Thị trường chứng khoán: Tìm đòn bẩy để cất cánh khỏi mặt đất!

Dẫn chứng trên đây cho thấy TTCK Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục chờ đợi những “đòn bẩy” chính sách mạnh hơn nữa thì mới có cơ hội “cất cánh” được khỏi mặt đất.

Nhằm vực dậy thị trường chứng khoán (TTCK) mấy năm nay “loanh quanh” ở mức thấp, không có động lực để bứt phá, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng đang tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK bằng cách nới “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài…
Song theo quy định của Luật Chứng khoán, đây lại là vấn đề do Thủ tướng Chính phủ quyết định (Quyết định 55/2009/QĐ-TTg). UBCK đang kiến nghị sửa quy định tỷ lệ sở hữu trong Quyết định này, tuy nhiên sửa như thế nào là hợp lý cho phù hợp với tình hình hiện nay là vấn đề cần được cân nhắc.

Room chật chội…
Room 49% hiện nay đang trở nên không hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài, bởi khi tham gia TTCK Việt Nam với tỷ lệ cao, NĐT nước ngoài luôn có chiến lược đầu tư và đồng thời với việc đầu tư vốn vào TTCK, họ còn muốn “dấn” sâu vào nền kinh tế với việc tham gia vào quản trị các doanh nghiệp (DN) nắm giữ cổ phần để mong có lợi nhuận cao hơn, kiểm soát tốt hơn dòng tiền đầu tư.
Các NĐT nước ngoài mong muốn cùng với việc thực hiện cam kết WTO không hạn chế NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần hoặc thành lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài và thành lập chi nhánh của nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam kể từ ngày 12/1/2012 thì các NĐT nước ngoài được tự quyết định tỷ lệ sở hữu tùy thuộc vào năng lực “hấp thu” của các DN Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi Quyết định 55 quy định về NĐT nước ngoài, bao gồm cả tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài và chi nhánh của tổ chức đó, tổ chức, quỹ đóng, quỹ thành viên, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%. Quy định này là quá chặt chẽ và không phù hợp với thông lệ quốc tế, khi coi cả các DN thành lập ở Việt Nam có tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trên 49% là NĐT nước ngoài.
Việc nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài dường như đang gặp phải sự e ngại của các nhà quản lý Việt Nam về việc mở cửa hơn nữa cho các NĐT nước ngoài, sợ rằng nếu cho phép mở “room” thì các NĐT nước ngoài sẽ “nuốt trọn” các DN Việt Nam và trở thành DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, UBCK vẫn giữ “room” sở hữu 49% của NĐT nước ngoài đối với công ty đại chúng và chỉ cho phép một số công ty niêm yết được phép nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa 60% tổng số các cổ phiếu có quyền biểu quyết và chỉ áp dụng cho các NĐT chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, NĐT như thế nào thì được coi là NĐT chiến lược nước ngoài thì cũng chưa có quy định.
Theo nhóm Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), quy định này sẽ không tăng thêm tính thanh khoản cho TTCK, không giải quyết được việc DN bị định giá dưới giá trị tiềm năng. Không chỉ không có tác dụng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà quy định này còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trong các đợt IPO hay thoái vốn Nhà nước tại các DN nhà nước. Hơn nữa, việc chấp thuận phải do Thủ tướng quyết định từng trường hợp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không rõ các tiêu chí nào để xem xét cho phép nâng tỷ lệ sở hữu này.

Tìm “đòn bẩy”
VBF đã kiến nghị giải pháp phát hành chứng nhận không hưởng quyền biểu quyết (NVDR) cho NĐT nước ngoài như một số nước đã làm là giải pháp hữu hiệu và có tác động khá toàn diện đối với việc nâng cao tính hiệu quả của TTCK.
Một mặt, giải pháp này góp phần đẩy mạnh việc thu hút vốn từ NĐT nước ngoài, cải thiện tính thanh khoản của thị trường và đồng thời giảm chi phí vốn của DN. Bên cạnh đó, còn có tác động tích cực đối với ngân sách Nhà nước và mang tới nguồn doanh thu thuế cao hơn thông qua các loại phí giao dịch, thuế từ việc đầu tư chứng khoán, cũng như đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.
VBF khẳng định cơ chế phát hành NVDR khá đơn giản, không yêu cầu phải sửa đổi nhiều luật liên quan. Giải pháp này giúp DN không phải phát hành một loại cổ phiếu riêng biệt và có bất kỳ sự thay đổi nào về vốn chủ sở hữu mà vẫn có được sự tham gia của NĐT nước ngoài mới.
UBCK lại không sử dụng công cụ NVDR mà lại đề nghị cho phép DN phát hành một loại cổ phiếu mới gọi là cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Đây thực chất là một loại cổ phiếu ưu đãi, không có quyền biểu quyết, dự họp cổ đông, ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.
Tuy nhiên, VBF cho rằng việc phát hành cổ phiếu này cũng không mang lại hiệu quả cho TTCK, cũng như dẫn đến việc cổ phần gặp tình trạng thiếu tính thanh khoản do các NĐT nước ngoài không có quyền tương xứng với số cổ phiếu họ nắm giữ. Thực tế ở nhiều nước cho thấy các NĐT không mấy quan tâm tới loại cổ phần này, nếu có thì thường được giao dịch với tỷ lệ chiết khấu cao hơn so với cổ phần phổ thông. Hơn nữa, việc cho phép giao dịch cổ phiếu này đặt ra vấn đề có khả năng phải thành lập một sàn giao dịch riêng cho loại cổ phần này vì tính đặc thù của nó.
Dẫn chứng trên đây cho thấy TTCK Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục chờ đợi những “đòn bẩy” chính sách mạnh hơn nữa thì mới có cơ hội “cất cánh” được khỏi mặt đất.

Theo Thời báo kinh doanh