Nội dung nổi bật:
– Thay vì tập trung đào tạo cầu thủ trẻ từ lứa tuổi măng non, vì căn bệnh thành tích, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thường tập trung “nuôi” vài tháng cho các đội tuyển vì đào tạo trẻ phải mất cả chục năm.
– Đằng sau thành quả bước đầu của các cầu thủ trẻ hôm nay là một tư duy làm bóng đá bài bản – xây dựng, đào tạo bóng đá trẻ, do một doanh nhân khởi xướng. Đó là điều mà VFF chưa làm được.
Chưa khi nào kể từ Tiger Cup năm 1998, một giải đấu và một thế hệ cầu thủ bóng đá lại được đề cập nhiều với một sự thân thương, trìu mến đến thế.
Nhưng nếu 15 năm trước là một giải đấu cao nhất của khu vực, với lứa cầu thủ đã thành danh là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam, như Hồng Sơn, Huỳnh Đức… “mỗi người hùng cứ một phương”, thì nay chỉ là một giải đấu dành cho lứa tuổi U19, các cầu thủ đa phần được đào tạo từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG do ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư.
Các cầu thủ ấy vừa đưa người hâm mộ trải qua những cảm xúc khó tả sau hành trình tại giải U19 Đông Nam Á vừa kết thúc tối 22/9.
Phần thưởng niềm tin
Lần đầu tiên ra quân trong một giải đấu chính thức của khu vực, các cầu thủ đội U19 Việt Nam đã thi đấu đúng như tinh thần của huấn luyện viên Grachen Guillume của đội từng đề cập cách đây không lâu:
“Các em ở đội khác thường khỏe hơn nhưng về kỹ thuật thì không bằng. Vấn đề là chúng tôi có cách chơi của riêng mình. Nhiều đội chỉ chăm chăm phòng ngự. Các trận đấu không đẹp chút nào, như vậy không tốt cho các cầu thủ trẻ”.
Suốt giải đấu, các cầu thủ U19 Việt Nam chinh phục tất cả, người hâm mộ trong nước lẫn các nhà báo khu vực không chỉ bằng lối chơi đẹp mắt, hiện vực, mà còn bởi sự thuần khiết đến không ngờ. Không trả đũa đối phương, không chủ động chơi xấu, thi đấu nhiệt tình, giải Fair Play cùng chiếc huy chương bạc (thua U19 Indonesia 6-7 trong loạt sút luân lưu sau khi hòa nhau 0-0 sau 120 phút thi đấu) là phần thưởng dành cho đội U19 Việt Nam mà nòng cốt là Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG.
Nhưng trên tất cả, là phần thưởng – niềm tin yêu của người hâm mộ. Chưa bao giờ, trên các diễn đàn mạng, sự đồng thuận của người hâm mộ lại cao đến thế. Gần như tất cả đều gửi lời cảm ơn đến các cầu thủ trẻ, huấn luyện viên Grachen Guillume cùng ban huấn luyện và đặc biệt là tới ông Đoàn Nguyên Đức.
Nhờ có ông bầu đam mê bóng đá một cách bài bản này mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới có được những cảm giác hạnh phúc đến thế, khi được nhìn dàn cầu thủ trẻ “của mình” thi đấu. Đó là lý do không ai tiếc nuối hay trách cứ các cầu thủ trẻ không đem được chiếc huy chương vàng về cho đất nước.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tất cả đều bày tỏ sự ghi nhận người có công khai sinh và nuôi dưỡng học viện, ông Đoàn Nguyên Đức. Đằng sau thành quả bước đầu của các cầu thủ trẻ hôm nay là một tư duy làm bóng đá bài bản – xây dựng, đào tạo bóng đá trẻ, do một doanh nhân khởi xướng. Đó là điều mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – cơ quan được giao nhiệm vụ hoạch định và phát triển bóng đá nước nhà chưa làm được.
Thay vì tập trung đào tạo cầu thủ trẻ từ lứa tuổi măng non, vì căn bệnh thành tích, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thường tập trung “nuôi” vài tháng cho các đội tuyển, từ đội tuyển quốc gia đến đội U23, trước mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup. Vì sao? Vì đào tạo trẻ thì phải chục năm mới có thể hái quả, còn tập trung “nuôi” các đội tuyển trong vài tháng mà có huy chương thì sẽ có ngay thành tích.
Khâu đào tạo trẻ được khoán cho các Sở Thể dục thể thao địa phương với kinh phí èo uột, vì vậy chuyện học văn hóa, ngoại ngữ… của các cầu thủ trẻ dĩ nhiên chẳng được ai quan tâm. Điều đó trái hẳn với mô hình bài bản, chuyên nghiệp của Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG do một doanh nhân tự “xắn tay” thực hiện.
Điểm sáng Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG
Với 12/20 cầu thủ đội U19 và 9/11 cầu thủ thường xuyên xuất phát trong đội hình chính thuộc Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG của ông Đoàn Nguyên Đức, việc người ta “đánh đồng” các cầu thủ U19 Việt Nam lần này với “quân bầu Đức” cũng là dễ hiểu.
Kể từ khi các cá nhân bước chân vào lĩnh vực bóng đá, người ta quen gọi họ là những “ông bầu”. Nổi bật hơn cả, ông Đoàn Nguyên Đức luôn có những ý tưởng tiên phong.
Sau mấy năm đầu có phần “hớt ngọn” như chiêu mộ danh thủ số 1 khu vực Đông Nam Á Kiatisak (Thái Lan) để giúp Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai vô địch quốc gia hai năm liên tiếp, ông Đức quyết tâm “xây từ gốc” với đào tạo bóng đá trẻ. Năm 2007, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG ra đời.
Ý tưởng xây dựng học viện được ông Đức ấp ủ từ lâu và ông quyết làm cho bằng được, với mục đích tạo nên vườn ươm lý tưởng cho những tài năng bóng đá Việt Nam.
Vạn sự khởi đầu nan, ông Đức lặn lội sang châu Âu vừa để học cách làm bóng đá tiên tiến, vừa tìm đối tác để xây dựng học viện. Ông đã chọn Arsenal, một câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh dù không phải có thành tích tốt nhất nhưng lại có lối chơi đẹp mắt và phù hợp nhất với con người Việt Nam.
Hàng triệu USD ông Đức đổ ra để xây dựng học viện, tuyển sinh. Các học viên được đào tạo trong bảy năm, được học văn hóa, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đến nay, học viện đã trải qua ba kỳ tuyển sinh, năm 2007 (16 em trúng tuyển), năm 2009 (10 em) và tháng 8/2013 (9 em).
Quý hồ tinh bất quý hồ đa, tất cả đều là những mầm non xuất sắc nhất trong độ tuổi, quan trọng là các em đã và sẽ được học làm người song song với tập đá bóng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Giấc mơ của ông Đoàn Nguyên Đức và của bóng đá Việt Nam
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức nhớ lại ngày mới khai trương học viện, những Văn Trường, Công Phượng, Văn Toàn… chỉ những cậu nhóc 10, 11 tuổi, nhỏ con và chưa biết gì nhiều về cuộc sống, xã hội.
Học viện đã thay cha mẹ các em bảo ban, rèn luyện, chỉ dạy các em thành người. Năm vừa rồi, lứa học viên khóa 1 đã hoàn tất bằng trung học phổ thông và sẽ được học từ xa lấy bằng đại học. Ông Đức tự hào là các cầu thủ trẻ của mình không chỉ chơi bóng hay mà đều học giỏi, có học vấn để sau này có thể thành công khi không còn đá bóng. Ông Đức nói:
“Còn gì tự hào hơn khi các cầu thủ của tôi có thể thoải mái dùng tiếng Anh trả lời báo chí nước ngoài mà không cần phiên dịch. Một hình ảnh chuyên nghiệp từ trên sân đến ngoài đời khiến bạn bè nước ngoài phải ngưỡng mộ, khâm phục”.
Là một doanh nhân, nên tất nhiên ông Đức không đổ tiền của vào bóng đá chỉ để thỏa niềm đam mê. Giấc mơ của ông Đức là xuất khẩu cầu thủ Việt Nam đến với thị trường bóng đá châu Âu và phục vụ cho đội tuyển quốc gia sau này. Ông nói:
“Tôi muốn xây dựng và phát triển bóng đá trẻ cũng như thay đổi hệ tư tưởng làm bóng đá ở ta, để tạo sự đột phá cho bóng đá nước nhà. Còn cứ quanh quẩn với những gì cũ kỹ, bóng đá Việt Nam khó có thể đi lên được”.
Đó là giấc mơ của một doanh nhân làm bóng đá. Hy vọng rằng cách nghĩ, cách làm đột phá và hiệu quả ấy sẽ khuyến khích thêm nhiều người khác tham gia đầu tư vào đào tạo bóng đá trẻ. Sẽ không chỉ có một mà nhiều học viện như thế ra đời.
Quan trọng hơn, nó mở ra một hướng suy nghĩ – thực ra không mới – nhưng rất khó thực hiện bởi tư duy nhiệm kỳ và ăn xổi của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam trước nay, đó là “xây nhà từ móng”. Làm bóng đá phải bắt đầu từ bóng đá trẻ. Đầu tư phải bài bản, đến nơi đến chốn mới thu được quả ngọt.
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần