Cách đây hơn hai thập kỷ, vào những năm đầu đổi mới, cụm từ “gia đình trị” luôn được các kinh tế gia, luật gia “ném đá”, cho rằng nó làm méo mó hình ảnh, gây những hậu quả xấu trong quản trị doanh nghiệp…
Có lẽ, đến hôm nay, kinh tế tri thức làm thay đổi phương thức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp làm “đẹp” hơn hình ảnh doanh nghiệp, tư duy đó đã thay đổi “180 độ”?
Ngày hôm nay, những thế hệ doanh nhân 8X, 9X, được đào tạo bài bản, đang nối bước cha mẹ trên thương trường. Việc quản lý, điều hành của 2- 3 thế hệ của một gia đình trong cùng một công ty không hiếm.
Vị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái từng nói: Ở Việt Nam, 80% là công ty mang tính gia đình và có khoảng 80% thành công, 20% còn lại là dạng cổ phần, và cũng chỉ 20% số này có khả năng thành công. Chỉ tính khoảng 100 công ty gia đình lớn nhất Việt Nam đã góp khoảng 1/4 GDP cả nước.
Nhìn ra toàn cầu, công ty “gia đình trị” đang chiếm khoảng 70% số công ty trên thế giới. Trong Top 500 thương hiệu thành công nhất trên thế giới có hơn 1/3 là công ty “gia đình trị”. Ông Lawrence Chong- CEO của Consulus- nhận xét: Vì sao các thương hiệu lớn trên thế giới như Toyota, SamSung, Hyundai… lại là công ty gia đình? Bởi vì ngoài làm việc, tình yêu gia đình còn tạo nên sự tận tâm để làm ra sản phẩm tốt hơn, vì sự phồn thịnh của gia đình.
Theo Cafebiz