Giá vàng đang tăng. Nếu tỷ giá cũng tăng theo giá vàng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ổn định thị trường ngoại hối ra sao?
Những bất ổn về chính trị, quân sự thế giới từ trung tuần tháng 8 đã khiến Mỹ có cơ hội thể hiện vai trò một nước lớn – nước có khả năng can thiệp để lập lại trật tự. Chưa biết diễn biến quân sự, chính trị thế giới sẽ đi đến đâu nhưng điểm nhận thấy rõ nhất là đồng USD lập tức lấy lại vị thế của một “siêu” tiền tệ.
Từ phiên giao dịch ngày 27/8 đồng tiền này bắt đầu tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt là Yên và EUR. Đến ngày 29/8 đồng USD tiếp tục mở rộng đà tăng so với các đồng tiền chủ chốt thế giới sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố có thể giảm mức độ nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay và ngừng hẳn vào giữa năm 2014. Đồng USD giao dịch ở 1,3216 USD/EUR, hướng đến tuần tăng 1% so với euro; và USD đã tăng 3,1% so với đồng Yên Nhật khi được giao dịch ở mức 97,29 Yên/USD.
Trong nước, cuối tháng 8, sau 2 tuần khá yên ắng, đồng USD lại có sóng. Hôm 22/8 Vietcombank tăng giá mua thêm 60 đồng lên 21.130 đồng/USD và tăng giá bán thêm 80 đồng lên 21.200 VND/USD. Thậm chí VietinBank còn tăng giá bán thêm 120 đồng, lên 21.240 VND/USD trong khi chỉ tăng giá mua vào thêm 65 đồng, lên 21.130 VND/USD. Cũng như những lần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục lên tiếng can thiệp và tỷ giá giảm trở lại ngay hôm 23/8: Vietcombank giao dịch ở mức mức 21.110 VND/USD – 21.190 VND/USD; VietinBank niêm yết ở 21.100 VND/USD – 21.200 VND/USD. Con sóng này tuy ngắn nhưng cho thấy thị trường chưa thực sự ổn định và những đợt sóng mới đang âm thầm hình thành.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố hiện vẫn ở mức 21.036 VND/USD. Tỷ giá giao dịch mà Vietcombank niêm yết ngày 29/8 là 21.110 VND/USD – 21.180 VND/USD, lại tăng so với ngày 28/8 nhưng vẫn dưới mức trần 21.246 VND/USD mà NHNN cho phép. NHNN và một số chuyên gia đều khẳng định chưa có cơ sở để tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, và cầu ngoại tệ tăng mạnh chỉ là nhất thời nên không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng lại cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. Sự ổn định của lãi suất huy động bằng tiền đồng, sự trì trệ của tăng trưởng tín dụng những tháng qua là rất rõ ràng, nhưng lãi suất liên ngân hàng, trong đó có cả bằng tiền đồng và đô la Mỹ đang có dấu hiệu tăng.
Theo thống kê của NHNN, trung tuần tháng 8 các giao dịch bằng đô la Mỹ đã tăng 14% về doanh số giao dịch và lãi suất giao dịch bình quân tuần có xu hướng tăng nhẹ đối với các kỳ hạn qua đêm, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng. Điều đáng lo ngại là sau đợt điều chỉnh hôm 28/6, NHNN liên tục khẳng định chưa điều chỉnh tỷ giá và điều hành theo định hướngổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô… nhưng niềm tin thị trường chưa ổn định. Bản thân NHNN cũng giải thích những đợt sóng đô la Mỹ gần đây đều được nhận định là do tâm lý thị trường. Sự bất ổn của tình hình chính trị, quân sự thế giới, cho dù tận Ai Cập hay Syria, vẫn ít nhiều tác động đến tâm lý người dân Việt Nam.
…Và vàng đáp lời
Việc “đáp lời” này thấy rõ nhất qua sự biến động của thị trường vàng những ngày qua. Với người dân Việt Nam, vàng vẫn là tài sản tích trữ lâu đời nhất. Trong khi đó giá vàng thế giới lại có xu hướng tăng trở lại. Nếu trung tuần tháng 8 các chuyên gia còn dè dặt trong nhận định về mốc 1.400 USD/oz của giá vàng thế giới thì nay họ dự báo về mốc 1.500 USD/oz. Giá vàng trong nước sẽ như thế nào khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng? Nếu NHNN tiếp tục bán vàng ra để ổn định thị trường thì quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ như thế nào? Bài phỏng vấn ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) hôm 29/8 đã không trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này.
Và kết quả phiên đấu thầu vàng hôm 30/8/2013 càng khiến tâm lý kỳ vọng giá vàng tăng hiện hữu. Trong tổng 20.000 lượng chào bán có 19.700 lượng trúng thầu. Giá trúng thầu thấp nhất là 38,45 triệu đồng/lượng và cao nhất là 38,48 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý là giá trúng thầu phiên thứ 57 này ngang với giá bán ra của doanh nghiệp và ngân hàng trên thị trường vào cùng thời điểm, cao hơn giá mua vào tới 350 nghìn đồng/lượng. Lập tức, giá vàng trên thị trường được điều chỉnh tăng. Sự kiện đáng chú ý nhất của vàng trong tuần cuối tháng 8 không chỉ là do biến động về giá mà cả khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đã có lúc về 2 triệu đồng/lượng – con số mà NHNN đưa ra như một mục tiêu phấn đấu trong quản lý điều hành thị trường vàng.
Thế nhưng, khoảng cách mong ước này chỉ tồn tại trong buổi sáng ngày28/8khi lần đầu tiên NHNN giảm lượng vàng chào thầu xuống 20.000 lượng. Phải thừa nhận, sự kiên định của NHNN trong việc tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng bắt đầu phát huy tác dụng khi nhịp điệu thị trường đã diễn biến theo kết quả từng phiên đấu thầu của NHNN. Vấn đề đặt ra là liệu tới đây, khi giá vàng thế giới tăng, cầu vàng trong nước tăng thì NHNN có còn đủ lực để tiếp tục bán vàng ra nhằm ổn định thị trường? Nếu tỷ giá cũng tăng theo giá vàng, NHNN sẽ gặp khó khăn gấp đôi trong ổn định thị trường ngoại hối.
Vấn đề thứ hai là tâm lý thị trường. Không thể đòi hỏi người dân và doanh nghiệp có thái độ kiên định như NHNN trong điều hành thị trường thời gian qua. Vì vậy, cách tốt nhất để không cho những tin đồn có đất sống là thông tin từ cơ quan quản lý phải kịp thời, đầy đủ, với thông điệp rõ ràng.
Theo nguồn tin của chúng tôi, sau các phiên đấu thầu vàng, NHNN đã thu về một lượng tiền “lãi” không nhỏ. Số tiền này được chuyển về ngân sách nhà nước. Thế nhưng, thiết nghĩ số tiền đó cũng chẳng bù đắp được mấy số thất thu ngân sách hiện nay. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước ngày càng khó khăn, phức tạp. Lạm phát tăng trở lại, nhưng sản xuất kinh doanh vẫn trì trệ, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, người thất nghiệp tăng… Mà vàng và đô la lại chỉ dành cho một số ít người có tiền trong xã hội. Nguồn thu từ vàng của NHNN hay kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng, doanh nghiệp và một bộ phận dân chúng cũng không thể khiến kinh tế của một nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như Việt Nam phát triển được.
Theo Doanh Nhân