệt, của sự tập trung. Với chính sách này, công ty Nhật Itochu đã tạo ra được một sự khác biệt hoàn toàn với các công ty khác, trám được cái tên của thương hiệu này vào chỗ trống trong nhận thức của người dùng trước cả khi người dùng quan tâm tìm hiểu về sản phẩm dịch vụ của họ.
Nói chung là rất đáng suy nghĩ.

Theo Kytucxa.vn