Xuất khẩu chè: Bao giờ dân mới hết phận… “đi cày”?

Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên tới hàng trăm triệu USD, nhưng gần như 100% chè VN vẫn ở dạng xuất thô.

Sau hơn 20 năm tiếp cận thị trường thế giới, chè VN chưa tạo được tên tuổi của mình dù đã nỗ lực quảng bá hình ảnh với bạn hàng quốc tế.

Trồng chè như… đi cày
Đó là ví von của ông Đoàn Anh Tuân – Chủ tịch Hiệp hội Chè VN (Vitas) – khi nói đến vị thế chè VN trên thị trường thế giới. Chỉ dừng ở khâu xuất thô, ông Tuân cho rằng thị trường xuất khẩu (XK) chè không khác nào đang ở giai đoạn… đi cày. “Nếu sản phẩm cuối cùng là hạt lúa thì sản phẩm chè nước ta chỉ đang ở giai đoạn “đi cày” – là khâu vất vả nhất, nhưng xét về lợi nhuận thì không thể bằng hạt lúa!” – Chủ tịch Vitas bộc bạch.
Là một trong những người gắn với ngành chè nhiều năm, ông Tuân luôn trăn trở về câu chuyện XK chè. Cả nước có 33 tỉnh, thành trồng chè, diện tích năm 2012 đạt khoảng 124.000ha, cho khoảng 200.000 tấn chè thô/năm, trong đó XK khoảng 150.000 tấn. Kim ngạch XK chè năm 2012 đạt khoảng 245 triệu USD, nhưng gần như 100% là xuất thô – con số không mấy ấn tượng. 
Năm 2013, ngành chè còn đối mặt với khó khăn khi sản lượng XK sụt giảm. Không ít nhà nhập khẩu, đặc biệt từ Châu Âu liên tục gây khó khăn cho ngành chè từ những rào cản kỹ thuật quá khắt khe. 
Đây không phải là lần đầu tiên chè VN gặp khó. Nhiều năm trước, đã rộ lên thông tin VN có sử dụng chè bẩn (chè trộn bùn) tại Yên Bái. Gần đây nhất là thông tin người dân Lâm Đồng “tái sinh” bã chè đã qua sử dụng để sản xuất chè không độ đóng chai. Ngành chè thêm một lần lao đao khi tên tuổi vốn dĩ đã mờ mịt trên thị trường XK. 
Theo Vitas, năm 2013 do những yêu cầu khắt khe từ thị trường Châu Âu, VN đang tiếp tục duy trì những thế mạnh tại các thị trường như Mỹ, Belarus, Indonesia… song theo nhận định, từ nay đến cuối năm, XK vẫn tiếp tục khó khăn. Sản lượng chè dự báo sẽ sụt giảm 20% do thời tiết không thuận lợi. Mặt khác, người dân đang chịu áp lực từ giá bán thấp năm ngoái, hàng loạt vật tư đầu vào tăng chi phí nên ra sức tận thu hết lá chè già (vốn để ủ gốc cho vụ sau) khiến chè giảm đáng kể năng suất.

Giải mã “thân phận” chè Việt
Câu hỏi được đặt ra là mặc dù chất lượng không thua kém, song chè VN vẫn chưa có tên tuổi trên thị trường thế giới, vẫn tiếp tục xuất thô? Ông Tuân cho biết: “20 năm gia nhập thị trường chè thế giới không phải là thời gian ngắn, nhưng chưa đủ dài để DN VN khẳng định vị trí của mình”. Ông phân tích, vào thời kỳ đầu XK, để thu hồi vốn nhanh, không mất nhiều chi phí, nhiều DN quyết định xuất thô chè để tìm kiếm vốn “giắt” lưng.
Điều này vô hình trung tạo nên “điều kiện” để DN VN vốn quy mô nhỏ lẻ, manh mún có cơ hội XK thô dễ dàng. Để gây dựng thương hiệu chè, những nhãn hiệu tên tuổi thế giới phải mất hàng trăm năm, vì thế chè VN khó lòng cạnh tranh trong điều kiện tiềm lực về kinh tế còn hạn chế! Xuất thô chè không phải là xấu, nhưng xét về lâu dài thì lợi nhuận không cao, không có giá trị gia tăng, chưa kể sẽ bị ép giá từ phía nhà nhập khẩu!” – ông Đoàn Anh Tuân nói. 
“Mổ xẻ” câu chuyện về ngành chè VN, một số chuyên gia nhận định bản thân người trồng chè vẫn chưa có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất chè nghiêm ngặt, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc từ khâu kỹ thuật. Việc lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất đã và đang gặp khó khi xuất sang thị trường Châu Âu, tạo nên ảnh hưởng không tốt từ phía nhà nhập khẩu. Nếu việc này không được cải thiện, ngành chè sẽ tiếp tục bị thui chột. 
Việc quảng bá hình ảnh chè Việt sẽ vô tác dụng. Vấn đề chè bẩn cũng được cho là hệ quả của sự quản lý lỏng lẻo, thiếu liên kết, trong khi DN sản xuất và kinh doanh chè vốn dĩ đã quá nhỏ lẻ, làm ăn chụp giật khi liên tục tranh giành một cách tàn khốc vùng nguyên liệu đang thiếu (công suất chế biến chè hiện đã vượt quá nguồn nguyên liệu tới… 2,5 lần). 
Bên cạnh đó, bản thân thị trường nội địa cũng không mấy mặn mà với việc tiêu thụ sản phẩm chè. Nói như ông Đoàn Anh Tuân, nếu bán được chè trong nước, DN không việc gì mất công đi XK. Thói quen uống chè của người VN hầu như chỉ rơi vào một bộ phận đặc thù, không phải là số đông. Lượng chè tiêu thụ nội địa chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn. DN chè Việt – vì thế – buộc phải “bơi” giữa biển mênh mông và cứ thế tiếp tục cuộc cạnh tranh không cân sức mà không biết lúc nào sẽ dừng lại?

Theo Lao Động